Dịch bệnh xuất hiện dồn dập
Mặc dù đã vào đầu năm học, nhưng chị Nguyễn Hà Phương (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội), vẫn không dám cho con gái ăn bán trú tại trường. Chị cho biết: “Con tôi năm nay lên lớp 5, lớp của cháu có một số học sinh mắc bệnh tay chân miệng. Tôi lo con bị lây bệnh, nên dù công việc bận rộn nhưng vẫn tranh thủ đón cháu về nhà ăn nghỉ buổi trưa”.
Giống với chị Hà Phương, chị Nguyễn Diệu Linh (30 tuổi, Quận 3, TP HCM), tâm sự, tháng 9 là thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường có rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm cho các em học sinh. Con chị năm nay học mầm non, nhưng hiện tại, chị đang cho con nghỉ một tuần. Chị chia sẻ: “Lớp của con gái tôi, có một hai cháu mắc bệnh sởi. Tôi sợ con bị lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, gia đình tôi gửi cháu cho ông bà trông 1-2 tuần, cho đến khi khai giảng, tình trạng dịch bệnh thuyên giảm, sẽ cho cháu đi học trở lại”.
Anh Nguyễn Thanh Bình (50 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đến tháng 9, tháng 10, gia đình anh thường chuẩn bị thuốc xịt muỗi cho các con đem đi học. Anh chia sẻ, các trường học ở Hà Nội thường rậm rạp cây xanh, môi trường sinh hoạt tập thể của các cháu cũng rất phù hợp để lây lan căn bệnh này: “Vào đầu năm học, tôi và Ban phụ huynh thường yêu cầu giáo viên cho phun thuốc diệt muỗi vào lớp học, nhằm giữ cho các cháu có không gian an toàn để học tập”.
Năm học mới đem lại niềm vui cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao giữa mùa hè và mùa thu, cơn mưa nắng thất thường, gây ra rất nhiều dịch bệnh. Mặc dù đây không phải là những bệnh mãn tính, nhưng vẫn có thể để lại hậu quả cho người mắc phải. Đặc biệt là những em học sinh nhỏ tuổi, có sức đề kháng kém hơn người lớn. Môi trường học đường đông đúc, sẽ có khả năng trở thành “ổ dịch” nếu nhà trường không có kế hoạch phòng chống dịch bệnh.
Thực tế, tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cảnh báo, số ca mắc tay chân miệng hiện tăng cao hơn so với cùng kỳ và sẽ còn tăng hơn khi các trường mầm non, tiểu học đón trẻ quay lại trường khai giảng năm học mới. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 1.818 ca mắc, không có ca tử vong. Số mắc tay chân miệng tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh; kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tại các địa phương khác trong cả nước cũng xuất hiện rải rác các ca bệnh sốt xuất huyết, sởi, ho gà...
|
Tháng 9 là thời điểm giao mùa, học sinh rất dễ nhiễm các căn bệnh nguy hiểm. (Nguồn: Trường Tiểu học CLC Tràng An) |
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong năm 2024, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần.
TP HCM thời điểm tháng 8 đã ghi nhận gần 600 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 346 ca dương tính sởi, 3 trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi. Sởi đã xuất hiện tại 57 phường xã, 16 quận huyện của thành phố. Trong đó, 9 quận huyện có 2 ca trở lên. 3 quận huyện có số ca sởi cao nhất là huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân. Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế TP HCM đề nghị tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám chữa bệnh...
Tại Hải Phòng, thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đã tăng với 10.336 ca mắc tính từ đầu năm 2024 đến nay. Trên cả nước, chỉ trong 1 tuần đã ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm, ghi nhận tổng cộng 52.957 trường hợp.
Các cơ sở giáo dục chủ động triển khai phòng, chống dịch năm học mới
Theo thông tin được đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM báo cáo tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế với Ủy ban Nhân dân (UBND) TP HCM về công tác phòng chống dịch sởi chiều 29/8. Theo đó, tính đến ngày 29/8 thành phố ghi nhận 21 ca bệnh sởi là học sinh trường mầm non, tiểu học. Sau khi các bé chữa trị tại các cơ sở y tế, cả 21 học sinh này đều đã được xuất viện.
Cũng theo Sở GD&ĐT TP HCM, các cơ sở giáo dục đã tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống bệnh sởi trong các trường học theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế, đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học theo hệ thống các văn bản ngành giáo dục đã hướng dẫn.
Bệnh sởi hiện đang có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ trong những tuần đầu niên học mới. Để phòng chống dịch bệnh, rất nhiều trường học ở TP HCM đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh vệ sinh sạch sẽ tay chân miệng. Như ở Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TP HCM) đã tổ chức một buổi sinh hoạt trước thềm năm học mới, hướng dẫn cho học sinh về Phòng ngừa bệnh sởi. Học sinh đã được các cô hướng dẫn về cách phòng bệnh, cách giữ gìn vệ sinh cá nhân và thực hành 6 bước rửa tay.
Hay như Trường Tiểu học, THCS và THPT Việt Mỹ (Quận 12, TP HCM), đã chuẩn bị rất kỹ càng cho niên học mới. Ngoài việc giảng dạy kiến thức song ngữ và kỹ năng mềm cho học sinh, trường còn dành một buổi riêng để giáo dục sức khỏe, giúp các em có kiến thức để phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Bộ phận Y tế Học đường của Trường đã tổ chức chuyên đề “Phòng tránh bệnh sởi” tại Hội trường dành cho lứa tuổi Tiểu học. Tại buổi sinh hoạt, các em được Nhân viên Y tế của trường cung cấp kiến thức về bệnh sởi, một căn bệnh do virus Morbillivirus gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ bùng phát thành dịch. Bệnh sởi ở trẻ em có diễn biến nhanh chóng, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, mù lòa…; đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
|
Phụ huynh và nhà trường cần đồng hành để hướng dẫn các em vệ sinh phòng chống bệnh các bệnh trong thời điểm giao mùa. (Nguồn: LA34) |
Tại Hà Nội, có một số trường học đã tổ chức những buổi tuyên truyền, hướng dẫn học sinh phòng tránh dịch bệnh từ sớm. Như Trường Tiểu học CLC Tràng An (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngay từ mùa hè, trường đã phối hợp với Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm tổ chức tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh. Có mặt tại buổi tuyên truyền có Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Bích Thủy - Khoa truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), đã cung cấp cho các em rất nhiều kiến thức hay và bổ ích về các bệnh truyền nhiễm như bệnh thủy đậu, bệnh sởi và bệnh tiêu chảy.
Tuy nhiên, hiện tại khi đã bắt đầu năm học mới, các buổi tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh được tổ chức trong khuôn viên các lớp học. Đây là một điều các trường học ở Hà Nội cần lưu ý, vì hiện tại, căn bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng lên.
Để giúp phụ huynh, học sinh có thêm kiến thức nhận diện, phòng chống dịch bệnh, các bác sĩ đã có những chia sẻ rất hữu ích. TS.BS Đặng Thị Thúy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Các dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ có đặc trưng giống như tên bệnh.
Cụ thể, ngoài dấu hiệu sốt nhẹ thậm chí sốt thoáng qua khó nhận biết, dấu hiệu đặc trưng là các nốt ban. Ban của bệnh tay chân miệng là dạng ban phỏng nước, mọc ở lòng bàn tay, bàn chân, rải rác trên gối, mông; có các ban phỏng nước trên miệng.
Ở một số trường hợp không điển hình, có thể chỉ thấy ban ở lòng bàn tay, bàn chân và rải rác trên gối mông nhưng không có ban trong miệng; một số trường hợp lại có các nốt ban, loét trong miệng nhưng không xuất hiện ban ở lòng bàn tay, bàn chân…
Theo BS Đặng Thị Thúy, hầu hết trẻ bị tay chân miệng hồi phục dần sau 7-10 ngày, giống như các sốt virus khác, nhưng cũng có một tỉ lệ gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…
Đối với trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nhẹ với biểu hiện chỉ có loét miệng và mọc ban trên da, trẻ có thể được điều trị và theo dõi trẻ tại nhà. Cha mẹ có thể chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bằng cách uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu hóa, không cho trẻ ngậm ti giả, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị; vệ sinh răng miệng và thân thể hàng ngày cho trẻ để tránh bội nhiễm.
Để hạn chế biến chứng của bệnh, Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã lưu ý, khi trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến các dấu hiệu như: Rối loạn tri giác, li bì nhiều, khó thở, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều… để đưa đến bệnh viện kịp thời. Mặt khác, trẻ phải được cách ly, không được đến trường để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, hướng dẫn trẻ vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh bàn tay mọi nơi, mọi lúc, ăn chín uống sôi và khi ho cần ho đúng cách để không lây bệnh cho người khác… Đây là những biện pháp cơ bản nhưng mang lại hiệu quả phòng bệnh cao.