Truyền thống hào hùng là động lực để “Đất lửa” vươn mình mạnh mẽ

(PLVN) - Từ một vùng đất “bom cày, đạn xới”, nay diện mạo của Quảng Trị đã thay đổi, đó là kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của lãnh đạo, người dân trên mảnh đất "khúc ruột miền Trung" này. Quảng Trị đã có những mảng màu tươi sáng hơn về đời sống mọi mặt ví như “thép nở hoa”. Ông Võ Văn Hưng (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) đã chia sẻ với Báo PLVN về những chuyển biến tích cực này.
 Ông Võ Văn Hưng (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị)
Ông Võ Văn Hưng (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị)

- Xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị trong thời gian gần đây?

Có thể khẳng định, thời gian gần đây nền kinh tế tỉnh nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 đạt 6,63%, năm 2022 đạt 7,17%, sáu tháng đầu năm 2023 đạt 6,52%. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,5 triệu đồng, năm 2022 đạt 62,8 triệu đồng.

Xác định đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh đang tập trung thực hiện các công trình giao thông mang tính chiến lược như đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ - La Sơn (trong đó đoạn Cam Lộ – La Sơn vừa đưa vào sử dụng cuối năm 2022), đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà.

Quảng Trị đang xây dựng thành phố Đông Hà xanh, năng động

Quảng Trị đang xây dựng thành phố Đông Hà xanh, năng động

Ngoài ra, còn tích cực vận động, thu hút đầu tư để sớm triển khai thực hiện các dự án động lực như: Khu công nghiệp Quảng Trị, cảng hàng không Quảng Trị, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, quốc lộ 15D…

Tỉnh đã nỗ lực thực hiện hóa mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Các dự án điện gió đứng đầu cả nước về số lượng dự án cũng như tổng công suất phát điện thương mại trên toàn quốc (chiếm 16,9%).

Tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với hướng phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên năm 2022 đạt 130 ha; năm 2023 ước đạt 350 ha.

Đến nay, Quảng Trị là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về trồng rừng nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng, giai đoạn 2020-2022, diện tích rừng trồng bình quân đạt trên 10.665 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng năm 2022 đạt trên 1.252.000m3 tăng 28,9% so với năm 2020.

Bên cạnh việc tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may cũng được quan tâm. Chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh liên tục tăng trưởng ở mức cao: Năm 2021 tăng 9,68%, năm 2022 tăng 18,42%.

Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh về lịch sử, văn hóa được đầu tư, nhiều khu, điểm du lịch quan trọng, du lịch cộng đồng ở miền Tây Quảng Trị bước đầu hình thành.

Các hoạt động văn hóa xã hội được tổ chức trang trọng, có sự đầu tư hợp lý, sáng tạo, giàu ý nghĩa, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và để lại ấn tượng sâu sắc. Đã tạo hình ảnh đẹp đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế như sự kiện kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị và 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, Lễ hội Thống nhất non sông…

- Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước và đến năm 2030 sẽ nằm trong nhóm 30 tỉnh tốp đầu với GRDP bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng. Xin ông cho biết địa phương đã xác định những giải pháp, chiến lược nào để hoàn thành?

Trước tiên phải nâng cao chất lượng, hiệu lực quản lý và năng lực tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch, chú trọng xây dựng các đề án, quy hoạch phục vụ công tác thu hút đầu tư: Hiện nay, UBND tỉnh đã thực hiện các bước cuối cùng trong việc xây dựng, trình thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai, là ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội: Ưu tiên các công trình giao thông quan trọng kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay với cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và hệ thống giao thông quốc gia.

Thứ ba, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Tiếp tục xác định cải cách hành chính là một trong ba khâu quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính.

Ông Võ Văn Hưng giới thiệu nông sản địa phương cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (Ảnh chụp tháng 2/2023)

Ông Võ Văn Hưng giới thiệu nông sản địa phương cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (Ảnh chụp tháng 2/2023)

Thứ tư, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp và phải đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được sắp xếp lại trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện để Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị (đang xây dựng Đề án sáp nhập với Đại học Huế, hình thành trường đại học thành viên thuộc Đại học Huế), Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị và các trường nghề liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực.

Thứ năm, từng bước thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung

Thứ sáu, xây dựng, phát triển hệ thống đô thị tỉnh Quảng Trị bảo đảm tính bền vững, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển đô thị toàn quốc: Đặc biệt phải phát triển đô thị Đông Hà sớm đạt đô thị loại 2.

Thứ bảy, phải bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường và chăm lo phát triển con người toàn diện

Và cuối cùng là xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh.

- Gần đây, Quảng Trị bứt phá khi biến điều kiện khí hậu tự nhiên bất lợi thành lợi thế với những dự án điện gió thu về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Những dự án này có ý nghĩa như thế nào? Tỉnh có những chiến lược, giải pháp nào để đưa ngành công nghiệp này trở thành ngành mũi nhọn?

Từ những năm 2007 trở về trước, trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất một dự án năng lượng đó là dự án Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị, công suất 64MW được đầu tư từ nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ngân sách nhà nước.

Những năm gần đây tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn kêu gọi đầu tư, phát huy tiềm năng “nắng to, gió lớn”. Đến nay, tỉnh đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất lắp đặt 713,4 MW đã được phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia, vận hành thương mại. Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Trị cũng đang tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng 12 dự án điện gió với tổng công suất 454MW.

Một cánh đồng điện gió ở phía Tây tỉnh Quảng Trị

Một cánh đồng điện gió ở phía Tây tỉnh Quảng Trị

Ngoài ra, tỉnh cũng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) 61 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 5.384 MW, 4 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 3.600 MW.

Từ những tiềm năng và kết quả bước đầu, công nghiệp năng lượng được tỉnh nhà xác định là lĩnh vực được ưu tiên. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500MW giai đoạn đến năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Quảng Trị hiểu rằng còn rất nhiều việc cần phải làm.

Trước mắt, tỉnh tập trung hỗ trợ nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Ngoài ra, cũng phải đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào vận hành thương mại các dự án năng lượng đã có trong quy hoạch, được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với trung ương, tỉnh Quảng Trị mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành quan tâm đưa các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII làm cơ sở triển khai đầu tư. Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển dự án năng lượng tái tạo mang tính dài hạn để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

- Được kỳ vọng sẽ trở thành một thương hiệu du lịch của Quảng Trị, ông có thể cho biết tỉnh sẽ có chiến lược cụ thể nào để tổ chức “Lễ hội vì Hòa Bình” mang bản sắc riêng và tạo cú hích tăng trưởng cho ngành du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới?

Quảng Trị là vùng đất từng chứng kiến quá nhiều sự khốc liệt của chiến tranh, chịu đựng quá nhiều sự hi sinh mất mát nên hòa bình lúc nào cũng là khát vọng cháy bỏng, là mong muốn chung của nhân dân Quảng Trị cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân loại. Được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Vì hòa bình. Theo đó, Lễ hội Vì hòa bình sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm/1 lần vào dịp tháng 7 với các chương trình, hoạt động, sự kiện diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh.

Di tích đặc biệt Quốc gia Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải sẽ là địa điểm diễn ra Lễ hội Vì hoà bình

Di tích đặc biệt Quốc gia Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải sẽ là địa điểm diễn ra Lễ hội Vì hoà bình

Lễ hội sẽ có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Hội thảo, Diễn đàn về vấn đề hòa bình rồi hoạt động tưởng niệm, tri ân, tôn vinh ở Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và các Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống, trồng cây hòa bình, thăm hỏi, tặng quà, chữa bệnh cho các nạn nhân chiến tranh…

Sau khi Kế hoạch được ban hành, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai công tác kêu gọi, lựa chọn các nhà tư vấn, các đạo diễn để xây dựng kịch bản. Đồng thời, sẽ tiến hành làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để tìm kiếm các nhà tài trợ.

Lễ hội Vì hòa bình sẽ là một lễ hội mở. Thông qua việc tổ chức Lễ hội sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, các giá trị văn hóa về mảnh đất, con người Quảng Trị. Đích đến là vào năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút hơn 40 triệu lượt khách du lịch, tạo việc làm cho xã hội khoảng 42 nghìn lao động.

Tự hào là mảnh đất anh hùng trong hai cuộc chiến tranh, là mảnh đất của tri ân và tưởng nhớ, với di sản là hồn thiêng của các anh hùng liệt sĩ. Lễ hội Vì hòa bình sẽ là một lễ hội đặc biệt, riêng có của Quảng Trị; nó sẽ kết nối quá khứ - hiện tại – tương lai.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm