Truyền tải điện lại “nóng” khi nhiều tỉnh xin bổ sung nguồn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hàng trăm dự án điện gió và mặt trời đã được các tỉnh đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII nhưng tuyệt nhiên không thấy một dự án lưới điện, trong khi đó câu chuyện giảm phát các nguồn điện gió và mặt trời vẫn diễn ra.
Đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân được thực hiện trong thời gian kỷ lục.
Đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân được thực hiện trong thời gian kỷ lục.

Đề xuất bổ sung hàng trăm nghìn MW điện vào quy hoạch

Giữa tháng 11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản yêu cầu các địa phương gửi báo cáo tổng hợp về các đề xuất bổ sung quy hoạch nguồn và lưới điện đã gửi mà chưa được phê duyệt để Bộ Công Thương tổng hợp. “Được lời như cởi tấm lòng”, hàng chục tỉnh, thành đã gửi đề xuất bổ sung hàng trăm nghìn MW nguồn năng lượng tái tạo (NLTT).

Một số địa phương đề xuất nguồn lớn như: Cà Mau xin bổ sung 23.000MW, Bình Thuận 30.000MW, Ninh Thuận 43.000MW, Gia Lai 20.000MW, Đắk Lắk 22.000MW, Kon Tum 20.000MW, Thanh Hóa 20.000MW, Nam Định 12.000MW, Hải Phòng 3.900MW, Thái Bình 8.700MW, Quảng Ninh 5.000MW…

Trong số các dự án nguồn điện xin được bổ sung vào Quy hoạch điện (QHĐ) VIII, các dự án lớn đa phần nằm ở các tỉnh miền Tây và Nam Trung Bộ. Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng cho biết, xu hướng truyền tải điện hiện nay là đang chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Dự thảo QHĐ VIII mới nhất cũng “cắt” khoảng 20 tỷ USD đầu tư cho truyền tải (so với dự thảo tháng 3/2021).

Vậy với số lượng nguồn điện mà các tỉnh đề xuất bổ sung, “bài toán” truyền tải điện sẽ được xử lý như thế nào trong khi với quy mô nguồn điện và lưới điện hiện hữu, việc giảm phát công suất đã liên tục xảy ra trong 2 năm gần đây?

Cùng với đó, dự án đường truyền tải điện 500kV mạch 3 vẫn chưa thể về đích dù đã được gia hạn tiến độ. Đường dây 500kV Vĩnh Tân - Vân Phong cũng khó có thể về đích đúng cam kết với nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản do những cơ chế ràng buộc khó khăn của một DNNN, khiến EVN không thể “bung sức” để làm như NĐT tư nhân đã từng đầu tư.

Cụ thể, Trung Nam Group đã sẵn sàng cơ chế và huy động đến hơn 20 đơn vị xây lắp, thực hiện dự án Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân (dài 13,2km), 220kV (dài 2km) đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trong thời gian kỷ lục 102 ngày đêm vào mùa hè năm 2020. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy, đã đến lúc thực sự cần thiết tạo cơ chế để tư nhân vào đầu tư đường dây truyền tải điện?

Cần có cơ chế cho tư nhân tham gia dự án truyền tải điện

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 6 mới đây đã thảo luận sửa Luật Điện lực. Trong đó, đề xuất sửa Luật Điện lực theo hướng cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư dự án truyền tải điện nhận được nhiều sự đồng thuận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trước đây Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, gồm cả khâu xây dựng, vận hành, quản lý. Nếu mở cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào đường dây, trạm truyền tải, gồm cả các loại hệ thống truyền tải điện quan trọng, xương sống như trạm, đường dây 500kV vào trục Bắc - Nam thì cần phân định rõ loại nào NĐT tư nhân được làm, loại nào Nhà nước có quy hoạch, giao EVN làm.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, dự thảo Luật sửa đổi Luật Điện lực sẽ nêu cụ thể các dự án lưới điện huyết mạch, quan trọng như đường dây cao áp 500kV và siêu cao áp 800kV sẽ do Nhà nước đầu tư. Còn đường dây truyền tải dưới 500kV (như đường dây 100kV, 220kV) thì cho phép tư nhân tham gia.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group, rất nhiều dự án nguồn NLTT trong khu vực đã truyền tải qua dự án Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV mà Trung Nam đầu tư. Số tiền ước tính thu được từ nguồn điện truyền tải này khoảng 200 tỷ đồng (theo giá đang được áp dụng của Tổng Công ty Truyền tải Quốc gia).

Tuy nhiên, số tiền này Trung Nam Group không được thu do Luật chưa cho phép tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải. Trong khi đó, Tập đoàn này vẫn phải bỏ ra chi phí khoảng 20 tỷ đồng/năm để thuê bảo dưỡng, vận hành đường dây nhưng tỷ trọng điện truyền tải của chính Trung Nam Group cũng chỉ chiếm 8% sản lượng điện truyền trên lưới.

“Với việc cam kết phát thải Net Zero vào năm 2050 thì việc bổ sung thêm các nguồn điện NLTT là điều tất yếu. Tuy nhiên, đi cùng với đó là sớm tạo cơ chế để tư nhân tham gia làm lưới điện truyền tải, để tận dụng nguồn điện, tránh lãng phí nguồn vốn các NĐT ngoài nhà nước bỏ ra” - một chuyên gia năng lượng nêu quan điểm.

Đọc thêm