Xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật về kinh tế – xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua?
- Dù đối diện với không ít thách thức nhưng với quyết tâm vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Một số thành tựu nổi bật như sau:
Đã cơ bản thực hiện hoàn thành mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”. Kết quả thực hiện đến thời điểm này cho thấy: trong 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường đề ra, có 7 chỉ tiêu đã được thực hiện đạt và vượt kế hoạch, cao hơn mức bình quân của cả nước và thuộc nhóm các tỉnh trung bình khá.
Đáng chú ý, mức thu nhập bình quân đầu người (tính theo GRDP) của Quảng Trị đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch so với bình quân chung của cả nước (năm 2015 bằng 73,6%, năm 2020 bằng 79,1%), đứng thứ 2 trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 37 của cả nước.
Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông kết nối, đối ngoại, các trục liên kết giữa các vùng kinh tế động lực. Đặc biệt đã tập trung mọi nỗ lực để xây dựng và hình thành Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tạo cú hích mở đường phát triển công nghiệp, thương mại và kinh tế biển.
Đã định hướng và tạo đột phá phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Cùng với đó đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đã cụ thể hóa kịp thời các nghị quyết của Trung ương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đảm bảo an sinh xã hội; chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo... Nhờ vậy, phần lớn các chỉ tiêu về lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh nằm trong nhóm đầu của cả nước.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương về Chiến lược quốc phòng, an ninh; chương trình quốc gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; Chú trọng giữ gìn và phát huy khối đoàn kết toàn dân, sự thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong toàn xã hội, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Ông có thể chia sẻ về chiến lược, giải pháp đưa ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành mũi nhọn tại địa phương?
- Với tiềm năng to lớn trong việc phát triển các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, từ vùng núi với các dự án điện gió, thủy điện xuống vùng biển với các dự án điện mặt trời và nhiệt điện tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị (bao gồm Trung tâm điện lực Quảng Trị và khu phức hợp năng lượng).
Hiện nay, các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đã được bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất là 3.300MW; các dự án năng lượng đang trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, quy hoạch điện VIII với tổng công suất là 11.921MW.
Công nghiệp năng lượng sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Trị. |
Như vậy, với các dự án đã được quy hoạch cùng với các dự án đang trình bổ sung quy hoạch nêu trên nếu được phê duyệt thì Quảng Trị sẽ trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung với quy mô công suất hơn 15.000MW. Để làm được điều đó, tỉnh Quảng Trị đã đề ra những chiến lược, giải pháp cơ bản sau:
Đối với nhiệt điện, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí tự nhiên, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đưa điện khí trở thành nguồn điện chủ lực trong cơ cấu nhiệt điện trên địa bàn. Phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ trên siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Đối với điện gió và điện mặt trời, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng giải toả công suất, bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện của tỉnh với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà và trên mặt nước.
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai đầu tư; hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.
Đối với thủy điện, huy động tối đa các nguồn thủy điện hiện có; phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng…
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh xác định những mục tiêu, nhiệm vụ đột phá gì, thưa ông?
- Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà quyết tâm phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và nằm trong nhóm 30 tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, cần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung một số giải pháp có tính chất căn cơ nhất nhằm tạo sự phát triển bứt phá trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong toàn xã hội để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Thứ hai, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, khắc phục dần các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng, triển khai một số trọng điểm kinh tế nhằm tạo động lực mới; Tiếp tục thực hiện hoàn thành việc đầu tư xây dựng và phát triển trục kinh tế kết nối các trọng điểm kinh tế và các dự án động lực đã đề ra từ nhiệm kỳ trước, đặc biệt là Quốc lộ 15D kết nối cửa khẩu quốc tế La Lay với Mỹ Thủy, Cảng nước sâu Mỹ Thủy và Dự án nhiệt điện than BOT 1.
Thứ ba, tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch này phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong đó, đề xuất để Chính phủ chỉ đạo, bổ sung Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh và Tổng sơ đồ điện VIII các dự án điện năng để tạo điều kiện cho tỉnh phát triển mạnh ngành công nghiệp năng lượng, hướng tới xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.
Thứ tư, tiếp tục phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, trồng rừng đạt chứng chỉ FSC, chú trọng vấn đề thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất. Nghiên cứu phát triển Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo theo hướng phát triển thương mại xuyên biên giới để hình thành Khu thương mại biên giới.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá.
Thứ sáu, quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội. Trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách…, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Trước tình hình mưa bão đang gây ra nhiều thiệt hại trên địa bàn Quảng trị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; các phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình phòng, chống mưa lũ tại các địa phương, chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với mưa lũ, sơ tán dân và cứu nạn các thuyền viên bị nạn trên biển; thăm hỏi, hỗ trợ, động viên những hộ gia đình bị thiệt hại về người, nhà cửa và những điểm sơ tán dân đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, bên cạnh công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu của tỉnh diễn ra an toàn, tốt đẹp nhất thì tỉnh cũng đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại. Quảng Trị cũng sẵn sàng các nguồn lực để chủ động ứng phó với các đợt bão, mưa lũ tiếp theo.