Tham dự Chương trình có TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS Đoàn Trung Kiên, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường; PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường; PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường; Lãnh đạo, đại diện một số nhà xuất bản, đại diện một số Trường đại học cùng Lãnh đạo các đơn vị, cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trong số những gì thuộc về một con người thì tri thức, trí tuệ là thứ quý giá nhất. Có tri thức, con người sẽ có trí tuệ, có sự hiểu biết, từ đó có của cải vật chất, có tài sản, có sự nể trọng của mọi người trong xã hội.
|
Có nhiều cách để một người đạt được tri thức, như qua trao đổi, trò truyện, lắng nghe, xem các chương trình tivi, thậm chí chơi các trò chơi. Tuy nhiên, đọc sách mới là cách thức quan trọng nhất giúp chúng ta tìm được tri thức phong phú nhất, đúng đắn nhất, thuật tiện nhất và có lẽ là một trong những cách rẻ nhất. Đọc để nâng cao tri thức, đọc để cảm nhận cuộc sống, đọc để trưởng thành hơn, để khôn ngoan hơn, để hiểu biết hơn và thông thái hơn, yêu đời hơn…
Chính vì ý nghĩa của việc đọc sách nên việc khuyến khích đọc sách đã trở thành phổ biến trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc sách với sự phát triển của từng cá nhân, của xã hội, của đất nước và dân tộc nên ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Ngày 4/11/2021, để phát triển văn hóa đọc nâng lên tầm cao mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Theo đó, quyết định tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21/4 hàng năm trên toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
|
Việc lấy tên gọi “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” cũng vô cùng có ý nghĩa, thể hiện niềm mong mỏi việc đọc sách dần trở thành thói quen, trở thành văn hóa của người Việt Nam, qua đó liên tục bồi bổ thêm tri thức, sự hiểu biết, nâng tầm nền tảng văn hóa và bồi đắp tâm hồn, nhân cách đẹp của người Việt Nam.
Với đặc thù của lĩnh vực luật học, đối với Trường đại học Luật Hà Nội, “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” luôn là một sự kiện được mong mỏi và được tổ chức hằng năm với các hoạt động có ý nghĩa. Năm 2024 này, không chỉ kỷ niệm 10 năm Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam mà còn kỷ niệm 45 ngày thành lập, Trường Đại học Luật Hà Nội tưng bừng tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” với nhiều hoạt động phong phú như Tặng sách, giao lưu tác giả tác phẩm, trưng bày kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trong trường, cuộc thi ảnh đẹp về Trường ĐHLHN, giao lưu giữa các đơn vị đối tác …
“Kính chúc các quý vị đại biểu, các thầy, cô và các em sinh viên tận hưởng không gian của “Ngày Sách và Văn hóa đọc” tại HLU, không ngừng nâng cao văn hóa đọc của bản thân, luôn giành được thời gian đọc và thưởng thức những cuốn sách mà mình muốn đọc”, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nói.
|
Cũng trong khuôn khổ Chương trình, Trường Đại học Luật còn trao giải Cuộc thi Ảnh “Thư Hạ” năm 2024. “Thư Hạ” là cuộc thi ảnh Trường giao cho CLB Thư viện Trẻ chủ trì nhằm lưu giữ những thước phim thanh xuân quý giá của nhiều đối tượng như giảng viên, chuyên viên, sinh viên, cựu sinh viên/học viên Trường Đại học Luật Hà Nội và cũng là sợi dây gắn kết các thế hệ sinh viên trong nhà trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để có thể quảng bá hình ảnh cho Trung tâm Thông tin Thư viện, lan tỏa Văn hóa Đọc sách tới toàn thể bạn đọc./.