Tham dự buổi lễ có Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cùng đông đảo các vị đại biểu, khách mời, các thầy giáo, cô giáo nhiều thế hệ và học sinh đang học tập tại trường.
Tại buổi lễ Kỷ niệm 25 thành lập trường, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng; nhiều thầy giáo, cô giáo cũng đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành được thành lập theo quyết định số 2683/QĐ-UB ngày 4/7/1998, của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội với tên gọi ban đầu là Trường PTTH bán công Nguyễn Tất Thành; Năm học 2003-2004, Trường được đổi tên thành trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành; Năm 2013, Trường được đổi tên thành Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành theo quyết định số 374/QĐ-UBND ngày 16/1/2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.
Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng |
Trường có quy mô tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên: 155 người, trong đó có 3 Phó giáo sư (1,9%), 15 Tiến sĩ (9,7%), 72 Thạc sĩ (46,5%) và 61 cử nhân (39,4%). Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có đủ trình độ chuyên môn để phục vụ tốt công tác dạy học và các hoạt động khác của nhà trường.
Năm học 2022-2023, nhà trường có 53 lớp học với 2.317 học sinh. Trong đó, khối Trung học cơ sở có 26 lớp, khối Trung học phổ thông có 27 lớp.
Trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính là: Giáo dục học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; Đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội và tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục.
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Phạm Sỹ Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trên chặng đường 25 năm hình thành và phát triển, cả thầy và trò nhiều thế hệ của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu dạy và học thật tốt, xứng danh với ngôi trường mang tên Bác thời thanh niên.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Cường nhấn mạnh: “Giáo dục nhân cách học sinh là nền tảng trước hết, giáo viên, học sinh, nhân viên Trường Nguyễn Tất Thành, mái trường mang tên Bác phải là người tử tế, bản lĩnh, sống vững vàng, nhân văn và tự trọng”. Trường cũng là một trong tám ngôi trường đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm chương trình giáo dục phổ thông mới và đạt nhiều thành công, đóng góp cho sự đổi mới, phát triển của nền giáo dục chung của cả nước.
Các thế hệ giáo viên trường Nguyễn Tất Thành chụp ảnh tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập |
Trong nhiều năm qua, nhà trường đã luôn thực thi sứ mệnh giáo dục và rèn luyện học sinh trở thành những công dân tương lai một cách toàn diện cả đức-trí-thể-mỹ, biết tự học, có tinh thần trách nhiệm và nỗ lực sáng tạo, thích ứng linh hoạt.
Cụ thể, mục tiêu giáo dục của nhà trường gồm: Một, trang bị cho học sinh các kiến thức về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; chú trọng năng lực vận dụng kiến thức khoa học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện tại và tương lai một cách linh hoạt.
Hai, tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa nghệ thuật và các hoạt động khác để phát huy tối đa năng khiếu và năng lực của từng cá nhân học sinh.
Ba, tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy kỹ năng sống, giá trị sống, các hoạt động giáo dục theo chủ đề để hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Bốn, phối hợp các hoạt động giáo dục và đào tạo của Nhà trường nhằm làm cho học sinh tốt nghiệp phổ thông có năng lực tự học, năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác, biết cảm thụ cái đẹp, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và giao tiếp thuyết phục,...
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội) đã có nhiều hoạt động kết nối, hợp tác quốc tế, mang thương hiệu ngôi trường tên Bác đến bạn bè năm châu. Học sinh của ngôi trường mang tên Bác đã ghi dấu ấn vẻ vang tại nhiều cuộc thi quốc tế. Nhiều hoạt động vì cộng đồng của thầy và trò nhà trường cũng đã được lan tỏa, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội,