Bờ vực khủng hoảng
Mỗi ngày, Moscow đều hứng chịu những tin tức không may về kinh tế. Giá dầu thế giới giảm ở mức kỷ lục trong 5 năm, tỉ giá đồng rúp với đô la Mỹ cho đến thời điểm này đã giảm 40%. Lạm phát tăng 9% trong năm nay và tiếp tục leo thang, vốn đầu tư nước ngoài tháo chạy cả trăm tỉ USD...
Ông Putin đã hoãn lại những siêu dự án, ví như hệ thống ống dẫn South Stream đưa khí đốt tới miền nam châu Âu hay xây dựng đường sắt tốc độ cao từ Moscow tới Kazan.
Một số nhà phân tích nói rằng, những thay đổi có thể cảm nhận được đã diễn ra trong lĩnh vực chính sách. Putin có thể phải hạ giọng trong quan điểm chống phương Tây. Nhưng một số người khác lại cho lo ngại ông có thể làm điều ngược lại, rằng ông cần thay đổi sự chú ý vào các vấn đề kinh tế bằng cách đẩy cao sự phiêu lưu chủ nghĩa dân tộc ở nước ngoài, kiểu như vụ sáp nhập Crimea.
“Đây là thực tế hoàn toàn mới với ông ấy", Thời báo New York dẫn lời Sergei M. Guriev, một nhà kinh tế học nổi tiếng đã ra khỏi Nga năm ngoái, nói về Putin. "Bất cứ khi nào Nga muốn giá dầu tăng, giá dầu sẽ tăng. Ông ấy luôn may mắn, nhưng không phải lần này".
Nga phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ - chiếm khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu. Khi giá dầu lao dốc trùng khớp với những thiệt hại kinh tế do các biện pháp trừng phạt của phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, thì ông Putin có nguy cơ mất đi phương tiện để đưa sức mạnh Nga trở lại vũ đài thế giới.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, vấn đề lớn nhất của Nga không phải là đồng rúp tụt giá, cũng không phải là giá dầu lao dốc. cho dù ngân sách thường niên được đánh giá dựa trên mức giá 96USD/thùng mà hiện tại con số này chỉ là 70USD.
“Tất cả đều quá nhỏ so với cuộc khủng hoảng tài chính", Vladimir Milov, nguyên thứ trưởng năng lượng hiện đã trở thành nhà chính trị đối lập với Putin nói.
Gần 700 tỉ USD nợ các ngân hàng phương Tây, phần lớn thuộc về các tập đoàn nhà nước đóng vai trò trung tâm nền kinh tế Nga. Khi bị cấm vận, Nga không còn đường tiếp cận với nguồn tài chính phương Tây. Mặc dù Moscow đã hướng Đông để thay thế, nhưng các ngân hàng TQ không đủ khả năng bù đắp.
Thay vào đó, các khoản nợ đe dọa làm kiệt quệ nguồn dự trữ ngoại hối 400 tỉ USD của Kremlin.
Putin bình thản
Ông Putin chưa công khai về việc Nga sẽ đối phó thế nào với các vấn đề tài chính hiện tại. Trong một cuộc họp báo tháng trước, ông bày tỏ lo ngại về giá dầu, và nói rằng, nửa đầu năm 2014, giá dầu đã đủ cao để lấp đầy ngân sách Nga, và rằng Nga cần "chờ đợi và chứng kiến" điều gì xảy ra năm tới.
Ông thậm chí còn mô tả sự sụt giá đồng rúp là hữu ích với ngân sách.
Theo nhiều nhà phân tích phương Tây, thì vấn đề lớn nhất của giới lãnh đạo Nga là không thừa nhận sai lầm. Nền kinh tế kiệt quệ nhưng lãnh đạo Nga từ chối thừa nhận điều này và khiến căn bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng, cảnh báo suy thoái chỉ là đánh giá sơ bộ và nội các không chấp nhận.
Dự kiến, ông Putin sẽ đưa ra Thông điệp liên bang vào 4/12 với dự đoán tập trung vào vấn đề kinh tế - hoặc tự do hoặc tập trung hơn.
Những bất ổn tài chính kinh tế hiện tại có thể gây sức ép yêu cầu Nga phải cắt giảm chi tiêu công. Nó cũng làm chậm lại hoặc loại bỏ mục tiêu như tăng lương, nhà ở giá rẻ, chăm sóc y tế tốt hơn... mà ông Putin đặt ra trong hàng loạt sắc lệnh dân túy đã ký những ngày đầu nhiệm kỳ thứ ba năm 2012.
Thời gian không còn đứng về phía Nga, cho dù tới thời điểm hiện tai, tỉ lệ tín nhiệm của Putin vẫn ở mức rất cao. Theo dữ liệu tháng 11/2014 của trung tâm khảo sát độc lập Levada, Tổng thống Nga có 85% ủng hộ (giảm 3% so với tháng 10).
Putin đang đứng ở ngã ba đường giữa sự cô lập và tìm kiếm ra một mối quan hệ mới với phương Tây để có thể tốt hơn cho cả hai bên.
Putin nói muốn tiếp tục nắm quyền lực thêm 10 năm nữa và các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, ông sẽ không gặp nhiều ngáng trở nếu làm điều này. Một cuộc thăm dò mới cho thấy, ông sẽ giành hơn 80% phiếu bầu nếu phải đối mặt với một cuộc bầu cử lại.
Trong một phát biểu sau khi tham dự hội nghị G20 vừa qua trở về, tổng thống Putin đã tuyên bố “Không có bất cứ một ai có thể đe dọa nước Nga”.