[Truyện ngắn] Vườn nhạc

Chỉ một cái tin “khu vườn nhà tôi có các loài cây phát ra nhạc. Địa chỉ thôn… xã… huyện…”, kèm theo tấm ảnh chụp ngôi vườn, đăng trên facebook, ông Biên đã kéo được nhiều người tò mò tìm đến. 
[Truyện ngắn] Vườn nhạc

Tháng trước, có đến mươi nhóm tìm đến rồi bỏ về ngay từ vòng đầu. Không ai ấn tượng với chuyện bầy chim sà xuống gần gũi con người. Họ cho điều đó không đáng quan tâm. Ông bà Biên thất vọng, chẳng mời ai vào sâu trong vườn. Họ về. Hôm qua hai người đến rồi chẳng đủ bình tĩnh nán lại. 

Hôm nay gần chục người, trong đó ba nhà báo, chuẩn bị kỹ lưỡng thiết bị flycam, máy ảnh, máy quay. Họ hồ hởi nhập cuộc làm mấy cái tin sốt dẻo lạ lùng. Song ai cũng mắt tròn, mắt dẹt không phải vì tìm thấy khu vườn rắc nhạc xuống lòng ngôi làng. Họ chẳng thấy gì ngoài gió. Gió bao giờ chẳng bắt những cái cây đung đưa, tán lá xạc xào. Cây phát ra tiếng kêu, ví von là phát ra nhạc, cây hát. Người có đồng tử nở toác, tóc cháy xém lạu cạu:

- Có gì đâu mà ông già chơi quả giật gân. Làm anh em mất công kéo đến. Nếu có thật, đề nghị ông chủ cho xem vườn nhạc. Xem những cái cây phát ra nhạc thế nào. Hay ông cụ chơi trội nhằm mục đích xấu!

Mấy vị khách bấm bụng. Ở đời chuyện đồn thổi ma quái nhiều vô kể. Chuyện bịa tạc hòng nổi tiếng hoặc để bán hàng cũng đâu có ít. Vừa rồi cơ quan chức năng phanh phui ra mấy trường hợp quảng cáo những thứ thuốc như tiên dược, trị được cả ung thư, biến phụ nữ vô sinh có thể đẻ sòn sòn. Hóa ra đó chỉ là những cái rễ cây đào trong vườn, trên rừng, được sơ chế, sấy khô, đóng gói. Rồi dán lên đó đủ mọi từ ngữ có cánh. Mấy ông bà già vùng quê ở đây rỗi việc, có thể nghĩ ra bất cứ thứ gì. Kể cả chuyện cây biết chạy, lợn biết bay, cá biết hót chứ đừng nói đến chuyện cây phát ra nhạc.

Rất hiểu những ánh mắt nghi hoặc, mấy vóc dáng thất vọng, ông Biên điềm tĩnh, nở một nụ cười chan rất nhiều niềm hãnh diện.

- Các anh không nghe thấy, nhưng chúng tôi nghe được. Đấy. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, nghe bằng tai thường thì đi mỏi gối bên ngoài lẫn bên trong vườn vẫn không thấy nhạc. Cây hoàng lan này, chay kìa, chỗ kia là cây sưa đỏ, cây nhãn, rồi có cả cây sen trong ca dao nữa. Chúng vẫn đang hát đó.

Hướng cả bàn tay về phía mấy ông bạn già vẫn mải đánh cờ, ông Biên tiếp:

- Đấy, mấy ông bạn tôi cũng công nhận. Việc của cây là hát, hát cho các bạn tôi vui vẻ đánh cờ. Tất thảy đều thoải mái.

Mấy ông bạn già từ bấy ngồi cạnh bàn cờ và ấm trà ướp sen thơm phức, ngoảnh lại, gật đầu thích thú cười. Đương - người xách máy quay vẻ mệt dỉu dả, ngồi thượt xuống gốc cây chay:

- Nhưng chúng cháu chẳng nghe thấy gì. Chỉ thấy đây là vườn cây. Khác gì bao khu vườn làng quê khác, rặt màu xanh với mấy con chim. Tưởng chuyện lạ. Ai dè…

Một người bạn của vợ chồng ông Biên đưa tay lên quá đầu:

- Ngay cả thứ nhạc được sáng tác từ các nhạc sĩ, cũng có phải ai cũng biết nghe. Huống hồ nhạc từ thiên nhiên, từ một vườn cây.

Sau cùng tất cả được mời nước bằng thái độ trọng thị. Các anh đã về đến quê chúng tôi thì cũng uống chén nước, thưởng thức cái không gian bình yên đã. Tôi đoán là ở ngoài phố các anh khó tìm được một nơi thế này đấy. Ông Biên vừa pha lại nước vừa nói. Bảy, tám chiếc ghế được kéo ra. Khách khứa được mời thưởng thức hoa quả trong vườn. Nào chay, táo, ổi, mít… Toàn những thứ quả quê mùa dậy hương. Khách khen ngon. Rồi mấy người vội vàng bỏ ra về. Ngồi lại chỉ còn Đương và Thức. Hai nhà báo có vẻ điềm đạm, cứng tuổi nhất trong nhóm gần chục người chẳng hẹn mà gặp. Thôi thì đã về đến đây, cứ bình tĩnh. Người này bảo người kia.

Bà Biên bổ thêm quả. Ông Biên chiêu thêm nước. Chim chóc ríu rít trên đầu làm nhạc. Đã vậy không để các anh chờ lâu nữa. Các anh sẽ được thấy sự kỳ diện của những nàng ca sĩ bầu trời. Bà Biên đứng dậy, trở ra vớ lấy bát thóc dưới gốc cây. Bà nhón từng nắm, tung ra sân, tức thì cả bầy chim sẻ trên những tán cây sà xuống, lích chích mổ và múa. Hình ảnh này gây bất ngờ lớn với Đương và Thức. Họ chưa từng thấy cảnh này. Chuyện ném thóc, gạo cho gia cầm ăn là thường. Nhưng loài chim trời… Làm sao chúng có thể gần gũi với những người nơi này đến thế? Chúng trở thành những ca sĩ hoạt bát đúng nghĩa.

Lúc này, ông Biên đứng dậy, đưa cánh tay của mình ngang người, mấy ngón tay vẫy vẫy:

- Nào các con, lại đây với bố.

Tức thì ba chú chim nhỏ nhắn bay lên, nhẹ như cục bông, nhảy nhót trên cánh tay ông lão. Ông Biên hướng về phía hai vị khách:

- Cảnh tượng này, các nhà báo đã thấy chưa?

Thức thốt lên: Tuyệt vời! Đúng là một cảnh tượng anh chỉ thấy trên phim, hoặc qua bạn bè kể sau những chuyến công tác nước ngoài, chim chóc dạn dĩ đến nỗi cứ quẩn quanh bên người. Mấy chú chim nhảy múa trên tay ông già chẳng phải thứ gì hoành tráng. Cũng không cao siêu. Nó thể hiện con người và loài chim gần gũi, sống bình yên bên nhau. Ông còn dịu dàng gọi “con”, xưng “bố” kia mà. Điều này chứng tỏ ông bà Biên đã thương chúng thế nào nên mới được chúng thương lại.

- Để chúng đậu lên tay cháu được không? 

- Thức đề nghị, rồi anh đưa bàn tay của mình ra.

- Các con đến với khách nào.

Vừa nói, ông Biên vừa đưa bàn tay của mình sát vào bàn tay của Thức. Những chú chim lập tức chuyền ngay sang tay Thức. Cũng nhảy múa hồn nhiên. Cũng lích chích ca hát. Đương không đừng được tò mò. Anh tiến gần hơn bên Thức: “Chúng đáng yêu quá!”. Chủ và khách đều mãn nguyện. Thức thấy tâm phục, khẩu phục. “Phải thế chứ. Phải thế chứ…”. Anh cứ nhẩm đi nhẩm lại.

Hai vị khách chưa hết ngạc nhiên, tay huơ huơ đùa bầy chim đang xuống mỗi lúc một đông. Ông Biên mời họ vào sâu trong vườn. Những ông già bạn ông Biên vẫn thản nhiên chơi cờ. Một chú mèo nằm cuộn khoanh bên bức tường rêu. Cạnh đó là bể nước mưa, xây gạch, bên ngoài cũ kỹ, rêu phong. Nóc bể cuốn hình vòm. Miệng bể cũng được uốn hình vòm, nom cũ kỹ nhưng sạch sẽ. Chỉ vào đó, ông Biên nói: “Bể đựng nước mưa, tuổi đời 120 năm. Gia đình tôi vẫn hứng từ trời, ăn uống, pha trà bằng bể đó”.

Đi một đoạn nữa, khách ngước nhìn cây chay, cao cỡ mười lăm mét. Ông Biên giải thích, cây đó họ dâu, lấy vỏ ăn kèm trầu cau, quả thơm, tuổi bằng tôi, bảy lăm.

Cách cây chay chừng mươi bước chân là cây khế lúc lỉu quả, điểm suyết những chùm hoa tím xinh, tán rộng bao trùm một khoảng lớn. Đương và Thức trầm trồ. Cũng là những người xuất thân quê mùa, ra phố làm việc hai chục năm nay, đi khắp nơi tìm hiểu, viết báo, chưa bao giờ họ thấy cây khế to đến vậy. Đương tiến lại vỗ tay vào thân khế. Đúng là cụ khế. Ông Biên bảo, cây khế cũng cỡ hơn trăm tuổi.

Hai vị khách tiếp tục bước trên thảm lá khô mục. Cảm giác thất vọng bay biến, thay vào đó là xúc cảm lâng lâng, thú vị trong không gian thâm nghiêm cổ thụ, bóng cây thả xuống bầu không khí sự mát lành.

Còn đây mới là một tuyệt tác. Hai cây thị đứng sóng đôi, cách nhau vài bước chân, một phần tán đan cài, xoắn quyện như thể hai vợ chồng đang ôm ấp, tựa nương nhau. Ông Biên kể, hai cây này được trồng từ thời cụ tổ dòng họ Nguyễn. Cây chồng, cây vợ. Theo lời dạy tổ tiên họ Nguyễn làng An Xá, hai cây thị tượng trưng tình yêu son sắt, thủy chung, trường tồn. Những năm kháng chiến chống Mỹ, một quả bom rơi trúng ngôi vườn, gần hai cây thị. May thay, nhiều thứ cây khác gãy gập, thị chỉ gãy ít cành, thân trầy xước. Rồi qua thời gian vẫn phát triển, trường thọ. Năm đó chiến tranh ác liệt, ông Biên tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, không biết tin nhà dính bom. Mấy năm sau được nghỉ phép, ông trở về, điều ông quan tâm nhất là sự an toàn của vợ con và những cổ thụ. Ông thở phào. Mọi sự vẫn ổn. Chục năm trước, bão đổ về, cây cối trong làng đổ nhiều, riêng ngôi vườn của ông bình yên. Các cụ đời trước truyền lại, cây cối yêu đất nên bám rễ sâu vào lòng đất. Đất yêu nên nâng đỡ cây.

Toàn bộ cổ thụ trong vườn được gìn giữ, lưu truyền, nhiều “đại gia” tứ xứ ú ụ giàu khuân tiền về, trả giá hòng bứng cây đi. Nhưng họ không thể thuyết phục được bất cứ ai trong dòng họ. Đến đời ông Biên cai quản, vườn chỉ có sinh sôi thêm chứ không bị mất đi. Ông vừa mua thêm hơn một sào đất của hàng xóm, để làm vùng đệm cho vườn, tăng diện tích khu vườn lên một mẫu hai.

Tính đến nay Thức có gần hai mươi năm làm nghề. Anh hăm hở đi nhiều nơi. Dấn thân. Suốt những năm qua, anh đã tìm đến chừng ba mươi vườn cò, vườn chim, khu dự trữ sinh quyển cũng như khu rừng ngập mặn trong cả nước. Nơi nào cũng có ấn tượng riêng. Có vườn cò ở Z. do ông giáo làng trông nom. Ông được ví như người cha già, trồng cây để cò vạc trú ngụ. Nhưng một mình ông không thể ngăn nổi dã tâm của nhiều “cò tặc” cũng như những viên đạn ác độc của họ. Một nửa số cò vạc trong vườn cỡ gần chục nghìn con bị bắn hạ trong chục năm. Thức đến tìm hiểu, nghe ông kể mà xót xa. Vài năm sau anh nghe tin ông rao bán vườn. Tỉnh nhà phải đầu tư một khoản lớn mua lại, rồi nhờ ông trông nom, trả lương hậu hĩnh. Song sức người già, chỉ một chút lơ là, bọn săn trộm vào tận vườn tóm cò vạc mang đi bán làm mồi nhậu. Bất kể ngày nào, lưới và súng săn bao vây khắp nơi. 

- Thật ra, tôi đã hối hận vì mình đưa cái tin lên facebook. Tôi nghĩ nơi này còn tồn tại được là vì ít người biết. Có những thứ càng ít người biết càng an toàn. Vậy nên cảm ơn các anh đã đến và chia sẻ. Các anh thông cảm, không cần viết gì về nơi này cả. Sau này có thời gian, các anh ghé chơi, thăm vườn nhạc, trò chuyện cùng vợ chồng tôi là vui rồi.

Lòng Thức chùng xuống. Có lẽ thế thật. Suốt quãng đường về, Thức miên man nghĩ về lời ông Biên. Hẳn ông ấy có cái lý của mình. Có lẽ điều tốt nhất với ngôi vườn nhiều tiếng nhạc ấy là càng ít người biết càng tốt.

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học