TS Lê Việt Nga: Người góp sức mở những “cung đường” cho hàng Việt vươn xa

(PLVN) -  Chỉ từ một lời “rủ rê” mà TS. Lê Việt Nga - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có 13 năm gắn bó với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ cuộc vận động này, cùng với nỗ lực, nhiệt huyết và tình yêu với hàng Việt của TS. Lê Việt Nga mà hàng Việt đã có một “cuộc trường chinh vạn dặm” vượt ra khỏi biên giới quốc gia, xuất hiện trên kệ những hệ thống siêu thị lớn nhất trên thế giới…
TS. Lê Việt Nga - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

“Tôi là đảng viên, tôi thực hiện theo chỉ đạo của Đảng”

Cuộc “trường chinh” của hàng Việt được bắt nguồn từ thời điểm vô cùng khủng hoảng của kinh tế Việt Nam - năm 2009 với một Cuộc vận động “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử bởi đã tác động đến tất cả mọi tầng lớp đối tượng trong xã hội, từ nông dân, công nhân đến doanh nghiệp, doanh nhân, kiều bào…

Đó là Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động. Với Cuộc vận động này, vấn đề được đặt ra đầu tiên là “trong nhà” phải dùng hàng của mình để kích cầu tiêu dùng, tiếp theo là cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Theo bà Lê Việt Nga: “Một trong những điều may mắn là định nghĩa hàng Việt Nam trong Cuộc vận động khá mở, khi sản phẩm của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam cũng được gọi là hàng Việt. Bởi mục tiêu của Bộ Chính trị là kích cầu tiêu dùng, kích cầu sản xuất kinh doanh tại chỗ, có công ăn việc làm cho người lao động, thu được thuế cho ngân sách nhà nước. Đây là hướng đi vô cùng đúng đắn”.

Và chính hướng mở này cũng là “phao cứu sinh” của Việt Nam khi rất nhiều cơ quan thương mại trên thế giới lên tiếng băn khoăn về tính hợp pháp của Cuộc vận động trong giai đoạn Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Bởi ngay sau khi Cuộc vận động ra đời, rất nhiều Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước đã có văn bản liên tục hỏi về chương trình này.

Đây là cuộc vận động của Đảng. Chúng tôi là đảng viên, chúng tôi có nhiệm vụ thực hiện các chỉ đạo của Đảng” - đó là một trong những câu trả lời mà đại diện Bộ Công Thương đã dùng trong một số cuộc hỏi đáp với các tổ chức quốc tế liên quan đến thương mại. Và sau 3 năm liên tục gửi văn bản trả lời cũng như tham gia các cuộc hỏi đáp, những thắc mắc về chương trình này mới chính thức dừng lại.

Ngoài việc thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, việc Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam “mở” đến cả hàng hóa của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng “thuyết phục” được các “tai mắt” thương mại trên toàn thế giới. Bởi hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài sản xuất ở Việt Nam cũng được gọi là hàng Việt, cũng được ưu tiên đưa vào các hệ thống phân phối ở Việt Nam và đương nhiên cũng là một đối tượng của Cuộc vận động.

Được chia sẻ và hun đúc lòng yêu nước đến mỗi người

Vốn là một sinh viên ngành công nghệ sinh học (Đại học Bách khoa Hà Nội), ra trường năm 1990, Lê Việt Nga “đầu quân” cho Bộ Công Thương với vai trò một chuyên viên của Vụ Khoa học Công nghệ. Gắn bó với Vụ này được 10 năm thì năm 2011, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước đã “rủ rê” Lê Việt Nga về làm việc với lời hứa hẹn “có nhiều cái hay lắm, ý nghĩa lắm”. Và đó là đúng thời điểm Bộ Chính trị mới phát động Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bắt tay ngay vào việc, chuyên viên Lê Việt Nga đã cảm nhận được tình yêu của mình với chương trình này nhưng không ngờ “lại khó khăn đến thế” - TS Lê Việt Nga nhớ lại. Những câu hỏi “làm cách nào để lan tỏa cuộc vận động này? Làm sao để đừng như nhiều cuộc vận động khác, lúc đầu thì xôn xao, rầm rộ, sau dần lại nguội lạnh, không ai để ý đến. Rồi không biết tổ chức hệ thống và mạng lưới như thế nào? Nhân dân, các bộ, ngành khác, các địa phương và các tổ chức hiệp hội đón nhận ra sao” liên tục xuất hiện trong đầu Lê Việt Nga.

Tuy nhiên, bà Nga chia sẻ: “Không ngờ càng làm, càng thấy say sưa với Cuộc vận động. Bởi vì khi mình nói chuyện với mọi người về hàng Việt thì cảm giác như được chia sẻ tình yêu đất nước với mọi người, ai cũng cảm thấy yêu đất nước và cũng muốn cống hiến được sức mình cho cuộc vận động, dù chỉ là những đóng góp rất nhỏ bé”.

Tôi chưa thấy cuộc vận động nào được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ đến thế” - bà Nga hào hứng kể lại với PLVN. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng vui vì chỉ cần sản xuất hàng, tiêu thụ đã có các cơ quan chức năng vận động người dân dùng hàng Việt, chưa kể họ được hưởng lợi từ việc cải thiện môi trường kinh doanh (một trong những nội dung nằm trong cuộc vận động); Việt kiều cũng vui vì đưa được hàng made in Vietnam ra nước ngoài; Rồi lồng ghép cuộc vận động vào bình ổn thị trường, an toàn thị trường, tiêu dùng xanh để tạo hiệu ứng cộng hưởng. Kể cả những người hay phản biện chính sách cũng ủng hộ theo cách của họ.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao kỷ niệm chương 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Đến nay, hiệu ứng từ cuộc vận động đã có những kết quả rất rõ ràng. Nếu trước đó, gần như chỉ hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia mới xuất khẩu được thì hiện rất nhiều doanh nghiệp thuần Việt cũng đã xuất khẩu những thương hiệu hàng Việt ra quốc tế, xuất hiện trên kệ những hệ thống siêu thị lớn nhất của các quốc gia châu Âu. Rồi các phong trào sản xuất hàng nội địa Việt cũng được các bộ, ngành triển khai như chương trình “make in Vietnam” của Bộ Thông tin truyền thông hay OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Tôi chỉ đau đáu là Bộ Giáo dục Đào tạo chưa nhiệt tình tham gia vì đến nay vẫn chưa vận động được Bộ này vào cuộc. Trong khi ở Hàn Quốc, ngay từ khi đi học mẫu giáo, những đứa trẻ người Hàn đã được giáo dục về việc sử dụng hàng nội địa. Bởi từ việc ưu tiên và sử dụng hàng nội địa sẽ làm cho đất nước thịnh vượng, sản xuất phát triển và giữ được những trụ cột trong nền kinh tế là của mình, do mình làm chủ” - bà Lê Việt Nga tâm sự.

Những ngày đầu khốc liệt…

Những năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động, con đường đến những sâu vùng xa khó khăn như thế nào thì hàng Việt gặp khó khăn như thế. Thậm chí, còn chưa xuất hiện những con đường đến các xã vùng sâu vùng xa như xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ); Những khu vực mà chỉ một cơn mưa bão đã cắt đôi đường (huyện Nam Trà My, Quảng Nam); Những con đường mà một bên là vực thẳm - một bên là núi cao sừng sững cùng với những khúc cua tay áo; Những con đường mà khi đã đi qua rồi quay đầu nhìn lại mới thấy “rùng mình”; Và cả những địa điểm mà khi di chuyển chỉ có thể dùng thuyền, ghe… Tất cả những gập ghềnh này hàng Việt đều lĩnh đủ bởi đó chính là đường đưa hàng Việt lan tỏa đến mọi vùng miền.

Bà Nga kể lại: “Điều khó nhất là đường xá đi lại quá xa xôi. Ngày đầu tiên đưa doanh nghiệp nước ngoài đi khai phá các vùng đất mới, mỗi lần đi mất 7 tiếng đồng hồ. Nhiều doanh nghiệp ngại chứ, bởi ngoài thời gian thì hàng hóa trên các khu vực ấy chưa chắc đã đảm bảo cả về chất lượng và số lượng. Nhưng chúng tôi vẫn từng bước thuyết phục họ lên các vùng sâu vùng xa để giúp bà con có những dự án cộng đồng, sản xuất hàng hóa. Rồi thuyết phục các doanh nghiệp xây dựng những “cứ điểm” chế biến sản xuất tại địa phương”.

“Bà mối” Lê Việt Nga (giữa) đưa doanh nghiệp lên vùng núi, góp phần thay đổi sản xuất kinh doanh ở những vùng khó khăn

Trong đó, câu chuyện thuyết phục các hệ thống phân phối lớn trở thành “bà đỡ” cho những sản phẩm của vùng sâu vùng xa được xem như một thành công của những người chắp cánh cho hàng Việt. Bởi hàng hóa bà con sản xuất ra chất lượng chưa đồng đều, sản lượng cũng không đủ để đáp ứng tần suất nhập hàng rồi vấn đề chiết khấu hàng hóa giữa 2 bên… Tất cả những vấn đề này đều được “Team hàng Việt” (bà Nga vẫn gọi đội ngũ đã sát cánh cùng bà trong cuộc vận động lan tỏa hàng Việt như thế - PV) giải quyết khi thuyết phục các hệ thống phân phối lớn dành những ngày cuối tuần cho việc trưng bày, giới thiệu những sản phẩm vùng miền..

Rồi có cả những lần bà Nga và đoàn công tác “hút chết” trên những cung đường để “mở đường” cho hàng Việt khi chiếc xe chở đoàn bị trượt xuống mấp mé bờ vực hay những chuyến đi xuyên qua những vùng mù sương đến vài cây số, không thể nhìn thấy phía trước có gì để tránh…. Thế nhưng “team hàng Việt” vẫn vượt qua để bền bỉ “dọn” những con đường dễ dàng hơn cho hàng Việt đi…

Những nhọc nhằn ấy đến giờ đã kết trái, thể hiện rõ nét nhất ở Sơn La - một tỉnh vốn rất khó khăn đã trở thành thủ phủ nông sản phía Bắc khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp đặt các “cứ điểm” sản xuất chế biến tại địa bàn các huyện. Hoặc nhiều nông sản các tỉnh phía Bắc xa xôi cũng đã được xuất khẩu ra nước ngoài; Rồi hàng nghìn điểm bán hàng Việt, cửa hàng Tự hào hàng Việt Nam được mở tại các tỉnh…

Bà Nga khẳng định, hàng Việt có được vị trí như hiện nay chính là nhờ có Cuộc vận động và bà chỉ là một nhân tố đóng góp một phần rất nhỏ trong thành công này. Điều quan trọng là bà may mắn “gặp” được cuộc vận động từ “thưở ban sơ”.

Sự may mắn này đã giúp bà cùng với Bộ Công Thương lan tỏa mạnh mẽ Cuộc vận động trong cả nước bằng việc tham mưu ban hành Kết luận 107 KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Từ bước ngoặt này, cuộc vận động đã có một con đường thênh thang để đi và hàng Việt có “gốc” để phát triển mạnh mẽ, vươn ra toàn thế giới…

Đọc thêm