Trước kỳ thi THPT 2020: Nhiều băn khoăn vì Covid-19

(PLVN) - Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, kỳ thi THPT 2020 chính thức bắt đầu. Trước con số dịch bệnh Covid-19 tăng lên từng ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đã đưa ra nhiều phương án sẵn sàng ứng phó.  Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Nhiều băn khoăn trước kỳ thi THPT 2020 vì Covid-19. (Ảnh minh họa).
Nhiều băn khoăn trước kỳ thi THPT 2020 vì Covid-19. (Ảnh minh họa).

Lo ngại nguồn lây bệnh

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho biết: Về mặt kỹ thuật tổ chức thì kỳ thi không có thay đổi gì so với quy chế hiện hành. Chỉ khác việc tổ chức cho các em thuộc nhóm F1 và F2 thi một phòng thi mới, ở điểm thi mới. Như vậy, cần phải tuân thủ giãn cách về chỗ ngồi trong phòng thi theo khuyến cáo của ngành y tế để bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Khi có số lượng cụ thể về phòng thi, điểm thi này thì Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các Hội đồng thi in số lượng đề thi tương thích. Sau đó tiến hành các công tác coi thi, phát đề thi theo như các hội đồng thi khác đảm bảo an toàn, nghiêm túc của kỳ thi. Dù tổ chức trong bất cứ điều kiện nào thì kỳ thi cũng phải được diễn ra bảo đảm đúng quy chế, nghiêm túc, tuyệt đối không xảy ra gian lận thi cử.

Đồng thời, ông Mai Văn Trinh lo ngại, bài thi của thí sinh F1 có thể trở thành nguồn lây bệnh. Do vậy, các địa phương phải tính toán kỹ phương án bảo quản bài thi thế nào ở khu cách ly và chấm sau cùng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đồng tình với phương án phân loại học sinh: F0; F1; F2; F3 và xử lý theo từng tình huống. Ông lưu ý thêm, các thí sinh F1, F2 khi thi ở điểm thi riêng hay tại khu cách ly đều cần có sự hỗ trợ của lực lượng y tế.

Nguy cơ lộ đề

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố về chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, ông Lê Hải Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, việc in tăng đề thi, bố trí phòng thi, điểm thi mới cho thí sinh F1, F2 có nguy cơ lộ đề.

Có nên bỏ kỳ thi?

Có ý kiến cho rằng nên xét đặc cách tốt nghiệp cho toàn bộ thí sinh, bằng tốt nghiệp sẽ xếp loại theo học lực 12. Theo thầy Đỗ Cao Sang, chuyên gia nghiên cứu giáo dục, nên bỏ thi tốt nghiệp bởi kỳ thi năm nào cũng đã gần 100 học sinh đều đỗ và tổ chức thi ĐH như cũ.

Nghĩa là các trường tự tổ chức thi và ra đề thi, chấm thi theo phong cách, bản sắc riêng và tiêu chí riêng của từng trường. Cần tuyển sinh ĐH bằng điểm thi ĐH và học bạ (phổ thông trung học) các môn liên quan.  

Tuy nhiên, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT - cho rằng, với quy định hiện tại trong luật thì việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT là bắt buộc.

Trong khi, chỉ còn mấy ngày là đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nên Quốc hội sẽ không kịp họp để điều chỉnh luật. Do đó, quan trọng nhất là cần bám sát và dự đoán chuẩn về tình hình dịch bệnh như thế nào để có phương án cụ thể.  

Với các đối tượng không thể dự thi, thì cần thiết vận dụng “mềm dẻo” cơ chế đặc cách tốt nghiệp. Xét đặc cách là thẩm quyền của Hội đồng xét tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT thành lập đã được quy định tại Điều 34, 39 Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT. 

Phương án ban đầu Cao Bằng bố trí 214 phòng thi tại 24 điểm thi nhưng bây giờ thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19, số phòng thi đã tăng lên 428 và điểm thi tăng lên 40. Hiện công tác in sao đề thi đang được triển khai nhưng làm thế nào phải cẩn trọng nếu không sẽ có nguy cơ bị lộ đề.

Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất khử khuẩn toàn bộ bài thi, hồ sơ của điểm thi cách ly trước khi nộp về Sở. Thành phố cần có phương án, sẵn sàng phương tiện để đưa thí sinh đến điểm thi cách ly nếu trong quá trình dự thi thí sinh được xác định diện F1 và có phương án in sao đề thi cho điểm thi cách ly.

Đối với các Ban in sao đề thi, Ban làm phách, Ban chấm thi, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt và trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch, bệnh như đảm bảo đủ nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn tay, khẩu trang và nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt; chuẩn bị phòng cách ly có đủ các điều kiện để xử lý cách ly khi có tình huống bất thường xảy ra.

Ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc in sao đề cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cực kỳ phức tạp, nhất là đề thi trắc nghiệm. Vì thế, ngay bây giờ, các địa phương phải có những tính toán kỹ lưỡng trong việc tổ chức phòng thi, điểm thi, giãn cách phù hợp để không bị động trong công tác in sao đề thi. 

Khó nhận diện thí sinh

Để kỳ thi được tổ chức tốt nhất, lãnh đạo TP. Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn việc tổ chức thi trong điều kiện dịch Covid-19, những vấn đề liên quan đến thực hiện giãn cách trong phòng thi, tổ chức điểm thi riêng cho đối tượng F1, F2, xét đặc cách tốt nghiệp THPT… để địa phương có căn cứ thực hiện tốt.

Một số ý kiến cho rằng, nếu thí sinh buộc phải đeo khẩu trang trong phòng thi thì cần có hướng dẫn cụ thể để phòng ngừa việc gian lận thi cử có thể nảy sinh. Bởi việc đeo khẩu trang sẽ khiến việc nhận dạng thí sinh bị hạn chế hơn, khó kiểm soát những dấu hiệu bất thường trên khuôn mặt của thí sinh ví dụ như việc thí sinh trao đổi bài hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ gian lận... Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi mà vài năm gần đây thiết bị hỗ trợ gian lận thi cử ngày càng tinh vi và được rao bán công khai.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ trao đổi thêm với Ban Chỉ đạo thi các tỉnh để đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn và tính khả thi trong quá trình áp dụng. 

Ông Độ cũng cho biết với các thí sinh và giám thị bắt buộc phải đeo khẩu trang trong phòng thi, Bộ GD-ĐT sẽ tham khảo ý kiến của ngành y tế, an ninh… để có những lưu ý cụ thể, giúp phòng ngừa tối đa việc lợi dụng đeo khẩu trang để gian lận trong thi cử. 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 2/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức chu đáo, đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, từ ban hành quy chế đến giao đề thi đến các địa phương, thẩm định các phần mềm chấm thi…

Về phía các địa phương cũng đã chủ động, tích cực thực hiện các công việc liên quan tổ chức kỳ thi. Do dịch Covid-19 xuất hiện lại, Bộ GD&ĐT quán triệt tổ chức thi nhưng phải đảm bảo an toàn về cả chuyên môn và sức khỏe.

Theo ông Nhạ, sau khi tổ chức các cuộc họp và thảo luận, hầu hết địa phương báo cáo đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi, nhưng có 2 địa phương có ý kiến xin dừng thi và đặc cách là Quảng Nam và Đà Nẵng. Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, sau khi cân nhắc nhiều mặt, nhiều khía cạnh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ Giáo dục đề xuất chia kỳ thi THPT quốc gia năm nay thành 2 đợt.

Đợt 1 tổ chức ở những địa phương không nằm trong nhóm nguy cơ cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với những địa phương có nguy cơ cao, xét thấy không an toàn như Đà Nẵng, Quảng Nam thì sẽ tổ chức thi đợt 2. Ngoài ra, những thí sinh có nguy cơ F1, F2 cũng sẽ tổ chức thi đợt 2 cùng với những địa phương có nguy cơ cao. T.K

Đọc thêm