Ta là khóm lúa được cấy từ thân mạ rộng sức sống. Chủ nhân ta là nông dân chăm chỉ lành hiền. Ông bà ấy cười với ta, cười với vùng đất bao năm gieo trồng. Ông bà gửi tin yêu vào đất. Ông bà ấy yêu đồng quê. Bùn đất dưới chân ta đầy dưỡng chất. Loài lúa đạp đất đội trời từ hàng nghìn năm qua, làm thành nền văn minh lúa nước. Nhưng loài cỏ dại cũng đua chen. Chúng đua chen hằng ngày, từng giờ. Loài chuột bọ cũng ra sức cắn phá. Chúng gây ra mất mùa. Chúng khiến lúa chết, ngã xuống như ngả rạ. Chúng tác oai tác quái bằng đàn đàn lũ lũ. Chúng sống đời chui rúc nơi tối tăm, hang hẻm, bờ dậu và làm thành đại dịch chuột ở nhiều nơi.
Ngày các chủ nhân mới cấy cánh đồng lúa được một tháng, lũ chuột đã rắp tâm tấn công. Đó là một ngày đầy tang tóc. Chúng nhe hàm răng được chuốt nhọn bằng dã tâm giết chóc, thối tha hôi rình cắn ngang thân lúa. Những cây lúa mới bén rễ đổ rạp. Rồi chúng nhấm nháp thân lúa non tươi ngọt bùi. Chúng kéo theo đàn, đi đến đâu lúa non ngã đến đó. Chúng xéo những bàn chân bẩn thỉu của chúng lên. Những lá lúa sót lại héo quắt, vàng úa.
Chủ nhân đi thăm đồng. Những ông chủ bà chủ xót xa chửi rủa lũ chuột. Những cái cau mày làm xô lệch cả màu trời. Công cuộc đặt bẫy, đặt bả được thi triển hết sức mau lẹ. Mỗi ô ruộng đều được cắm cọc để chăng giấy ni-lông cỡ lớn ngăn cản loài chuột. Bao đời nay người đi săn đuổi và là kẻ đi tiêu diệt, bảo vệ mùa màng. Loài chuột bọ ngặm nhấm luôn phải trốn chạy, xô dạt đôn đáo trong nghiệp chướng của loài hạ đẳng, bần tiện.
Mọi thứ giăng ra, bọn chuột đứa chết trương bụng, đứa dính bẫy kêu chít chít, đứa co chân thoát thân. Những cái đuôi được chặt ra, đưa đến nhà Tổ trưởng Bảo vệ đồng, gửi lên Hợp tác xã lấy tiền thưởng. Không khí chiến thắng lan sang cả những cánh tay tự tin căng bạt ni-lông quan bờ thử. Khi bạt ni-lông căng lên tại thành bức tường, đồng điền gợn màu xanh xen trắng. Như mây trộn màu lúa. Chuột không xâm nhập được ruộng. Lúa được bình an xanh. Lúa đương lớn và chỉ ít ngày nữa bước sang tuổi con gái. Tóc lúa như tóc tuổi mây, mến yêu và đằm thắm.
Ta vui sướng là lúa. Ta là cây lúa thơm tho trên đồng.
Buổi sáng nay, bọn cỏ dại cười khanh khách với những cái lá dài đáng ghét.
Tên cỏ lồng vực đứng cạnh ta còn hô:
“Tên lúa yếu đuối và lắm chiêu kia, đừng hống hách. Loài cỏ sẽ tiếp tục gọi loài chuột đến cắn phá giày xéo. Các ngươi chưa yên thân đâu”.
“Tao thách đấy”.
Cơn gió nhẹ cổ vũ. Mặt tên cỏ lồng vực tái dại.
Đâu phải bây giờ cỏ dại mới cười khểnh trước lúa với tâm thế của bọn tầm gửi. Cái cười ấy kéo dài ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Chúng chỉ cười, cười khinh người nhưng chắc gì chứng hiểu cười vì cái gì. Vì sự đần độn của chúng hay thói ích kỷ của kẻ yếu thế. Cười vì không có giá trị nên đầu chúng cao lênh khênh, có lúc hơn cả cây lúa, nhưng chúng chẳng bao giờ cúi đầu vì chúng đâu có hạt thóc mẩy. Hạt thóc là hạt vàng. Là của nuôi nấng con người. Là món ăn hàng nghìn năm qua của con người. Người ta có thể chán mọi thứ nhưng không thể chán cơm. Cơm là món ăn trường tồn, vĩnh cửu. Có cơm là có nụ cười. Con người thêm những nụ cười tự tin. Cơm từ thân lúa mà ra. Hay loài cỏ ghen tị vì điều đó? Ừ. Thực ra loài cỏ đã ghen tị từ tháng hai. Khi những người dân làm đất nhuyễn nhão để gieo mạ, cấy những thân lúa xuống ruộng bùn. Rễ thì bén vào đất còn lá ngẩng lên nhìn trời. Tin yêu gửi nơi bùn đất. Loài cỏ bị bứng đi. Loài cỏ bị vùi xuống bùn sâu để không ngóc đầu lên được, thối rữa. Còn lúa ta được chăm bón, được bảo vệ, đặt kỳ vọng. Con người phải luôn kỳ vọng cây lúa tốt tươi tạo ra mùa màng. Còn loài cỏ, chết đi là may cho đồng điền và con người. Vậy mà cỏ dại vẫn không chết đi. Không bị ném vào dĩ vãng.
Này. Mấy tên cỏ dại nhếch nhác xấc xược. Các ngươi tự hào vì chuột bọ không tấn công các ngươi chứ gì? Các người nhầm rồi. Các ngươi chẳng giá trị gì nên chuột bọ không cắn phá. Chuột không ăn được cỏ dại.
Ta nói với tên cỏ lồng vực:
“Các ngươi thì có vị gì để chuột nó ngó ngàng tới. Loài lúa ta thân lá thơm tho”.
“Ừ, thơm tho. Sẽ có lúc bọn bay ngã bổ chửng, rạp xuống, héo úa, hết đường thơm tho”.
“Chúng tao chết vẫn thơm. Đồ tồi”.
Thật ra cái tên cỏ lồng vực bên cạnh ta định ức hiếp ta từ lâu. Nó cướp chất dinh dưỡng của những em lúa yếu hơn để thỏa lòng tham. Càng ngày nó càng to bè ra, vươn cành lá, phưỡn bụng bầu, đẻ nhánh. Những cái rễ của nó tham lam vươn dài, bấu bám vào bùn, lấn lướt rễ lúa. Chính cái hôm chủ nhân ta làm cỏ, nó đã học cánh lẩn vào lúa, xanh giống lúa. Nó học cách luồn lách thật khéo léo. Nếu không đã bị nhổ ngay từ hôm ấy rồi, hết đứng đây mà bóng gió, vênh váo.
“Các ngươi đừng tưởng chỉ có loài lúa có ích. Cỏ dại cũng có ích. Cỏ dại cũng màu xanh. Làm phân bón cho đất. Làm cho đất đai có thêm sức sống và các loài cây khác có ý nghĩa. Nhưng giờ bọn ta về quân với loài chuột. Chuột sẽ không hại cỏ. Chuột sẽ cùng bọn ta bứng hết lúa lên. Chuột sẽ không nương tay, mà đánh tơi tả cho bọn lúa héo khô. Chỉ cần tách khỏi mặt đất là bọn lúa các ngươi sẽ chết”.
Cỏ lồng vực ngoe nguẩy phiến lá dài và sắc. Như gươm như mác. Nó lôi kéo thêm tên cỏ lác, rau bợ. Cả lũ cùng một giuộc cười khanh khách. Chúng cười rũ rượi như chẳng biết có trời xanh. Chúng là cái thá gì mà nói chúng có ý nghĩa.
Người nông dân ghét cỏ xen trong lúa. Họ chả phải đi học để có kỹ năng diệt cỏ dại đấy thôi. Trong các ruộng lúa, cỏ lồng vực thường vươn cao hơn lúa để cạnh tranh ánh sáng nên gây tổn thất lớn đến năng suất lúa khi chúng cùng sinh trưởng trên ruộng. Chúng có sức sống cao, mọc khoẻ có bộ rễ khỏe hơn loài lúa.
Những khóm lúa rì rào, đung đưa trong gió. Nhiều khóm lên tiếng phản đối. Cả một cánh đồng phản đối.
“Bọn cỏ ngu dốt có ích chi?”
“Bọn cỏ õng ẹo lê la dưới mặt đất. Đừng vênh váo coi thường người khác, hãy im mồm đi”.
Những khuôn mặt lá tức giận. Màu xanh gằn lên. Cả ruộng lúa nếp cau đồng thanh. Lúa Q-5 bảo phải nhổ hết cỏ dại.
“Thì cứ cho là các ngươi tự cao tự đại đi. Nếu con người trân quý các ngươi, thì sao họ không trồng các người trong chậu cảnh, sống sung sướng ở trong gia đình con người. Cho các ngươi là ngọc ngà công chúa, ăn bổng lộc và hưởng hồng ân con người?”.
“Ha ha ha. Đúng là tư duy của cỏ dại chỉ biết một mà không biết hai, chỉ tham ăn mà không phân biệt được nhân tình thế thái. Chúng ta là lúa. Trời đã phân định nhiệm vụ chúng ta ở ngoài đồng. Nhiệm vụ của bọn ta là lúa. Các ngươi hiểu không? Lúa không sống trên khô cạn, cũng không sống trong chậu cảnh ưỡn ẹo làm đồ trang trí. Lúa phải mọc lên từ bùn đất. Lúa sinh trưởng từ cánh đồng. Mạ non là cháu chắt của ta. Mạ non thành lúa phải trải qua quá trình sống và hiến dâng. Mà để từ hạt thóc thành mạ non lại là một quá trình hiến dâng khác. Một sự biến đổi, mất đi. Một quá trình hy sinh. Có nói thì loài cỏ cũng chẳng hiểu”.
Lũ cỏ im bặt, tức tối ủ mưu báo thù.
* * *
Một lần nữa lũ chuột lại tấn công. Là do bọn cỏ dại mời đến. Chúng bàn nhau cách cắn xé ni-lông chăng các bờ thửa. Bọn cỏ dại bảo, chỉ cần kiên trì mài những cái răng háu ăn sắc nhọn của loài chuột, ni-lông sẽ bục ra, có thể chui vào. Bằng không, loài cỏ sẽ chìa những cái lá dài, vượt qua hàng rào ni-lông, chĩa xuống bờ đất, chuột chỉ cần công kênh nhau, đu lên lá cỏ, nhảy vào ruộng là được. Lúc phi ra thì dễ quá rồi. Cứ cưỡi lên những khóm lúa cao là nhảy ra ngoài dễ dàng.
Hai cái dã tâm gặp nhau. Chúng bùng lên. Bọn chuột nắm lấy cơ hội này. Chúng đã ngày đêm mài răng vào tường ni-lông. Những con to khỏe và răng cửa nhọn nhất được lựa chọn. Chúng đã đục thủng được bức tường. Chỉ cần một lỗ thủng, chúng dễ dàng xé toạc bức tường.
Những khóm lúa đầu tiên ngã xuống. Hơn chục gã chuột đột nhập vào ruộng um úm nước. Chúng cắt ngang thân lúa và nhảy múa trong chiến thắng. Lũ cỏ hát lời giễu cợt, mặc những khóm lúa kêu than trong đớn đau. Trước đây chúng cắn ngang cây, mầm lúa sẽ lại mọc ra. Lần này chúng gặm sâu sát ổ rễ. Chúng muốn tiêu diệt theo kiểu “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”.
Bọn ta cùng làm gió cho những chiếc cờ ni-lông loại xoạt vang lên. Lũ chuột giật mình chạy đâm đầu vào nhau. Sau đó chúng thấy chỉ là những chiếc cờ chứ không phải con người hay mèo, chúng tiếp tục cắn phá.
Chủ nhân ra thăm đồng. Bà chủ xót xa nhìn những khóm lúa vừa ngã xuống đêm trước.
- Lũ chuột tinh ranh chết tiệt. Năm nay chúng cắn phá ác liệt quá. Kiểu này mất mùa thôi - bà nói với chồng.
- Từ đồng trên với đồng dưới, người ta cũng phản ánh nạn này với cán bộ xã. Các cánh đồng đã căng ni-lông nhưng chưa ngăn được chuột. Chắc phải có cách nào đó. - ông chủ nói.
Bà chủ lội một vòng, nhặt những lá lúa đổ trên ruộng. Lòng the thắt. Bà dõi mắt nhìn xa, nói với chồng:
- Đồng loạt cùng đặt bả, bảo đảm loài chuột sẽ dính. Trước đây vẫn có hộ không làm cùng, cách làm bả đã cũ.
Ông chủ cười tự tin:
- Tối qua thôn ta đã họp và thống nhất rồi. Năm nay không để mất mùa đâu.
Bà chủ vá lại tường ni-lông, ông chủ về làm bẫy. Những miếng thịt lợn được nướng thơm phức và tẩm bả độc. Chỉ ngửi thôi đã muốn chén. Chiều ấy các ông chủ lúa mang ra bờ ruộng đặt xuống. Mồi ngon nhử bọn tiểu yêu. Tổ trưởng Bảo vệ đồng mang loa ra tuyên truyền, cổ vũ bà con. Phía đê đám trẻ con í ới thả diều.
Một kế hoạch được lập ra. Con người luôn có khả năng chế ngự dịch bệnh. Con người có khả năng chế ngự cả loài chuột. Trong đêm tối, vốn là thiên đường của loài chuột, đã ẩn tàng mối nguy của chúng ở cánh đồng này. Chúng đã bị màn đêm đánh lừa. Màn đêm vốn là bạn và lợi thế của loài chuột. Nay màn đêm trộn với mùi bả thơm khiến lũ chuột không phân biệt được thật giả. Chúng kéo đàn chạy đến ăn nhai ngấu nghiến, như thể đó là chiến lợi phẩm chúng kiếm được do con người sơ sểnh, đánh rơi. Đàn này giấu đàn kia để ăn một mình. Không con nào báo cho con nào. Chúng ăn mảnh. Loài cỏ dại không hiểu con người đã làm thế nào, không thể cảnh báo cho chuột. Sáng hôm sau xác chuột lăn lóc ngoài bờ ruộng. Có con bê bết bùn đất vì quằn quại trong vũng đớn đau, giãy giụa. Chúng chết hàng loạt.
Lúa nghe thấy con người nói với nhau về chiến thắng. Một chiến thắng được ấp ủ sau nhiều ngày gian nan. Những nụ cười trở lại trên miệng ông bà chủ. Lúa ta rì rào reo. Chúng ta cười, xanh lên trong nắng ấm. Kìa đàn cò về bình lặng kiếm ăn trên những kênh mương, tạo bức tranh đẹp và thân thương mà con người luôn muốn thấy!
Truyện ngắn của Ngô Hải Miên