Trường hợp nào được xếp lương theo trình độ đào tạo?

Tháng 7/2011, ông Đỗ Văn Phú (Hưng Yên) được Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu ký quyết định bổ nhiệm chức danh Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã. Tháng 2/2012, ông tốt nghiệp và được cấp bằng Trung cấp quân sự, ông đã thi và trúng tuyển công chức.
Trường hợp nào được xếp lương theo trình độ đào tạo?

Sau 6 tháng tập sự ông Phú được bổ nhiệm công chức chính thức, hưởng 100% mức lương bậc 1/12 hệ số lương 1,86. Năm 2014, ông được nâng bậc 2/12 hệ số 2,06.

Năm 2015 ông được cấp bằng Cử nhân Đại học Luật Kinh tế, hệ đào tạo từ xa của Viện Đại học mở Hà Nội. Năm 2016 ông trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2016 - 2021 và được bầu là Ủy viên UBND xã. Ông Phú hỏi, trường hợp của ông có được xếp lương theo trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ mới không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Phú như sau:

Theo Khoản 3, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đối với Chỉ huy trưởng Ban quân sự xã đồng thời là Ủy viên UBND xã, từ sau ngày 1/1/2010, nếu tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thì tùy theo trình độ đào tạo được xếp lương theo quy định tại điểm a, điểm b hoặc điểm c, Khoản 1 Điều này.

Sau khi được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo lớp trung cấp quân sự xã phường hệ chính quy tại Trường Quân sự tỉnh Hưng Yên, tháng 2/1012, ông Đỗ Văn Phú tốt nghiệp được cấp bằng Trung cấp quân sự, đã thi và trúng tuyển công chức, được xếp lương theo ngạch cán sự (mã số 01.004) bảng lương số 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Sau 6 tháng tập sự ông Phú được bổ nhiệm công chức chính thức, hưởng 100% mức lương bậc 1/12 hệ số lương 1,86. Năm 2014, ông Phú được nâng bậc 2/12 hệ số 2,06 là đúng quy định.

Tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH cũng quy định công chức cấp xã đã được xếp lương theo một trong các ngạch công chức hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu sau đó thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định cử đi đào tạo thì kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp được xếp lương theo trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ mới.

Theo phản ánh của ông Đỗ Văn Phú, năm 2015 ông được cấp bằng Cử nhân Đại học Luật Kinh tế, hệ đào tạo từ xa của Viện Đại học mở Hà Nội. Nhưng ông Phú chưa nêu rõ việc trước khi tham gia chương trình đào tạo, ông có được cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng công chức cử đi học hay không. Theo quy định hiện hành, trường hợp ông Phú, nếu trước khi ông tham gia chương trình đào tạo đại học từ xa, mà có quyết định của UBND huyện cử tham gia đào tạo đại học, thì kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp, ông được xếp lương theo trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ mới.

Nếu ông Phú không có quyết định của UBND huyện cử tham gia đào tạo đại học, thì không được áp dụng quy định tại Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Đọc thêm