Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Khó nhiều bề

(PLO) - Mới đây, hoạt động mạnh tay truy xuất nguồn gốc thịt heo ở chợ đầu mối đã bị “vỡ trận” vì phản ứng của tiểu thương. Thời gian này, thịt heo bẩn là một vấn đề rất nổi cộm mà nếu không có cách ổn định thị trường, rất có thể sẽ gây ra những hiệu ứng cực kì tiêu cực.   
Thịt heo truy xuất nguồn gốc minh bạch hiện chỉ thực hiện tốt ở kênh phân phối hiện đại. Ảnh minh họa
Thịt heo truy xuất nguồn gốc minh bạch hiện chỉ thực hiện tốt ở kênh phân phối hiện đại. Ảnh minh họa

Nghẽn ở khâu giết mổ

Theo quy định của TP HCM, từ ngày 16/10, thịt heo không có thông tin đầy đủ truy xuất nguồn gốc sẽ không được đưa  đến tiêu thụ tại các chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền.  Tuy nhiên, ở ngay ngày đầu tiên thực hiện chiến dịch “siết” nguồn gốc thịt heo này, chiến dịch đã thất bại vì vấp phải sự phản ứng dữ dội của tiểu thương.

Thông tin từ đoàn kiểm tra cho thấy, số lượng đơn vị tham gia đề án truy xuất nguồn gốc còn rất thấp, một số cơ sở giết mổ có truy xuất cho đến thời điểm giết mổ, nhưng đường đi của thịt heo sau đó thì hoàn toàn… mù mịt. Tuy nhiên, những đơn vị cung cấp thịt heo không đáp ứng yêu cầu, thiếu thông tin truy xuất nguồn gốc vẫn “lọt cửa” cơ quan kiểm tra, bởi thương lái phản ứng quá dữ dội, áp lực nếu không đưa vào chợ tiêu thụ số thịt heo sẽ hư hỏng, nên ban quản lý các chợ đành nhượng bộ, thả cửa cho họ vào.

Trước đó, tại hội thảo “Mô hình quản lý chất lượng trang trại theo chuẩn GlobalGAP diễn ra tại TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cũng đã bày tỏ lo lắng trước tình hình tiểu thương tìm mọi cách trốn, né truy xuất nguồn gốc. Không ít trường hợp kiểm tra cho thấy, tiểu thương có đóng dấu, đeo vòng truy xuất nhưng chỉ để đối phó chứ bên trong không có thông tin gì. Điều này cho thấy, doanh nghiệp có sự thiếu tự tin về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm, hoặc bản thân người kinh doanh cũng “có vấn đề”, có sự lập lờ trong tiêu thụ sản phẩm.

Hiện, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân và chính quyền thành phố. Nếu như một số thực phẩm như trứng đã làm tốt khấu truy xuất thì thịt heo, với thực trạng chăn nuôi theo kiểu hộ gia đình nhỏ lẻ đang là vấn đề làm “đau đầu” các nhà quản lý. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, “điểm nghẽn” lớn nhất của quá trình truy xuất nguồn gốc nằm ở khâu giết mổ.

Thống kê hệ thống giết mổ hiện đại tại TPHCM thì hiện chỉ có một đơn vi, còn toàn bộ vẫn là giết mổ thủ công. Thậm chí, bản thân các đơn vị giết mổ thủ công này cũng đăng kí chứ không trực tiếp mà cho thuê lại mặt bằng, nên chất lượng giết mổ khó lòng có thể kiểm soát được. Đó là còn chưa tính đến khâu trung chuyển, vận chuyển, nghĩa là đường đi của thịt heo sau khi đã bị giết mổ khó mà kiểm soát được.    

Chưa làm tốt truy xuất nguồn gốc thịt ở kênh phân phối truyền thống

Hiện, thị trường thực phẩm tại TPHCM được đánh giá là phân tán và tồn tại rất nhiều bất ổn. Kênh truyền thống còn chiếm đa số, các hoạt động mua bán tự do, các hệ thống trung chuyển, phương tiện vận chuyển hiện đại có thô sơ có… khó lòng quản lý. Theo thống kê, hiện tại Việt Nam, kênh phân phối thực phẩm hiện đại chiếm 20%, 80% là kênh truyền thống. Riêng TPHCM thì tỉ lệ cao hơn, kênh  hiện đại khoảng 30%, 70% còn lại là kênh truyền thống. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, điều đáng tiếc là ở 70% đó, những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng như tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP khi ra thị trường thì không có sự phân biệt. Nếu như thế thì rất bất công cho các sản phẩm đạt chuẩn, bởi các sản phẩm này để đạt mức độ chất lượng và an toàn như chuẩn đặt ra đòi hỏi gia công gia cố nhiều hơn, giá thành chắc chắn cao hơn, nhưng khi người tiêu dùng không phân biệt được, sẽ không lựa chọn họ.

Quá trình khảo sát cho thấy hệ thống truy xuất quản lý có được sử dụng tại các doanh nghiệp uy tín, nhưng hầu hết dùng quản trị nội bộ là chính, quản lý đầu vào, còn đầu ra chưa kiểm soát được. Chính vì thế, ngay cả nếu doanh nghiệp có đảm bảo tốt khâu sản xuất, nhưng con đường đến tay người tiêu dùng là cả một khoảng rất dài. 

Hiện, quy định về truy xuất nguồn gốc thịt heo chỉ thực hiện được với 4 chủ thể: Từ trang trại đến cơ sở giết mổ, rồi đến chợ đầu mối là nhà bán sỉ rồi đến nhà bán lẻ. Nhưng điều đó chỉ hoàn tất với kênh phân phối hiện đại, còn với kênh phân phối truyền thống thì hiện nay vẫn còn khá ngổn ngang. Được biết, bắt đầu từ năm 2018 trở đi, TP sẽ triển khai sẽ truy xuất đến nguồn gốc heo bố, mẹ, quá trình chăn nuôi thế nào. Việc truy xuất nguồn gốc tại các chợ đầu mối cũng sẽ được siết chặt, làm quyết liệt hơn. Tất cả nằm trong một nỗ lực tổ chức lại thị trường để thị trường trở nên minh bạch và lành mạnh.

Đọc thêm