Bí thư Hà Nội: dư luận bức xúc là có lý do chính đáng
Vnexpress.net dẫn lời ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội chiều 23/3 cho biết ông Nghị yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan và việc xử lý trách nhiệm không được né tránh, bao biện hay kiểu "hòa cả làng".
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, dư luận bức xúc là có lý do chính đáng. Những cơ quan thực hiện đã lựa chọn cách làm không phù hợp, không lường trước hệ quả do việc làm của mình gây ra, trong đó có sự nôn nóng và giản đơn, cho dù chủ trương cải tạo, thay thế cây là đúng đắn và thành phố đã thực hiện có kết quả trong nhiều năm qua.
“Trước mắt phải dừng cải tạo, thay thế cây để rà soát, hoàn thiện tất cả quy trình, thủ tục, làm rõ các tiêu chí đánh giá, phân loại để có căn cứ quyết định cây nào cần thay, cây nào không, với tinh thần hạn chế đến mức thấp nhất việc thay những cây đã trồng”, Bí thư Hà Nội chỉ đạo.
Cây được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh. |
Về việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, ông Phạm Quang Nghị yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo khẩn trương việc thanh tra theo chỉ đạo của Chủ tịch thành phố. Thanh tra liên ngành phải làm rõ được thiếu sót ở đâu, do ai và biện pháp sửa chữa, khắc phục phải cụ thể. Kiểm điểm trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan.
Cùng ngày 23/3, tại hội thảo “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội”, GS.TS Nguyễn Lân Dũng đề xuất: “phải truy cứu trách nhiệm của những người đề ra chủ trương này, chứ không thể dừng ở đây được. Hà Nội đã vi phạm, gây bức xúc cả nước thì Hà Nội không thể tự thanh tra mà thanh tra Chính phủ phải vào cuộc”.
Theo Vietnamnet, GS Dũng cho rằng Hà Nội đã không quan tâm đến các nhà khoa học, không thèm quan tâm đến nhân dân. Việc thành phố "đổ lỗi" do nhà tài trợ nôn nóng và do thông tin không đầy đủ là chưa thỏa đáng.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng tại hội thảo. |
Đồng quan điểm này, luật sư Phạm Đức Bảo, ĐH Luật Hà Nội khẳng định việc chặt cây mang tính triệt hạ như vừa qua đã là vi phạm pháp luật, cụ thể là Điều 10 và 14 Luật Thủ đô, vi phạm Nghị định 64 của Chính phủ
Luật sư Trần Vũ Hải - Trưởng VP luật sư Trần Vũ Hải cũng phân tích, đề án này vi phạm Luật Thủ đô, trong đó có điều cấm chặt phá cây xanh, không được chặt phá trừ trường hợp bất khả kháng. Theo Nghị định 64 của Chính phủ về Quản lý cây xanh, trường hợp được cấp phép cũng không có.
“Qua nghiên cứu trực tiếp, Sở Xây dựng Hà Nội cũng không cấp phép mà chỉ có công văn cho phép chặt hạ, thay thế", ông Hải khẳng định.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết, Nghị định 64 chỉ quy định 3 loại cây chặt không cần xin phép bao gồm: cây bị đổ và có nguy cơ đổ gây nguy hại, cây chết và cây nằm trong các dự án kinh tế phát triển.
Với các trường hợp khác, muốn chặt phải có đơn xin phép chặt cây nào, phải được chụp ảnh, địa chỉ ở đâu, lý do vì sao phải chặt. Tuy nhiên Hà Nội đã không tuân thủ những điều này.
"Trong đề án làm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tôi được mời tham gia đánh giá tác động môi trường của dự án, nhưng thực tế đề án không hề nhắc tới việc phải chặt 2 hàng xà cừ 2 bên", ông Đăng cho biết
Cây thay thế là gỗ mỡ, không phải vàng tâm