- Ông An. An đấy ư?
Ông An vỡ òa sung sướng khi đồng đội của mình, ông Sỹ đứng lên cạnh chậu phong lan với cặp kính sáng hiền từ. Hai người đồng đội lâu ngày gặp nhau, sau giây phút đứng sững và nín lặng vì mừng thì ôm chầm lấy nhau. Cái ôm xiết của tình cảm bao ngày xa cách thật thấm thía.
- Ôi Sỹ. Sỹ “giấy” của tôi. Trời ơi, ông khỏe hơn so với giọng nói trong điện thoại đấy.
Ông Sỹ mời ông An ngồi xuống bộ ghế gỗ lũa được gọt đẽo cẩn thận, được đặt ở khu vực xanh mát nhất của khuôn viên vườn. Ông bật quạt, pha trà, mắt ông sáng lên. Đoạn, ông Sỹ gọi vợ: “Bà nó ơi, anh An đồng đội của tôi, ngày xưa cũng chiến đấu ở chiến trường này. Anh ấy vào chơi với chúng ta đây này”. Ở trong nhà, vợ ông Sỹ bước ra, với đôi mắt sáng, vồn vã, mến khách. Bà mừng rỡ chào khách, bổ hoa quả để chồng tiếp đồng đội. Chung dăm ba chuyện rồi bà xin phép đi nấu cơm.
- Bà ấy vẫn đẹp như ngày nào - ông An nhấp trà, nói - Số ông thế là đàng hoàng. Sau ngày thống nhất, coi như được mọi thứ.
- Vâng. Thì tôi cũng được ông Trời thương, bom nó vùi xuống đất mấy lần không chết. Rồi may mắn được bà ấy thương, tâm đầu ý hợp. Hai vợ chồng cùng thương binh. Ba cháu nó lành lặn, giờ thành đạt cả.
Rót đầy chén trà, ông An chạm vào chén ông Sỹ, vầng trán ông An gợn lên những nếp nhăn óng ánh đen:
- Tôi cứ chúc mừng ông trước. Tí nữa nhắm rượu thì tôi chúc thêm. Đồng đội ta thế mà nhiều người về đời thường rất khá. Ông cũng trong số đó.
- Vâng. Cảm ơn ông! Thế nào, chị và các cháu ngoài đó khỏe cả chứ?
Ông An hơi lặng người một chút. Rồi ông cười, bảo:
- Chúng ta cứ nói chuyện trong này trước. Chuyện của tôi để sau. Ông chả bảo tôi vào chơi hẳn một tuần cơ mà. Chúng ta còn nhiều thời gian.
- Phải. Phải. Hơ hơ. Ở trong này, sau bốn mươi lăm năm mọi chuyện đổi khác lắm. Nơi đây chẳng phải riêng gì tôi lấy vợ rồi ở lại đây lập nghiệp. Tôi biết có mấy người ở những đơn vị khác nhau về gửi rể ở đây đấy nhá. Đúng là đất lành chim đậu.
Thật ra, lành là ngày nay thôi. Toàn khu vực nơi hai ông đang ngồi được gọi là “Vườn cau đỏ”, căn cứ kháng chiến trong những năm đánh đuổi đế quốc Mỹ. Nơi này được dùng là bàn đạp để bộ đội chủ lực phối hợp với các lực lượng tiến công cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn, góp phần tạo thế trận làm thất bại các chiến lược chiến tranh của địch, giải phóng miền Nam. Nay trở thành một xã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, thuộc quận 12. Nhìn cảnh sắc bây giờ không ai nghĩ nơi đây từng là túi bom giặc trút xuống như mưa trong những năm tháng oanh liệt. Ngày ấy vùng đất này bạt ngàn vườn cau xanh. Nhiều vườn cau tạo thành cả rừng cau, bên dưới là nếp nhà bình yên. Nhưng bom giặc đã làm cháy đỏ những thân cau. Nhiều cây cau che chở của cán bộ, bộ đội đã phải ngã xuống. Nhiều bà con nơi đây đã hy sinh để bảo vệ cách mạng.
Sau “bảy nhăm”, ông An ra Bắc, sinh sống ở miền quê Hà Nam, lấy vợ, sinh con. Nhưng cuộc trở lại đời thường của ông trải muôn vàn gian khó. Còn ông Sỹ ở lại mảnh đất nơi mình chiến đấu. Năm “bảy sáu” được đơn vị tác thành, làm đám cưới với cô gái của “làng cau đỏ” nổi tiếng anh hùng. Ông Sỹ vừa làm ruộng, vừa trồng cây cảnh. Vợ ông buôn bán nhỏ. Tích cóp được chút ít thì mở rộng khuôn vườn. Nay toàn bộ nhà, khuôn viên của ông Sỹ là một rừng cây cảnh. Những cây cảnh, bonsai đủ thế trực, huyền đi kèm các triết lý nhân sinh được uốn tạc bởi đôi bàn tay của người cựu binh già mà tay trái của ông chỉ còn duy nhất ngón cái. Mắt phải của ông Sỹ chỉ nhìn được một phần do bom đạn trong chiến tranh. Người ta bảo “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, bom đạn khiến cơ thể ông không còn lành lặn nhưng ông Trời lại ban cho ông sự khéo léo, tỉ mỉ. Ông chăm cây cây tốt, gieo hoa hoa thắm, nuôi chim chim hót líu lo. Bản thân ông thấy mình giàu có. Giàu có sự an bình trong nếp nhà xanh. Đồng đội yêu quý ông ở cái tình nghĩa và chọn nơi này để đồng đội tụ hội ngắm cây, thưởng trà và đánh cờ. Xưa kia trong quân ngũ, những người đồng đội ở muôn phương, nhưng bát cơm chia nửa. Bây giờ ông vẫn giữ mối thâm giao của một người hết mực yêu quý đồng đội, nơi mảnh đất mà ông cùng đồng đội chiến đấu, hy sinh và góp vào chiến thắng.
Cũng nơi đây ông đã gặp người con gái có đôi mắt bồ câu là vợ ông bây giờ. Đôi mắt đẹp có hình ảnh của người mẹ chiến sĩ, mẹ Anh hùng mà mãi sau này ông và đồng đội vẫn mang ơn. Đôi mắt gợi nhớ những tin yêu ngời ngời của lòng tự hào quê hương. Kết quả của mối tình đẹp ấy là ba người con thành đạt. Bà cùng ông xây dựng xóm làng, quê hương, gây dựng lại vườn cau, vườn cảnh. Hai người gây dựng “vườn ký ức”. Trong khuôn viên vườn có gian phòng kỷ niệm. Ông Sỹ đã sưu tầm được hơn một nghìn tấm ảnh về Bác Hồ cùng nhiều tư liệu quý. Tiện đây, ông giới thiệu với ông An bộ sưu tầm quý của mình.
- Trong các tư liệu này, có nhiều đóng góp của những đồng đội chúng ta. Họ sưu tập được thì mang đến đây để tôi bảo quản, lưu giữ. Coi như tài sản chung của anh em.
- Các ông thật tốt số - ông An gật gù - Các ông đã làm được những việc ý nghĩa. Lại còn tổ chức được phòng thư viện cho trẻ em hàng xóm đến đọc. Gần sách, gần cây, lại được các bác, các chú chỉ dạy kiểu gì các cháu chả sáng dạ.
***
Lúc sắp bưng mâm thì ông Vũ đến. Ba người cùng đơn vị. Ba ông lại ôm nhau, bả lả cười rồi mới rót rượu. Không tứ thì tam. Vẫn vui mà. Lúc ba ông nâng ly thì vợ ông Sỹ cũng cầm ly nâng lên: “Các ông bỏ lại em sao?”. Vậy là đủ tứ. Nào. Cạn.
- Nhắm đi, nhắm đi các ông - ông Sỹ tiếp - Hôm nay đúng là ngày tuyệt vời.
Bao câu chuyện thuở chiến trường, những đêm hành quân, ngủ rừng, lạc rừng, bom đạn cày đường, bạt núi, những trận đánh oanh liệt quân địch bỏ mạng nhiều và thương vong của ta cũng lớn… Cả một quãng đời được ngược dòng hồi ức, được tóm lược bởi bốn người trực tiếp cầm súng. Đúng là mới chỉ bốn người thôi, nhưng nghe như bom đạn đang nổ bên tai.
Giữa bữa, ông Sỹ mới hỏi lại chuyện của ông An. Câu hỏi mà ông An gác lại bảo rằng sẽ chia sẻ sau.
- Cuộc sống của tôi ý à - ông An nâng ly rượu lên, hơi đăm chiêu, giọng nghiêm nghị - Cũng bình thường như những người lính trở về. Nhưng số tôi không may. Trong người dường như có dính chất độc da cam nên sinh ra ba đứa con thì cả ba đều không được khôn như con người ta. Thành ra chúng nó lớn lừng lững rồi đấy mà còn chưa được nhờ. Dù có người thương, cũng lập được gia đình, nhưng vợ chồng tôi vẫn còn phải kèm cặp nhiều. Một số người bảo tôi đi khám xét, xin lấy cái chế độ. Nhưng tôi nghĩ rồi, còn nhiều đồng đội khổ hơn. Vợ chồng tôi còn gắng gượng được. Cũng may bà vợ tôi vẻ thô mộc, cục cằn, mồm miệng dữ dằn mà lòng dạ rất thương chồng con. Bà ấy cũng có sức khỏe, gánh vác công to, việc bé, chẳng nề hà.
- Tôi hỏi khí không phải, nhưng ông có cháu chắt đàng hoàng rồi chứ? - ông Vũ hỏi.
- Cảm ơn hai ông. May thay mỗi cặp vợ chồng nhà con tôi sinh hạ được một đứa. Thành ra tôi có ba đứa cháu khá kháu khỉnh. Chúng nó là niềm tự hào của vợ chồng tôi. Thật tình, mấy năm nay tôi lại có hứng khởi làm ăn. Mới đây thầu ruộng để trồng cây lâu năm, thả cá, nuôi heo, cấy vài mẫu sen. Tôi quyết định làm giàu đấy hai ông ạ. Vì một ông thương binh khác kích thích tôi đấy. Họ bảo chúng ta thắng giặc, sao lại thua cái nghèo. Vậy là tôi nuôi khát vọng. Không giàu được thì mình cũng phải khá. Không để cho người vợ tảo tần khổ mãi được.
Uống hết ly rượu, ông An tiếp: Lần này vào đây gặp anh em, tôi cũng muốn bàn với mọi người một việc, là chuyện tìm mộ của đồng đội chúng ta, cậu Xin. Vợ con cậu ấy nhờ tôi, thiết tha lắm. Rằng mấy chục năm rồi phần mộ vẫn chưa được quy tập về quê hương. Chúng ta nên gánh trách nhiệm này, cố nhờ vả khắp nơi, đưa cậu ấy về quê hương yên nghỉ để vợ con chăm sóc cho ấm lòng. Tôi đi lần này là tôi có sự quyết tâm lắm đấy.
Nghe lời ông An, cả ông Sỹ và ông Vũ đều lặng người. Bao năm rồi ông An vẫn chẳng vơi bản lĩnh của một người lính, luôn nghĩ cho người khác. Dù người ông nhỏ thó và vóc hình dường như bị bào mòn bởi nỗi vất vả, nhưng lòng tận tụy với đồng đội của ông vẫn khiến người khác trọng nể.
- Vậy chắc hẳn thời gian qua, ông đã có một chút manh mối? - ông An hỏi.
- Phải. Tôi đã định nói qua điện thoại trước khi gặp, nhưng dài dòng lắm. Chúng ta phải chắp mối những tư liệu mà tôi có được, rồi hỏi han ở trong này. Sau đó sẽ nhờ bên giám định ADN. Tôi đã lấy mẫu phẩm của vợ và con cậu Xin và gửi đi rồi. Phía đội quy tập từ thiện cũng hứa sẽ giúp tôi. Tôi cũng coi đây là nhiệm vụ đối với vợ và con của cậu Xin.
Ông Sỹ uống từng lời của ông An, hết lời khen ngợi một người bản lĩnh. Với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ông đã hết lòng chung tay xây dựng quê hương thứ hai này, tri ân đồng đội ngã xuống. Giờ thấy ông An còn mạnh mẽ hơn cả mình thì mừng lắm. Ông Sỹ thấy mình cũng phải coi việc tìm mộ Xin là một trách nhiệm phải triển khai ngay. Cả ba ông nói với nhau:
- Hy vọng ánh sáng niềm tin cho chúng ta được như ý nguyện.
Ngoài sân, hoa nở thắm, chim hót líu lo. Ba người đồng đội say sưa nói về những kỷ niệm. Chuyện lính dài không dứt.
Truyện ngắn của Diên Khánh