Trường trong nước đón du học sinh “mắc kẹt” vì Covid-19: Băn khoăn vấn đề pháp lý

(PLVN) - Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học trong nước về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế bị ảnh hưởng vì Covid-19 có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam. Nhưng đại diện nhiều trường cho rằng để thực hiện việc này cần tháo gỡ nhiều yếu tố pháp lý.
Du học sinh “mắc kẹt” vì Covid có thể tiếp tục học tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Rộng cửa đón du học sinh

Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh đang học tập ở nước ngoài. Do ảnh hưởng của Covid-19, trường học đóng cửa, chuyển sang hình thức online, nhiều em quyết định về nước. Hiện, Việt Nam chưa mở đường bay thương mại quốc tế nên nhiều du học sinh không thể quay trở lại học tập bình thường. Bên cạnh đó, hiện có nhiều du học sinh Việt Nam và du học sinh quốc tế đang ở lại Việt Nam vì lý do dịch Covid-19 kéo dài tại nhiều quốc gia.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học, về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19. Việc được tiếp nhận học tiếp tại Việt Nam cũng là cơ hội để các sinh viên tiếp tục con đường học tập, được học theo đúng chương trình đào tạo có sự tương tác với các giảng viên, sinh viên và nghiên cứu thực tiễn, điều mà việc học online trong thời gian qua không có được. 

Nhiều trường đại học đã thông báo tiếp nhận du học sinh quốc tế, Việt Nam. Cụ thể, Khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) thông báo tiếp nhận du học sinh Việt Nam có nguyện vọng học tập tại Khoa. Đối tượng tiếp nhận là du học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương ở nước ngoài, hoặc đang học đại học tại nước ngoài, có đủ sức khỏe học tập theo quy định...

ĐH Kinh tế Quốc dân cũng thông báo tiếp nhận các du học sinh Việt Nam có nhu cầu và đủ điều kiện học tập vào các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của trường. Trường đang triển khai 15 chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Hiện tại, Trường ĐH Quốc tế đã tiếp nhận khoảng 15 hồ sơ. Nếu được chọn, sinh viên sẽ nhập học vào tháng 10/2020.

Tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, công tác hỗ trợ, sẵn sàng đón các du học sinh Việt Nam và nước ngoài không bị gián đoạn học tập nếu các em đến học ở trường. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, nhà trường đã hướng dẫn chi tiết, cung cấp các lựa chọn cho các du học sinh, cũng như các hình thức xét tuyển đầu vào…

Hoặc các em có thể theo học các học phần để hoàn thành theo yêu cầu của các trường của nước ngoài. Trường có một số lĩnh vực mũi nhọn nằm trong TOP 350 - 500 của thế giới, nên việc công nhận tín chỉ tương đương với các trường khác ở nước ngoài cũng thuận lợi.

Còn đại diện của Trường ĐH Ngoại Thương cho biết, nhà trường sẽ cung cấp hai cơ hội đối với du học sinh đang ở lại Việt Nam, một là khóa học tập ngắn hạn tại trường (từ 1 kỳ đến 1 năm) với 15 chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, các chương trình đào tạo với nước ngoài.

Sau khi được đào tạo ngắn hạn, sinh viên sẽ nhận được các tín chỉ và được công nhận đối với các trường đang theo học tại nước ngoài. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì các du học sinh có thể quay trở lại học tại nước ngoài. Hai là các du học sinh có thể quyết định học tại Việt Nam để lấy bằng được đào tạo liên kết với nước ngoài.

Đại diện lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết, 7 đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM đang triển khai 92 chương trình đào tạo quốc tế bậc đại học và 20 chương trình đào tạo quốc tế sau đại học, sẵn sàng tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế học tập, nghiên cứu. Các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã có thông báo chính thức về việc tiếp nhận du học sinh.  Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, cho biết trường sẽ tiếp nhận du học sinh vào học tại trường theo 2 cách: tuyển mới và chuyển tiếp.

Cụ thể, với người đang học bậc ĐH, trường sẽ xem xét chuyển tiếp đúng ngành sinh viên đang học, công nhận tín chỉ đã học tương đương. Những sinh viên muốn chuyển sang ngành học khác với ngành mình đang học, trường sẽ xét căn cứ trên bằng tú tài nước ngoài và quá trình phỏng vấn. 

“Bài toán” pháp lý

Tại ĐH FPT, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT cho biết, với những chương trình liên kết thì lâu nay trường vẫn tuyển sinh và vẫn áp dụng việc chuyển đổi tín chỉ nên không có gì thay đổi. Còn với chương trình trong nước, FPT luôn có sàn chất lượng khi tuyển sinh nên về nguyên tắc không phải du học sinh nào cũng nhận. Vì thế, du học sinh nào đang học dở muốn về nước học tiếp (bỏ học nước ngoài) mà trường đó nằm trong top 1.000 ĐH tốt nhất thế giới thì trường FPT sẽ tuyển thẳng để học chương trình trong nước.

Tuy nhiên, sắp tới cần bổ sung trong quy chế tuyển sinh ĐH thêm một dạng tuyển thẳng cho những du học sinh nước ngoài về từ các trường thuộc top 1.000 cộng với việc áp dụng chuyển đổi tín chỉ, cố gắng làm sao để sinh viên không bị thiệt thòi và tận dụng những gì các em đã học.  

Đặc biệt, trong thời điểm này, ĐH FPT còn triển khai chương trình “phòng chờ” du học dành cho những em năm nay tốt nghiệp THPT muốn đi du học nhưng không đi được. Nhu cầu này hiện nay cũng rất lớn, mỗi năm có hàng chục ngàn em đi du học.

Cụ thể: học kỳ 1 các em sẽ được học tiếng Anh, học kỹ năng công dân toàn cầu, giao tiếp quốc tế; học kỳ 2 các em sẽ học chuyên môn theo chương trình một số trường ở Úc, Anh, Mỹ, Canada... tùy theo trường mà các em dự kiến du học và trường sẽ liên hệ với các trường bên kia để thỏa thuận chuyển đổi tín chỉ. Khi nào đủ điều kiện các em có thể sang bên kia học tiếp.

Và ở góc độ khác, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, để tiếp nhận du học sinh thì cần phải tháo gỡ một số yếu tố pháp lý, nếu không sẽ khó thực thi. Du học sinh được xét tuyển, tuyển sinh theo chương trình, tiêu chí riêng của các trường nước ngoài chứ không xét tuyển theo tiêu chí giống các trường trong nước, vì thế bây giờ du học sinh về Việt Nam chưa chắc các trường top đã được nhận vì tiêu chuẩn tuyển khác nhau. Đó là lý do mà Bộ GD-ĐT cần phải tháo gỡ. 

Thứ hai, chương trình học của các trường nước ngoài khác với chương trình học của các trường trong nước, cho nên phải xét công nhận được môn nào và không công nhận được môn nào? Khâu này khá phức tạp, không thể xét ào ào. 

Mặt khác, Phó PGS, TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận định, các chính sách của Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các chương trình hợp tác quốc tế. Thế nhưng, để thúc đẩy vấn đề này, Bộ nên có quy định các cơ sở đào tạo phải sử dụng một tỷ lệ kinh phí nhất định cho việc trao đổi hợp tác quốc tế, ví dụ như việc đưa sinh viên ra nước ngoài học tập hoặc ngược lại...

Bên cạnh đó, đại diện của Trường ĐH RMIT bày tỏ sự trăn trở, lo lắng chung của nhiều phụ huynh, học sinh khi tìm kiếm chương trình quốc tế tại Việt Nam và đề nghị Bộ GD&ĐT có cơ chế quản lý, quy định các cơ sở đào tạo phải công khai, minh bạch cho người học rõ đâu là chương trình liên kết đào tạo, đâu là chương trình quốc tế để có sự lựa chọn phù hợp.

Nhiều chương trình liên kết đào tạo chất lượng tại Việt Nam

PGS, TS Tiến sĩ Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT cho biết, tại Việt Nam hiện có 70 cơ sở giáo dục cung cấp khoảng hơn 400 chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Để bảo đảm quyền lợi cho người học và kiểm soát chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT đã rà soát toàn bộ các chương trình này và cho dừng đào tạo gần 200 chương trình chưa đạt yêu cầu.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, các chương trình liên kết đào tạo đã dừng hoạt động do nguyên nhân chủ yếu là thay đổi chuyên ngành và thay đổi trường đối tác theo hướng ngày càng phù hợp và nâng cao chất lượng hơn. Ngoài ra một số chương trình liên kết đào tạo đã hết thời hạn được cấp phép hoặc phải cạnh tranh về chất lượng với các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài khác.

Bà Thủy chia sẻ, cách đây 5 năm, tỷ lệ giảng viên trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam có trình độ tiến sỹ chỉ đạt khoảng 19,5%, thì đến nay tỷ lệ này đã đạt 28,8%. Nhiều trường đại học nước ngoài có uy tín, có thương hiệu đã đến đầu tư trong giáo dục đại học tại Việt Nam và các chương trình liên kết đào tạo này cũng đảm bảo đạt các chuẩn quốc tế.

Như vậy, với số lượng các chương trình liên kết đào tạo hợp pháp và đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng hiện nay, thì sẽ rất phù hợp với người học, cả sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam.

Cũng tại một cuộc tọa đàm mới đây, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giải đáp thắc mắc, trăn trở của du học sinh liên quan tính tương đồng trong nội dung chương trình đào tại ở các trường đại học của Việt Nam so với thế giới. Ông Thảo cho biết, hiện nay xác suất một chuyên ngành đào tạo ở một trường đại học nước ngoài mà chưa có tại Việt Nam là rất thấp.

Với câu hỏi về điều kiện tối thiểu để du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế đăng ký vào các trường đại học tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, dù du học sinh đã được tuyển đầu vào đại học ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam học vẫn phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.

Mặc khác, các trường đại học của Việt Nam cũng cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung và yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.

Đọc thêm