Gương sáng Pháp luật

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh: 38 năm, 1 đam mê pháp chế ngành Công an

(PLVN) - Trung tướng, Cục trưởng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh gắn bó với ngành pháp chế Công an nhân dân khi mới là cử nhân luật 22 tuổi; cho đến năm 60 tuổi rời cương vị Cục trưởng Cục Pháp chế & Cải cách Hành chính, Tư pháp (Bộ Công an). Trong 38 năm liên tục cống hiến cho lực lượng Công an nhân dân, ông kể dù có lúc có thể điều chuyển sang lĩnh vực khác nhưng ông gắn bó đến cùng với công việc mang tiếng “khô khan” này.
Trung tướng Ngọc Anh tại Hội nghị phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản các đạo luật được Quốc hội khóa XIV thông qua.
Trung tướng Ngọc Anh tại Hội nghị phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản các đạo luật được Quốc hội khóa XIV thông qua.

“Cả đời tôi giữ nguyên đam mê với công tác pháp chế”

Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 1982, tân cử nhân Ngọc Anh về nhận công tác tại Vụ Pháp chế, Bộ Công an. Năm 1988, Bộ cử ông tham gia kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh.

Đỗ thủ khoa, ông cùng một số cán bộ Bộ Tư pháp và một số cơ sở đào tạo pháp luật sang làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô (Đại học Tổng hợp quốc gia Kiev). Bốn năm sau, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông quay về, tiếp tục công tác tại đơn vị cũ.

Được sự giúp đỡ của lãnh đạo, sự hỗ trợ của đồng chí, đồng đội, ông lần lượt được bổ nhiệm làm Phó, Trưởng phòng Pháp chế rồi Vụ phó (năm 2000), Vụ trưởng (năm 2007) và Cục trưởng Cục Pháp chế & Cải cách Hành chính, Tư pháp vào năm 2014. Với mô hình Cục, tổ chức pháp chế của ngành Công an được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để quản lý nhà nước trên quy mô toàn lực lượng trong hai mảng quan trọng: pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp. Đến tuổi nghỉ quản lý, tháng 7/2020, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định phân công ông làm Cục trưởng, Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng.

Như vậy, ông đã có 38 năm liên tục làm công tác pháp chế của lực lượng CAND với 20 năm là lãnh đạo cấp Vụ/Cục, trong đó 13 năm làm người đứng đầu đơn vị. Ông bộc bạch: “Cả đời tôi vẫn giữ nguyên ngọn lửa đam mê đối với công tác pháp chế, từ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tham gia xây dựng VBQPPL, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật và các nội dung liên quan công tác pháp chế. Trong suốt quá trình đó, tôi đã rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành từ một cán bộ pháp chế khi mới là cử nhân luật 22 tuổi cho đến năm 60 tuổi ở cương vị một Cục trưởng”.

Gắn bó không chỉ vì đam mê yêu mến, mà còn vì có duyên. Năm 1977, khi ông đang học năm thứ nhất tại Khoa Pháp lý, Đại học Tổng hợp, thì Vụ Pháp chế (Bộ Công an) cử cán bộ sang tìm hiểu, lựa chọn 3 sinh viên để thông tin nếu có nguyện vọng làm việc ở Bộ Công an thì phải phấn đấu, rèn luyện đáp ứng tiêu chuẩn một chiến sỹ Công an. Và ông được chọn. Chính từ cái duyên ban đầu ấy, 4 thập kỷ ông thủy chung với công tác này.

“Có lẽ pháp chế đã lựa chọn tôi, khiến tôi tự hào rèn luyện, phấn đấu đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, kiến thức để có thể phục vụ lâu dài cho công tác pháp chế. Tôi cảm ơn cuộc đời đã đem tới cho tôi sự may mắn và cơ duyên này”, ông gửi gắm và cũng trân trọng cảm ơn lãnh đạo Bộ Công an, Vụ/Cục Pháp chế, Bộ Công an các thời kỳ cho ông nhiều cơ hội phấn đấu, rèn luyện, tận hiến; các thầy, cô giáo đã dạy dỗ. Nói đến đây, ông lại rưng rưng nhắc tới người mẹ đã khuất, là người đã động viên ông theo học ngành luật, bằng câu thơ: “Trở về với mẹ ta thôi/ Làm con của mẹ như thời ấu thơ”.

Gần 40 năm chỉ gắn bó duy nhất với pháp chế CAND để lại trong ông nhiều kỷ niệm. Vui là khi những dự luật do mình làm Tổ trưởng Tổ Biên tập giúp việc lãnh đạo Bộ, được các ĐBQH thông qua. Đáng nhớ như khi Luật CAND được Quốc hội biểu quyết thông qua, ông mừng quá, quên không lên xe cùng mọi người mà một mình đi bộ từ Nhà Quốc hội về cơ quan. Vui là khi Tổ Biên tập gồm các cán bộ ở nhiều bộ, ngành nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ cơ quan chuyên môn về pháp chế CAND thực hiện tốt nhiệm vụ. Cũng có những kỷ niệm bâng khuâng, khi những dự luật chưa được thông qua, tranh luận do liên quan nhiều bộ, ngành khác nhau, do cách thức đặt vấn đề, quan điểm khác nhau…

Trưởng đoàn đàm phán gần 30 Hiệp định tương trợ tư pháp

Mỗi đạo luật mà ngành Công an được giao chủ trì xây dựng, Tướng Ngọc Anh đều có công trình nghiên cứu chuyên sâu, tài liệu tập huấn toàn ngành, cả diện rộng lẫn chuyên sâu. Qua thực tiễn, những tài liệu này giúp ích nhiều cho công tác nghiên cứu, pháp chế. Phục vụ công tác chuyên môn, ông làm chủ nhiệm hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp cơ sở. Trong 15 năm, từ năm 2005 – 2020, Tướng Ngọc Anh là thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập các đạo luật quan trọng Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo như Luật CAND 2014 và 2018, Luật Căn cước công dân, Luật Phòng chống khủng bố, Luật Cư trú, Luật Phòng chống tội phạm mua bán người...; tham gia tích cực xây dựng Hiến pháp năm 2013, BLHS sửa đổi… Ước tính trong 15 năm qua, ông đã góp phần xây dựng, hoàn thiện pháp luật với 25 Luật và hơn 1.060 Thông tư.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, ông cùng các thành viên Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng đã tham mưu ban hành khoảng 70 Thông tư của Bộ trưởng và đang tập trung tham gia xây dựng Luật CAND sửa đổi; Luật Cảnh sát Cơ động; Luật về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật về Bảo đảm trật tự an toàn giao thông; sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức điều tra hình sự... Trong quá trình công tác gần 40 năm, ông đã được Chủ tịch nước ủy quyền làm trưởng đoàn đàm phán khoảng 30 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, chuyển giao người bị kết án, dẫn độ với các nước như Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Sức, Ý , Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Liên bang Nga, Hungary, Tây Ban Nha, Australia...; tham gia nhiều đàm phán đa phương về phòng chống tội phạm, nổi bật là đoàn đàm phán gia nhập Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm xuyên quốc gia, Công ước về Chống tham nhũng.

Trung tướng Ngọc Anh được đồng đội đánh giá luôn thân thiện, nhiệt tình.Trung tướng Ngọc Anh được đồng đội đánh giá luôn thân thiện, nhiệt tình.

Ông kể, việc đàm phán ở nước ngoài rất khó khăn từ xử lý, tiếp cận thông tin đến sinh hoạt, ăn uống; chưa tính những cuộc đàm phán diễn ra tới tận 1-2h sáng hôm sau thì không còn phương tiện đi lại, các thành viên đoàn đàm phán phải “cuốc bộ”. Tuy vất vả nhưng ai cũng vui. “Mỗi lần đàm phán thành công là góp phần nhỏ bé vào hoàn thiện cơ sở pháp lý quốc tế trong hợp tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự với các nước”, Tướng Ngọc Anh nói.

Với kiến thức phong phú, kinh nghiệm lâu năm trong công tác pháp chế, tướng Ngọc Anh được tin tưởng bầu là Ủy viên, Thư ký BCĐ Cải cách tư pháp TW; từng là Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an; Ủy viên Hội đồng Lý luận Bộ Công an, Trưởng Tiểu ban lý luận về pháp luật, cải cách tư pháp, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương 2015-2020…

Ghi nhận những đóng góp, Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều bộ, ngành, cơ quan tặng Kỷ niệm chương, Bằng khen các loại.

Ông quan điểm: “Mọi phần thưởng đều là hình thức. Điều còn mãi là tình cảm của những người đồng nghiệp, sự giúp đỡ của các đồng nghiệp từ các ban, bộ, ngành, từ các cơ quan pháp chế”. Bởi thế, ông mong các thế hệ cán bộ pháp chế đi sau, cả trong và ngoài ngành Công an, luôn giữ niềm đam mê với công tác pháp chế vì công việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tăng cường pháp chế XHCN; cũng như tin tưởng lực lượng pháp chế cả nước ngày càng lớn mạnh, ngày càng được Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành quan tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với nghiên cứu, trực tiếp tham gia công tác xây dựng VBQPPL, Tướng Ngọc Anh thường xuyên được lãnh đạo Bộ tạo điều kiện tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của ngành, là giảng viên kiêm chức cho một số cơ sở đào tạo của ngành như Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát, Đại học An ninh... Đến nay, ông đã hướng dẫn hơn 40 tiến sĩ thực hiện luận án, hàng trăm học viên làm thạc sĩ. Đích thân ông đã hướng dẫn cho 40 cán bộ, chiến sĩ của Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ. “Ở mỗi cơ sở đào tạo, tôi lại có điều kiện học hỏi các thầy cô nơi đây, trao đổi kinh nghiệm với các học viên và cảm nhận qua thực tiễn, tôi cho rằng những người làm pháp chế nên tham gia công tác giảng dạy”, ông nói. Tướng Ngọc Anh cũng đã dự rất nhiều diễn đàn khoa học, công bố gần 50 kỷ yếu hội thảo khoa học trong và ngoài ngành, được phong hàm Phó Giáo sư năm 2001, hàm Giáo sư năm 2009; tích cực viết bài cho các tạp chí pháp luật, đặc biệt tạp chí trong ngành Công an đã công bố 300 bài viết của ông. Ông còn viết nhiều tài liệu phục vụ công tác ngành, công tác pháp chế, công tác nghiên cứu, giảng dạy với hơn 120 đầu sách, tài liệu tham khảo, trong đó có nhiều sách chuyên khảo, giáo trình.

Đọc thêm