Cần giải pháp ngắn và dài hạn
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN là cơ hội để Chính phủ cùng với DN có những trao đổi, làm rõ các vấn đề cơ bản, đặc biệt liên quan đến câu chuyện tìm cách để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho DN khôi phục trở lại các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, cộng đồng DN đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Thậm chí nhiều DN đã phá sản và gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với hàng triệu lao động. Đặc biệt là gây tác động mạnh đến chuỗi cung ứng và đời sống của người dân cũng như với kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Cần phải nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện và khách quan, nhiều chiều đối với tác động của dịch bệnh Covid-19 với DN, để từ đó xác định được ra những cơ hội, những mục tiêu và yêu cầu mới cho DN cũng như cho Chính phủ để cùng đồng hành khởi động lại nền kinh tế” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Cụ thể hơn, theo lãnh đạo ngành Công Thương, DN và Chính phủ cùng các bộ, ngành sẽ phải đi vào giải quyết từng khó khăn của cộng đồng DN đã gặp phải; Tìm cách khôi phục lại nguồn cung trong chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia trong các chuỗi cung ứng toàn cầu từ điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm nông sản, thực phẩm và nông sản chế biến… Trong đó, phải tính đến các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
Về các giải pháp ngắn hạn, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, DN cần tối đa hoá những hợp tác với các đối tác, các thị trường của các nguồn cung để khôi phục lại những nguồn cung hiện hữu. Ví dụ các sản phẩm công nghiệp phụ trợ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia trong khu vực, kể cả trong ASEAN. DN Việt phải khẩn trương khôi phục và tranh thủ tối đa những điều kiện hiện nay khi nhiều quốc gia đang mở cửa lại để tiếp tục duy trì và đảm bảo cung - cầu với hiệu quả sản xuất của Việt Nam.
Ngoài ra, cần tiếp tục đa dạng hoá hơn nữa các loại thị trường (kể cả đầu ra và đầu vào). Cụ thể là cần hướng tới một số thị trường tiềm năng mới như trong câu chuyện nguồn cung thì cũng cần tính đến nguồn cung từ Ấn Độ và từ một số quốc gia khác để Việt Nam có thể đa dạng hoá nguồn cung trên cơ sở vẫn đảm bảo được hiệu quả, chú trọng trong hoạt động.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, có nhiều giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược nhưng cũng phải làm ngay. Đó là câu chuyện sàng lọc để có thể xác định những lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển, thông qua các cơ chế, chính sách mới để thu hút nguồn đầu tư của xã hội.
Ví như trong ngành công nghiệp phụ trợ, cần phải cơ cấu lại, sàng lọc để DN Việt có thể tiếp tục phát triển và bắt nhịp kịp thời các chuỗi cung ứng dệt may, da giày, điện tử để Việt Nam sẽ không còn bị phụ thuộc quá nặng nề vào các nguồn cung từ bên ngoài hay của một số thị trường trọng yếu nữa.
Chinh phục thị trường nội địa
Theo Bộ trưởng Công thương, trong khi các nền kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi sau dịch thì việc tranh thủ thị trường trong nước là điều mà DN cần phải để ý đến ngay lập tức. Bởi thị trường trong nước đã chứng tỏ được sức mạnh của mình và thị trường này cũng còn rất nhiều dư địa với tiềm năng của thị trường 100 triệu dân.
“Chúng ta vẫn còn có cơ hội để làm tốt hơn nữa để phát triển bền vững thị trường nội địa. Ví như trong doanh thu của ngành dệt may, thị trường trong nước mới chỉ chiếm 10%. Còn quá nhiều dư địa để các ngành khác cũng như dệt may có thể nhìn vào và nắm bắt cơ hội hiện nay” - ông Trần Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, theo Tư lệnh ngành Công Thương, để có thể chinh phục thị trường đầy tiềm năng trong nước, DN cần nhiều hỗ trợ không chỉ từ Chính phủ mà chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để tập trung, khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại.
Đặc biệt là những chợ đầu mối, trung tâm thương mại lớn và hệ thống các chợ tại các khu vực nông thôn. Đây là việc cần phải làm ngay vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam lên đến hơn 200 phần trăm và năng lực sản xuất hiện đang vượt xa so với nhu cầu của thị trường nội địa.
Ngoài ra, kể cả trong tình thế các nền kinh tế thế giới vẫn chưa khởi động lại do dịch bệnh thì việc khai thông thị trường ngoài nước cũng cần phải bàn đến sớm. Vì thời gian qua, mặc dù là bị tác động rất xấu nhưng thương mại xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 1,8% sau 4 tháng đầu năm, trong khi tất cả các nước gần như là tăng trưởng âm và toàn thế giới đang nói đến chuyện giảm kích cầu, suy thoái kinh tế thị trường.