Với dáng vẻ hùng dũng của mình, Tàu 571 như một “kình ngư” trắng khổng lồ giữa đại dương lộng gió. Con tàu Hải quân ấy ngày qua ngày, vẫn miệt mài những chuyến rẽ sóng gió biển Đông để đưa người, hàng hóa, khí tài... từ đất liền vào, ra quần đảo Trường Sa trọn vẹn, an toàn.
Tôi đã choáng ngợp bởi dáng vẻ hùng dũng của Tàu 571 (thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) sẵn sàng chờ đón khi bước chân vào Quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Con tàu này sẽ đưa chúng tôi vượt ngàn hải lý đến vùng phía Bắc của huyện đảo Trường Sa với các đảo Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Cô Lin, Len Đao, Đá Thị, Sinh Tồn, Đá Nam.
Sứ mệnh thiêng liêng
Đang loay hoay với vali hành lý và ba lô máy móc tác nghiệp nặng trịch bên quân cảng, cánh tay của một thủy thủ chìa ra với nụ cười trìu mến để chuyển giúp tôi lên tàu. “Nhà báo yên tâm, toàn bộ hành lý sẽ được chuyển đến tận phòng riêng. Chào mừng anh đến với Trường Sa...”. Nắng lấp lóa đan vào ánh mắt dạn dày gió sương và giọng nói trầm ấm, là ấn tượng ban đầu về một trong những chàng thủy thủ trên con tàu Hải quân đặc biệt ấy.
![]() |
Thuyền trưởng - Thiếu tá Lê Văn Lâm đang chỉ huy neo đậu Tàu 571 vào Quân cảng Cam Ranh. (Ảnh: Nguyên Nguyên) |
Đón buổi bình minh đầu tiên vừa ló rạng trên tàu, Thiếu tá Lê Văn Lâm, Thuyền trưởng Tàu 571 đứng trên boong tàu hướng mắt ra quần đảo Trường Sa. Anh bắt đầu câu chuyện: “Ý thức thiêng liêng là nhịp cầu nối đất liền với biển đảo khơi xa, tập thể Tàu 571 đều mang trong mình niềm vinh dự, tự hào khi nhận trọng trách lớn lao. Mỗi lần ra Trường Sa của chúng tôi không chỉ là chuyến tàu chở hàng, chở khách thuần túy. Đây là hành trình nặng trĩu niềm tin yêu gửi gắm và sự cảm phục, sẻ chia gian khó của người thân, quân và dân khắp ba miền đất nước gửi tới cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi phần đất Việt thiêng liêng giữa trùng dương”.
“Đất liền hãy cứ vững tâm, chúng tôi có trách nhiệm giữ gìn biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và đưa hơi ấm đất liền ra, mang ngược trở lại niềm tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân ngoài đảo xa về đất liền” - Thiếu tá Lâm khẳng định chắc nịch. Với hàng chục năm trong binh nghiệp, anh được đào tạo bài bản ở Học viện Hải quân. Đầu năm 2024, anh chính thức nhận nhiệm vụ Thuyền trưởng Tàu 571.
Những ngày Tàu 571 ra khơi là những ngày biển động giông gió. Mặc sóng biển cao 4 - 5m vần vũ con tàu ngoi lên ngụp xuống với biên độ rung lắc rất mạnh và những trận say sóng, chúng tôi vẫn bị hút theo câu chuyện của Thiếu tá Lâm. Anh bảo, mỗi chuyến công tác như thế này luôn lưu lại trong anh nhiều ấn tượng, gắn liền với những màu sắc riêng biệt của từng đoàn, người của từng vùng miền được thể hiện qua trang phục, âm nhạc, ẩm thực...
![]() |
Công việc tất bật thường ngày của những “anh nuôi” tổ hậu cần Tàu 571. (Ảnh: Trần Nguyên Phong) |
Người miền Trung là những câu ca thật thà, chất phác. Người Tây Nguyên sẽ mang những âm thanh cồng chiêng trong vũ điệu núi ngàn, Tây Bắc là tiếng đàn, khèn đầy tình tứ, quyến rũ. Hay người phương Nam sẽ có đờn ca tài tử phong lưu, còn người phương Bắc sẽ là quan họ giao duyên hay làn điệu chèo đắm đuối, ngọt ngào. Nhưng, tất cả họ đều có chung cách thể hiện cảm xúc với biển đảo quê hương mãnh liệt. Bởi thế mà họ cứ đứng lặng trên boong tàu hàng giờ, như thể muốn ghi nhớ thật nhiều, thật kỹ vẻ đẹp của biển trời Tổ quốc, từ con sóng bạc đầu rì rào ngày đêm đến cánh hải âu chao liệng tìm bắt đàn cá chuồn hất mình bay lên...
Khi nhắc đến công việc của mình, Thiếu tá Lâm nhấn mạnh rằng, với anh hay tất cả cán bộ, chiến sĩ Tàu 571, nhiệm vụ mà các anh thực hiện cơ bản đều thuận lợi và mỗi hải trình thường đem lại nhiều niềm vui. Rồi cũng có những nhiệm vụ ẩn chứa nhiều hiểm nguy như tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện thời tiết xấu. Kỷ niệm mà anh nhớ nhất là những chuyến ra khơi cứu hộ tàu cá ngư dân gặp nạn.
![]() |
Buổi sinh hoạt chính trị trên Tàu 571 của các chiến sĩ Hải quân. (Ảnh: Trần Nguyên Phong) |
“Sóng gió cấp 7, cấp 8, nhận lệnh của sở chỉ huy mà chỉ nắm được khu vực ghe bị hỏng máy thả trôi chứ không biết chính xác tọa độ. Tôi vẫn chỉ huy tàu cơ động đến tìm kiếm, cuối cùng phát hiện và tiếp cận được mục tiêu để cứu kéo về an toàn. Lúc đó, tàu chao đảo trên những con sóng cao đến 5m, người khỏe đến mấy cũng say sóng như thường. Nhưng là nhiệm vụ thiêng liêng nên tinh thần sẵn sàng chiến đấu đã át đi những trở ngại, khó khăn” - anh Lâm nói.
Những người hùng thầm lặng
Buổi gần trưa xuống xuồng ra đảo Song Tử Tây, cán bộ lái xuồng CQ khéo léo vòng lái cưỡi sóng vượt lên như một họa sĩ tài hoa vẽ những đường cong bọt nước trắng xóa giữa xanh ngắt biển Đông. Thủy thủ trên Tàu 571 bây giờ đã hiểu rất rõ “tính cách” của những con sóng bất thường, những mỏm đá san hô sắc nhọn trên quần đảo Trường Sa.
Khi bước xuống những chiếc xuồng cao tốc CQ nối nhịp giữa mạn tàu lớn vào âu tàu các điểm đảo do cán bộ Tàu 571 cầm lái phục vụ, ai cũng thấy an tâm vì họ như những điểm tựa vững chãi. Tôi không thể quên được phút giây từ đảo Sinh Tồn Đông trở về Tàu lớn 571, vừa rời đảo khoảng 400m thì gặp thủy triều xuống thấp, bãi đá cạn trước âu tàu nổi lên như chực chờ đâm thủng đáy xuồng. Xuồng va vào đá liên tục, tiếng kêu bụp bụp, rạt rạt liên hồi.
![]() |
Xuồng cao tốc CQ của Tàu 571 đang thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Trần Nguyên Phong) |
Trong ánh mắt nhiều người ánh lên sự phấp phỏng, lo âu. Lái xuồng là Đại úy Thông dừng máy, lao mình lặn xuống biển kiểm tra mực nước. Nửa phút sau anh ngoi lên bảo mọi người cứ yên tâm. Trở lại xuồng, anh Thông bẻ lái lách qua hướng khác cưỡi sóng vượt lên, mặc gió biển lồng lộng hong khô đầu tóc, quân phục. “Đôi khi chúng tôi vẫn gặp tình huống như thế và phải nhanh chóng phán đoán tình hình, trực tiếp xử lý, tránh để mọi người lo lắng. Bảo đảm an toàn cho đoàn công tác là nhiệm vụ của tất cả chúng tôi” - với chất giọng Nghệ ấm áp và dứt khoát, anh Thông khẳng định từ trách nhiệm của một thuyền viên dạn dày kinh nghiệm.
Rồi có chàng đại úy nọ nhìn rất năng nổ trong công tác và luôn cởi mở với mọi người nhưng chẳng mấy ai biết, anh đã âm thầm vượt qua khó khăn cuộc sống thế nào. Mấy năm qua, người vợ tào khang của anh chẳng may bị mắc bệnh hiểm nghèo, phải nghỉ việc (giáo viên) để điều trị. Vậy mà chồng luôn đi xa, phải gửi đứa con đầu vào TP Hồ Chí Minh cho người thân chăm sóc, dạy dỗ. Cứ nghỉ phép, anh chi chút từng khoảnh khắc để ở bên vợ, bên con. Lên đường công tác, anh lại đắm đuối với tàu, xuồng...
![]() |
Xuồng cao tốc CQ rẽ sóng đưa đoàn công tác vào đảo Song Tử Tây. (Ảnh: NSNA Nguyễn Thanh Hải) |
Đi về phía cuối con tàu xuống tầng C, tôi gặp những “anh nuôi” Hải quân. Trong suốt hải trình, phục vụ mấy trăm người ngày 3 bữa cơm canh ngon ngọt vẫn được họ chăm lo chu đáo mà lại quên mất mình đã kịp chợp mắt hay chưa. Đó là những người như Bếp trưởng Quyết, Thiếu tá Sơn hay chiến sĩ Linh... Ban đầu việc bảo đảm quân nhu cũng “căng”, nhưng giờ thì họ quá quen với sự “quay chong chóng” đón hết đoàn này đến đoàn khác của Tàu 571 rồi.
Theo Đại tá Đỗ Hải Đăng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - Trưởng đoàn công tác, để có bữa ăn sáng cho toàn đoàn lúc 6h, thì 3h tổ hậu cần đã phải tất bật trong phòng bếp rộng chỉ 20m2. Cả mấy trăm suất ăn, trên đất liền đã vất vả, trên tàu chật hẹp, đặc biệt khó khăn hơn là khi sóng to gió lớn, xoong nồi trên bếp cứ nhảy tung tăng như có chân.
Gian truân là thế nhưng chẳng nghe ai than phiền. Thấy họ là nghe lời động viên: “Cơm ăn vừa khẩu vị không? Cứ thẳng thắn góp ý nhé”, “Anh em có say sóng không? Không nuốt nổi cơm thì báo để chúng tôi nấu cháo”... Đang tất bật trong gian bếp nhỏ hẹp nóng hầm hập, lau vội dòng mồ hôi trên trán, Bếp trưởng Quyết cười tươi nói: “Anh chụp giúp em kiểu ảnh kỷ niệm nhé!”. Họ là một phần trong ký ức của tôi, ký ức về chuyến đi tự hào tới Trường Sa.
* Bài tiếp: Thanh xuân rạng rỡ, tự hào