Trường sa: Những loài cây vươn mình trong nắng gió đảo xa

(PLO) - Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết nơi biển đảo, cây phong ba, bão táp, bàng vuông, cây tra… vẫn xanh ngắt một màu, sừng sững vươn lên giữa biển đảo Trường Sa. Mỗi loài cây sống trên đất cằn chỉ toàn san hô, cát sỏi ở nơi này đều mang trong mình những câu chuyện đầy thú vị...
 Đoàn công tác ngồi trò chuyện dưới tán bàng vuông trên đảo Sinh Tồn Đông.
Đoàn công tác ngồi trò chuyện dưới tán bàng vuông trên đảo Sinh Tồn Đông.

Nhắc đến Trường Sa là nhắc đến bàng vuông

Những trưa nắng, hình ảnh các chiến sĩ ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện dưới tán bàng vuông trên đảo các đảo đã không còn xa lạ. Đã từ lâu lắm, cây bàng vuông luôn gắn bó thân thiết với người lính Trường Sa qua nhiều thế hệ. Muốn ngắm được sự quyến rũ của loài hoa này, các chiến sĩ phải rủ nhau dậy ngắm hoa vào ban đêm...

Trung úy Lê Duy Hiển trên đảo Sinh Tồn cho biết, Trường Sa quanh năm nắng gió, mưa bão, chỉ có một số loài cây chống chọi được với sự khắc nghiệt của thời tiết như: phong ba, bão táp, tra, bàng vuông… Trong đó, bàng vuông làm nên “thương hiệu” Trường Sa, trở thành người bạn của lính đảo.

Hỏi về nguồn gốc cây bàng vuông ở quần đảo Trường Sa có từ bao giờ, hầu như những chiến sĩ trẻ ít người biết. Họ chỉ biết rằng khi họ ra đảo thì đã thấy những tán bàng vuông rợp bóng trên đảo, tạo bóng mát nơi nắng gió khắc nghiệt này. Tìm hiểu kỹ hơn mới biết, cây bàng vuông xuất hiện ở Trường Sa vào những năm 70 của thế kỷ trước. 

Theo lời của một vị chỉ huy lâu năm, cây bàng vuông bắt đầu có mặt ở Trường Sa vào năm 1979. Ngày ấy vị đảo trưởng của đảo Trường Sa Lớn trong một lần đi tuần quanh đảo đã nhặt được một loại quả có hình khối vuông rất kỳ lạ bị sóng đánh dạt vào đảo.

Vị đảo trưởng đã đem quả này về ươm, sau hơn một tháng thì cây mọc trong niềm vui khôn xiết của anh và các chiến sĩ trên đảo. Giữa nơi đất cằn chỉ có nắng và gió, các chiến sĩ trên đảo thay nhau chăm sóc mầm non và hồi hộp chờ cây lớn. 

Kỳ lạ, dưới nền đất chỉ toàn cát sỏi và san hô mặn chát, cây vẫn vươn mình xanh tốt, tỏa bóng mát che rợp một góc vườn. Sau 5 năm sinh trường trên đảo, điều kỳ diệu bất ngờ xảy đến, cây lạ ra hoa vào giữa đêm.

Dưới ánh đèn bông hoa thật lung linh, huyền ảo. Sau đó, cây kết trái cho những quả hình khối vuông rất lạ mắt. Và vì lá cây này rất giống với cây bàng trong đất liền nên lính đảo lấy tên bàng vuông đặt cho cây... 

Từ đó bàng quả vuông được nhân giống bằng cách triết hoặc trồng hạt ở các đảo khác trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chuyện về loài cây đặc trưng của Trường Sa được anh em lính đảo ví như sự tích quả dưa hấu xưa kia vậy. Sự xuất hiện kỳ lạ của loài cây này còn giúp cuộc sống của người lính thêm một trải nghiệm phong phú. 

Đó là những ngày trước khi tết đến xuân về, hàng viện trợ ra đến đảo thì những chiếc la dong gói bánh đã úa màu. Lính đảo bèn hái lá bàng vuông để gói bánh. Chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vẫn có màu xanh đặc trưng, nhưng ăn thì có thêm vị thơm và chát dịu của lá bàng. Từ đó thành lệ, dù có lá dong nhưng chiến sĩ các đảo vẫn gói bánh chưng bằng lá bàng vuông để nhớ về những ngày gian khó... 

Những loài cây mang tên thời tiết

Bên cạnh bàng vuông, những loài cây mang lại màu xanh trên các đảo nổi của Trường Sa còn có nhiều cái tên rất khắc nghiệt như cây phong ba, cây bão tãp. Những loài cây được đặt tên như vậy bởi vì dưới thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên, chúng vẫn lớn lên xanh tốt, góp phần chắn sóng, chắn gió bảo vệ các đảo trên quần đảo Trường Sa. 

Rất nhiều người nhầm bão táp và phong ba là tên của cùng một loài cây. Thực ra, đó lại là 2 loài cây khác nhau có sức sống dẻo dai và bền bỉ. Người ta thường biết đến cây phong ba nhiều hơn loài cây bão táp, song cả hai đều biểu tượng cho sự kiên cường của người lính biển trước muôn vàn khắc nghiệt giữa trời nước mênh mông.

Sự xuất hiện của cây phong ba có phần giống với cây bàng vuông nhưng sớm hơn. Đó là những ngày sau giải phóng, Trường Sa chỉ toàn cát, sỏi đá và lớp phân chim mỏng nên rất ít cây cỏ sống được. Nhiều thế hệ lính đi trước trên đảo Song Tử Tây kể lại rằng, ngày ấy gần như tất cả các đảo đều không có một bóng cây lớn nào. 

Năm 1978, một buổi sớm trên đường tuần tra, các chiến sĩ trẻ phát hiện mép đảo có một bụi cây, lá như lá mít, có khía trắng, thân mềm, vững vàng trước gió và những đợt sóng vỗ bờ. Các chiến sĩ đã đem bụi cây đó về trồng. Thế rồi mầm xanh ấy vươn cao giữa hoàn cảnh sống khắc nghiệt, chỉ có cát cháy, sỏi đá và nước biển mặn chát. 

Ngắm bàng vuông nở
Ngắm bàng vuông nở

Sau đó, các chiến sĩ đã tỉa cây ra trồng khắp đảo. Loài cây này như được sinh ra để sống trong môi trường biển, cây sinh trưởng tốt, được nhân rộng ra trồng khắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Do có sức sống dẻo dai chống chịu được với nắng gió khắc nghiệt nên cái tên cây phong ba cũng ra đời từ đó.

Khác với cây phong ba, cây bão táp từng có tên rất đẹp đó là Sơn Dương hay tên khác là cây Hếp. Cây này còn xuất hiện ở các vùng cát vem biển của Việt Nam, đặc biệt là trên các đảo xa bờ. Ban đầu cây chỉ xuất hiện khoảng 10 bụi nhỏ trên đảo Trường Sa Lớn, sau đó được các chuyên gia từ đất liền nhân rộng và nó có mặt xanh tốt tại hầu hết các đảo. 

Loài cây này có tác dụng chắn gió, cát, chịu mặn và giữ đất, làm bóng mát, che chở cho những loài cây khác. Loài này rất dễ trồng, chỉ cần cắm cành là sống. Không chỉ có tác dụng về sinh thái, dịch quả Hếp còn được dùng chữa bệnh mờ mắt, còn rễ và lá sắc uống chữa phù thũng, lá ăn cầm tiêu chảy.

Do cây chịu được gió mặn và sóng to nên lính đảo đã đặt cho cây một cái tên mới rất kiên cường: “bão táp”. Giờ đây, ở Trường Sa người ta chẳng còn nhớ đến tên thật của cây bão táp. Nhưng sự hiện diện của loài cây này đã in đậm dấu ấn ở Trường Sa.

Và những câu chuyện thú vị khác...

Không chỉ có những cây đặc trưng kể trên chịu được với thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sa, nhiều cây có nguồn gốc từ đất liền cũng vươn mình mạnh mẽ ở nơi này. Như cây mù u vốn ở miền Tây Nam bộ cũng trở thành cây cổ thụ tỏa bóng mát ở các đảo Trường Sa. Cây dừa quen thuộc cũng chống lại sự vùi dập nắng nóng, gió bão.  

Câu chuyện về trồng dừa ở đảo Nam Yết, người đi trước kể lại cho người lính thế hệ sau, rồi truyền lại cho đến tận bây giờ như thành sự tích. Người thì bảo cái giống dừa Nam Yết chỉ đơn giản là những quả dừa tươi xanh từ đất liền gửi ra làm nước uống và thực phẩm cho lính đảo. Họ đem trồng thử thấy mọc mầm và ươm chăm, rồi nhân giống. 

Nhưng cạnh đó có những câu chuyện mang màu sắc “cổ tích”, đó là vào một buổi sáng đẹp trời, những người lính đi tuần tra trên đảo, bỗng nhiên phát hiện thấy một chùm ba quả dừa già vỏ còn xanh bị sóng đánh dạt vào bờ.

Bao nhiêu ngày xa đất liền, thèm nước dừa ngon, lính đảo rủ nhau mang vào bếp anh nuôi mượn dao để bổ. Sau quả đầu tiên mọng nước được uống hết, vị đảo trường đã động viên lính đảo gác lại cơn thèm để ươm những quả dừa nhặt được... Và rồi một quả nảy mầm, “đảo dừa” bắt đầu như thế...

Ở Trường Sa còn có một loài cây thân mềm quen thuộc, luôn xanh mướt trên cát nắng bỏng cháy, gió giật sóng dồn... Đó là loài hoa muống biển, loài hoa mang sắc tím thủy chung như trong câu chuyện cổ tích.

Chuyện rằng, có một đôi nam nữ yêu nhau tha thiết nhưng gia đình nhà gái không đồng ý vì chàng trai quá nghèo. Để lấy được vợ, chàng trai đã ra khơi đánh cá kiếm tiền. Nơi quê nhà, hàng ngày cô gái ra bờ biển ngóng trông người yêu của mình, nhưng chờ mãi, chờ mãi mà chẳng thấy đâu. Cô kiệt sức và ngã xuống, biến thành cây muống biển...

Còn nhiều những loại cây thú vị khác như cây Tra mà các nhiều chiến sĩ trên đảo Phan Vinh còn gọi là “nho Trường Sa”. Cây thân gỗ, tán rộng nhưng cho trái vào mùa hè, trái chua chua ngọt ngọt và hương vị rất thơm như trái nho. 

Trường Sa giờ đây ngày càng có nhiều cây xanh bóng mát. Những cây bàng vuông, cây phong ba, bão táp, mù u… chính là lá chắn xanh cho các đảo. Ngoài tác dụng cải tạo đất, tạo cảnh quan môi trường cho đảo, cây xanh còn được dùng để ngụy trang, che chắn công sự. Cây xanh như một trợ thủ đắc lực giúp bộ đội ta giữ vững chủ quyền biển đảo.

Đến với Trường Sa hôm nay, những đoàn văn nghệ từ đất liền ra biểu diễn sẽ được tặng những đóa hoa muống biển, quà về đất liền là những nhánh cây bàng vuông để nhớ tới Trường Sa...

(còn nữa)

Đọc thêm