Truyền thông xã hội

(PLVN) -  Báo chí đang “đồng loạt” xoáy vào đề tài một CEO đánh nữ caddie nhập viện. Nếu như CEO bình thường thì chắc cũng không ồn ĩ, nhưng đây lại là một đại biểu HĐND địa phương, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân.
Ảnh minh họa

Tất nhiên, để xử lý “khủng hoảng truyền thông”, CEO kia phải “thanh minh, thanh nga”, đổ lỗi cho “vô tình”. Cụ thể, ông “dài dòng” về việc nhu cầu thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe, nên ông và một số đối tác có đến sân golf BRG Đà Nẵng chơi golf. Do bất đồng với cách tính số gậy trong một hố khi đánh golf và trong lúc cự cãi, do bức xúc, thiếu kiềm chế, nóng giận nhất thời nên xử lý vấn đề chưa đúng. “Trong lúc cự cãi, do bức xúc, tôi đã đập cây gậy golf phát bóng sượt qua nón hướng xuống dưới đất khiến cây gậy golf bị gãy làm đôi và bật lại, dẫn đến chị L. bị thương nhẹ phần mềm ở vùng mặt”. Tức là do gậy golf sượt, chứ không phải nhằm đánh người.

HĐND tỉnh, nơi ông phải lên tiếng, không thể im lặng. Ở đây có mấy vấn đề, “ngoài sự việc” phải lưu ý. Thứ nhất, cổ nhân dạy: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ”. Sức khỏe, tài sản, danh dự của bất kể một công dân nào cũng được pháp luật bảo vệ. Không thể “cậy nhiều tiền” để coi thường người khác. Đó là bài học về “hệ giá trị con người”.

Thứ hai, nếu như trước đây, khi chưa có internet, mạng xã hội chưa “lên ngôi” thì câu chuyện khó ai biết. Điều này cho thấy, sức mạnh của truyền thông xã hội. Thứ ba, bắt đầu từ mạng xã hội, sau đó báo chí chính thống mới vào cuộc. Điều này cho thấy, mạng xã hội đang “đi trước”, tạo nên “sức ép” đối với báo chí trong thời kỳ xã hội số, công dân số.

Ai cũng biết, truyền thông là quá trình trao đổi thông tin, tương tác thông tin giữa hai hoặc nhiều người với nhau nhằm tăng cường sự hiểu biết và thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm, của cộng đồng và của toàn xã hội. Truyền thông sơ khai là rỉ tai... thời hiện đại là môi trường số hiện nay. Bản thân môi trường số đang tạo ra “năng lượng vô tận” nhưng cũng dễ xảy ra nhiều nguy cơ tin xấu, tin giả.

Cách đây không lâu, Chính phủ có tổ chức hội nghị về truyền thông chính sách. Truyền thông chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội. Đó là quá trình Nhà nước và các cơ quan của họ (trong đó có báo chí) tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng.

Khi mà một ứng xử của công chúng được lặp đi lặp lại sẽ thành nền nếp, tập quán cuối cùng trở thành những chuẩn mực của xã hội. Nhờ truyền thông chính sách mà những vấn đề này được xã hội chấp nhận và lan truyền nhanh trong công chúng. Điều đó cho thấy, vai trò hết sức quan trọng của truyền thông chính sách, làm chủ một cách chủ động, dẫn dắt truyền thông xã hội một cách hiệu quả. Phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm.

Đọc thêm