Không những xa mà còn quá tải
Theo Viện sĩ.GS.TSKH Trần Đình Long (Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật điện Quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam), TTĐN là mối quan tâm lớn của ngành điện và toàn xã hội. Giảm được TTĐN mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Do đó ở các nước phát triển, TTĐN thường chiếm tỷ lệ nhỏ, ngược lại ở những nước kém phát triển, TTĐN chiếm tỷ lệ cao. Tại Việt Nam, mức TTĐN vẫn ở mức cao hơn mức trung bình của thế giới.
Từ thực tế này, vấn đề TTĐN được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặc biệt quan tâm. EVNNPT - đơn vị trực thuộc tập đoàn này, luôn gặp khó khăn trong quá trình giảm TTĐN do đặc thù địa lý Việt Nam. Bởi miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên là những nơi có điều kiện thuận lợi để sản xuất điện, nguồn điện lớn trong khi miền Nam lại là nơi tiêu thụ điện lớn.
Ông Lê Việt Hùng - Phó Trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất (EVN) cho biết, thị trường tiêu thụ điện miền Nam lại tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn nên việc đầu tư truyền tải điện từ Bắc vào Nam là điều tất yếu. Hơn nữa, những năm gần đây, miền Nam cũng đã tự sản xuất được điện năng đáng kể từ nhiệt điện dầu, nhiệt điện khí nên cũng làm cho tỷ lệ TTĐN giảm đáng kể.
Những rõ ràng việc truyền tải điện đi xa từ Bắc vào Nam là đồng nghĩa với việc TTĐN xảy ra nhiều. Dù trong giai đoạn năm 2011-2015, TTĐN của EVNNPT đã giảm được 0,79% (từ 3,13% năm 2010 xuống 2,34% năm 2015), tuy nhiên, đơn vị này ba năm liền không đạt chỉ tiêu giảm TTĐN do EVN giao.Nguyên nhân chính của thực trạng này là do cách thức vận hành lưới điện 500kV Bắc - Nam luôn phải truyền tải công suất lớn.
Theo thống kê, sản lượng điện truyền tải của đường dây này năm sau luôn cao hơn năm trước. Lưới điện truyền tải này luôn vận hành trong điều kiện đầy và quá tải - đây là lý do khiến TTĐN tăng cao.
|
Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, năm 2016, đơn vị này được EVN giao chỉ tiêu tổn thất lưới truyền tải điện là 2,1 % (năm 2014 là 2,49%; năm 2015 là 2,34%). Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng điện nhận được là 78,265 tỷ kWh (sản lượng lưới 500kV là 26,733 tỷ kWh; lưới 220kV là 82,985 tỷ kWh), sản lượng điện giao là 76,414 tỷ kWh (trong đó sản lượng 500kV là 25,851 tỷ kWh; 220kV là 82,017 tỷ kWh).
Như vậy, TTĐN là 2,36%, tăng 0,11% so với cùng kỳ năm ngoái; vượt 0,26% so với chỉ tiêu kế hoạch EVN giao. Trong đó, tổn thất lưới 500kV là 3,3% (tăng 0,57% so với cùng kỳ năm ngoái); tổn thất lưới 220kV là 1,17% (giảm 0,07% so với năm ngoái).
Theo ông Phó Tổng giám đốc EVNNPT, việc tăng, giảm TTĐN 6 tháng đầu năm 2016 có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng một phần do tiếp tục truyền tải cao trên lưới 500kV Bắc - Trung - Nam để đáp ứng nhu cầu phụ tải miền Nam.
Theo vị đại diện đơn vị truyền tải, trong 6 tháng đầu năm 2016, TTĐN trên lưới 500kV chiếm tỷ lệ 48% (tương ứng 881,6 triệu kWh, tăng 253,3 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2015); TTĐN trên lưới 220kV chiếm 52%.
Tăng cường đầu tư và hạn chế giảm sự cố
Từ thực tế trên, EVNNPT thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu TTĐN. Ông Nguyễn Tuấn Tùng cho hay, thời gian qua EVNNPT đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp cho giai đoạn từ nay đến 2020. “Theo đó, hàng tháng Ban chỉ đạo giảm TTĐN của các Cty truyền tải trực thuộc sẽ kiểm tra, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ giảm TTĐN; làm rõ các nguyên nhân làm tăng, giảm để từ đó đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu tổn thất điện”, ông Tùng nói.
EVNNPT sẽ thực hiện các biện pháp để hạn chế thấp nhất sự cố lưới điện, không để xảy ra sự cố chủ quan. Các trạm biến áp phối hợp chặt chẽ với các trung tâm điều độ để giữ điện áp trong giới hạn tối ưu. Vì việc quá tải hoặc non tải cũng đều gây ra TTĐN.
|
Về giải pháp đầu tư xây dựng, trong năm 2016 và 4 năm tiếp theo, EVNNPT sẽ hoàn thành xây dựng mới và cải tạo 68 công trình lưới điện truyền tải 500kV với tổng chiều dài khoảng 3.465 km và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 25.200 MVA; 315 công trình lưới điện truyền tải 220kV, với chiều dài khoảng 7.583 km, tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 35.450 MVA.
Ngành Điện xác định đây là giải pháp quan trọng, có tính quyết định đến việc giảm TTĐN giai đoạn 2016-2020 về đến con số lý tưởng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Việc thực hiện đúng tiến độ các dự án này sẽ đạt được các mục tiêu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng tiêu chí n-1, cải thiện chất lượng điện áp…
Gần nguồn, tổn thất ít
“Trên địa bàn chúng tôi (miền Trung, Tây Nguyên - PV), TTĐN lưới điện 500 kV thấp hơn so với lưới 220kV do lưới 220kV của Truyền tải 3 phải lấy điện từ Tây Nguyên cấp về cho các tỉnh hoặc lấy từ Nhà máy Vĩnh Tân (Bình Thuận) cấp ra Bình Định (dài từ 200 - 400km). Thực tế này cho thấy, nếu gần nguồn điện bao nhiêu thì TLĐN nhỏ bấy nhiêu và ngược lại.
Ngoài yếu tố quảng đường, điều kiện thời tiết, khí hậu... cũng có ảnh hưởng, chẳng hạn bụi đất ở Tây Nguyên bám dính vào sứ cách điện trên đường dây nhiều cũng gây ra tổn thất điện năng hay trong quá trình cắt điện để đấu nối đường dây này thì đường dây kia phải làm việc căng hơn cũng gây ra TTĐN...” , ông Hoàng Xuân Phong - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3.