"Tử huyệt" của Mỹ nằm trong tay Putin?

(PLO) - Một điều ít người biết tới đó là căng thẳng giữa Nga và Ukraina leo thang, cùng với cuộc khủng hoảng tại Crưm những ngày qua có ảnh hưởng sống còn lên chương trình không gian của Mỹ. 
Trạm ISS và Trái đất
Trạm ISS và Trái đất
Hiện nay, Trạm Không gian Quốc tế (ISS), những chuyến đi ra ngoài không gian và trở lại Trái đất, các hỏa tiễn Atlas và Antares và thậm chí các vệ tinh gián điệp then chốt của Mỹ cung cấp thông tin tình báo đều có thể trở thành nạn nhân nếu như diễn biến hiện nay tại Ukraina vượt ngoài tầm kiểm soát. 
Cuộc đối đầu tại Crưm và mọi lời đe dọa cũng như trả đũa – từ xung đột vũ trang cho tới các lệnh trừng phạt kinh tế - đã soi rọi ra tử huyệt của Mỹ trong lĩnh vực không gian, ngành công nghiệp tư nhân và các chương trình an ninh quốc gia, các vệ tinh và hỏa tiễn của Mỹ. 
Hậu quả sẽ là thảm họa cho tất cả các bên. 
Hầu như rất ít người biết rõ về quy mô tương thuộc và gắn kết không thể tách rời trong chương trình không gian giữa Mỹ, Nga và Ukraina.  
Trước tiên, hãy xem Mỹ lệ thuộc vào Nga như thế nào tại ISS. 
Trạm không gian là một tổ hợp với sự tham gia của 15 quốc gia và năm hãng quốc tế - trong đó có Nga và Roscosmos. Điều hành trạm lúc này gồm có nhóm ba người Nga, hai người Mỹ và một người Nhật. 
Con đường nhanh nhất và cũng tốn kém nhất để khôi phục lại đường bay cho Mỹ lên không gian và ISS là thông qua chương trình bay thương mại của NASA (CCP) nhằm phát triển các chuyến bay lên không gian với các hãng Boeing, SpaceX và Sierra Nevada. 
Kể từ khi chương trình tàu con thoi của NASA bị ngừng hoạt động vào năm 2011, Mỹ hoàn toàn lệ thuộc vào tàu Soyuz của Nga nếu muốn đưa người lên không gian và trở lại Trái đất.
Các phi hành gia của Mỹ và các nước đều phụ thuộc 100% vào ba chiếc ghế trong tàu Soyuz và hỏa tiễn của Nga để lên ISS.  
Mỹ phải trả cho Nga 70 triệu USD mỗi ghế trên tàu Soyuz trong hợp đồng gần đây nhất.  
Nhưng Quốc hội Mỹ đã giảm ngân sách chi tiêu cho chương trình CCP của NASA xuống còn 50% mỗi năm. Do vậy, chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ phải trì hoãn thêm 3 năm nữa. 
Phải đến năm 2017, NASA mới có thể chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào tàu Soyuz của Nga.
Nếu căng thẳng tại Crưm leo thang quá độ, dẫn tới việc Nga không đồng ý cho Mỹ ngồi trên Soyuz, hệ quả sẽ thật khôn lường.  
Trong phiên họp báo hôm 4/3, lãnh đạo NASA là Chales Bolden cho biết mọi việc vẫn tốt đẹp với phía Nga. 
“Lúc này, quan hệ giữa chúng tôi với phía Nga vẫn bình thường” – ông Bolden nói. Nhưng ông cũng thúc giục Quốc hội mau chóng cấp ngân sách đầy đủ cho CPP. 
Bên cạnh đó, một số loại hỏa tiễn của Mỹ sẽ không thể bay khỏi mặt đất nếu thiếu các thành phần sản xuất từ Nga và Ukraina.  
Chẳng hạn, tên lửa Atlas V do hãng United Launch Alliance phát triển đang tỏ ra rất hiệu quả trong nhóm các tên lửa của Mỹ. 
Và tên lửa Atlas V tới đây phóng vào ngày 25/3 sẽ mang theo vệ tinh do thám tối mật của Cơ quan Do thám Quốc gia Mỹ (NRO). 
Tầng thứ nhất của tên lửa này chạy bằng động cơ RD-180 của Nga sản xuất. 
Hàng năm, các tên lửa Atlas V được phóng mang theo các vệ tinh của bộ Quốc phòng Mỹ và của NASA. 
Nếu như trừng phạt kinh tế có hiệu lực, thì điều gì sẽ xảy ra với các động cơ RD-180 do Nga sản xuất? 
Một số loại tên lửa khác như Orbital Sciences và SpaceX rất quan trọng với NASA, và có tầng thứ nhất sản xuất ở Ukraina. 
Các nhà máy này lại nằm ở vùng phía đông Ukraina, nơi phần lớn người dân nói tiếng Nga – điều này khiến cho tình hình càng phức tạp thêm với Mỹ. 
Do vậy, nếu muốn trừng phạt Mỹ để trả đũa, Tổng thống Nga Putin hoàn toàn có thể nghĩ đến việc lấy ISS và An ninh Quốc gia Mỹ ra làm "con tin".  
Mọi lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại Crưm và căng thẳng tại Ukraina nói chung vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào các kênh ngoại giao chưa được thông tỏ giữa các bên liên quan. 

Đọc thêm