Truyền thông dự thảo chính sách: Ngày càng đa dạng, hiệu quả, phong phú

(PLVN) - Qua hơn 01 năm thực hiện Đề án 407 về “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) giai đoạn 2022 – 2027” , các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách đã được quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, bước đầu tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Toạ đàm góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Toạ đàm góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ động tổ chức truyền thông dự thảo chính sách

Trong năm 2023, việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai Đề án cơ bản đã được các bộ, ngành quan tâm, ban hành kế hoạch, công văn triển khai Đề án hoặc lồng ghép trong kế hoạch phổ biến, giáp dục pháp luật (PBGDPL) của bộ, ngành. Trong đó, một số bộ, ngành đã chủ động ban hành kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL riêng như: Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nội vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đài Truyền hình Việt Nam…

Trên cơ sở xác định chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL cần truyền thông theo Đề án 407 và yêu cầu thực tiễn, các bộ, ngành đã tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả. Như: Hội đồng phối hợp PBGDPL Thông tấn xã Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức biên soạn và phát hành “Bản tin Tóm tắt văn bản pháp luật mới” hàng tuần, trong đó có các dự thảo chính sách đang trên bàn soạn thảo nhằm thông tin, truyền thông sâu rộng đến công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành nắm bắt kịp thời.

Bên cạnh đó, ở trung ương, đa số các bộ, ngành tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm tổ chức lấy ý kiến và truyền thông về dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp. Một số Luật còn được truyền thông bằng hình thức họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách: dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi (Ngân hàng nhà nước); dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (Bộ Quốc phòng)… Bên cạnh đó, một số bộ, ngành còn tổ chức tham vấn, diễn đàn đối thoại về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Bộ Nội vụ); dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)…

Việc tổ chức truyền thông dự thảo chính sách được Lãnh đạo một số bộ, ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt và tổ chức thực hiện với nhiều thể loại phong phú như: tin, bài, phóng sự, tọa đàm giao lưu, các chương trình chuyên đề về pháp luật, lồng ghép trong các chuyên mục, chương trình tổng hợp thông tin, truyền thông đa dạng như đưa tin, phản ánh, phân tích – bình luận sâu. Trong đó, Bộ Tư pháp phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo Điện tử VTV News, Báo Pháp luật Việt Nam… xây dựng các tọa đàm giao lưu, các tin, bài viết truyền thông về một số dự thảo: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Dân chủ ở cơ sở, Luật Đấu giá tài sản, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản…

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Không chỉ ở trung ương, các địa phương cũng quan tâm ban hành Kế hoạch, công văn hướng dẫn, chỉ đạo triển khai Đề án hoặc lồng ghép trong kế hoạch PBGDPL của địa phương. Một số địa phương đã ban hành kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL riêng, trong đó, thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch tăng cường thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trên cơ sở xác định chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL cần truyền thông theo Đề án 407 và yêu cầu thực tiễn, các địa phương đã tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả, nhiều sở, ngành đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm truyền thông, lấy ý kiến dự thảo chính sách, điển hình như: Đà Nẵng; Quảng Ninh; Nghệ An; Nam Định; An Giang; Sóc Trăng; Tuyên Quang; Công an các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Kon Tum, Nam Định, Tiền Giang, Đà Nẵng, Khánh Hòa (tổ chức các hội thảo, hội nghị thông tin, truyền thông và lấy ý kiến về các dự án Luật do Bộ công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV).

Các Sở, ngành, đoàn thể đã phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương, địa phương thực hiện truyền thông dự thảo chính sách đến người dân trên địa bàn; đăng tải các dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL của trung ương và địa phương trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của UBND các cấp, của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và các sở, ngành; chú trọng truyền thông trên mạng xã hội (zalo, fanpage, facebook) nhằm tạo kênh thông tin, truyền thông nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả về các dự thảo chính sách đang được tổ chức lấy ý kiến.

Bên cạnh đó, việc truyền thông dự thảo chính sách được lồng ghép vào hoạt động của 117 Hội quán, 101 câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; niêm yết dự thảo VBQPPL tại nhà văn hóa các thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; in 3.392 cuốn tài liệu truyền thông về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cấp phát đến các đại biểu dự Hội nghị lấy ý kiến và gửi đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để truyền thông và lấy ý kiến…

Nhiều địa phương có mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL. Như: Tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp đưa nội dung truyền thông dự thảo chính sách vào tiêu chuẩn thi đua công tác PBGDPL của Phòng Tư pháp quận, huyện và Thành phố Thủ Đức nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác này; UBND Quận 4 đã sử dụng mã QR đăng tải các dự thảo chính sách trên các Trang Thông tin điện tử, mạng xã hội để truyền thông; UBND huyện Bình Chánh xây dựng trang “Bình Chánh trực tuyến” trên zalo; fanpage “Tư pháp Bình Chánh” để truyền thông về dự thảo chính sách.

Tại thành phố Hải Phòng, Sở Ngoại vụ thực hiện truyền thông dự thảo chính sách qua mục “Thông báo nội bộ” tại hệ thống quản lý văn bản HPEoffice; Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng điện tử thực hiện truyền thông dự thảo chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội phát trên nền tảng mạng xã hội Báo điện tử và Fanpage; Công an thành phố phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng xây dựng các phóng sự truyền thông dự thảo chính sách do ngành Công an chủ trì soạn thảo.

Thông tin kịp thời các dự thảo chính sách

​Ngay sau khi Đề án 407 được ban hành, các cơ quan thông tin báo chí cũng đã chỉ đạo, quán triệt, triển khai công tác truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội gắn với việc thực hiện hiệu quả Đề án. Công tác truyền thông dự thảo chính sách đã được các cơ quan thông tin, báo chí triển khai với nhiều hình thức phong phú như: tin, phóng sự thời sự, chương trình chuyên đề về pháp luật; lồng ghép trong các chuyên mục, chương trình tổng hợp với đa dạng hình thức truyền tải (như phản ánh, phân tích, bình luận chuyên sâu, phổ biến kiến thức, giải đáp pháp luật…).

​Trong đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã xây dựng, vận hành chuyên mục “Truyền thông chính sách” trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử, đã đăng tải nhiều tin, bài, ảnh truyền thông về các dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL đang trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; các hoạt động thẩm định dự thảo đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL của Bộ Tư pháp… nhằm thông tin kịp thời dự thảo chính sách, tình hình xây dựng pháp luật cũng như đánh giá thực thi chính sách, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo VBQPPL, nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực của bạn đọc.

​Bên cạnh đó, Báo cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ (Cục PBGDPL, Văn phòng Bộ, Cục Bổ trợ Tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật…) trong xây dựng nhiều chương trình, toạ đàm giao lưu giữa các khách mời là đại diện các đơn vị chủ trì soạn thảo, các đơn vị tham mưu thực hiện công tác truyền thông dự thảo chính của Bộ Tư pháp trong truyền thông các dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, dự án Luật Thủ đô sửa đổi, dự thảo Luật Công chứng sửa đổi…

Nhìn chung, từ sau khi Đề án 407 được ban hành đến nay chưa có ý kiến trái chiều, gây bức xúc, tạo điểm nóng trong xã hội về một dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL mới được ban hành. Kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tăng tính khả thi của VBQPPL, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đọc thêm