TS. LS Phan Văn Trường: Yêu nước thông qua pháp luật - bài học còn mãi

(PLVN) - Tình yêu nước và pháp luật là hai yếu tố không tách rời nhau trong con người TS. LS Phan Văn Trường. Ông là TS Luật học đầu tiên từ Pháp về. Những bài học về chính sách tuyên truyền pháp luật trong buổi đầu sơ khai không hề cũ trong cuộc sống hiện đại hôm nay…

TS. LS Phan Văn Trường

Nỗ lực học tập và cải cách pháp luật

TS. LS Phan Văn Trường sinh ngày 25/9/1876 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, trong một gia đình khoa bảng. Ông mất vào năm 1933 và để lại cho thế hệ sau nhiều bài học quý báu. Mấy tháng sau khi ông mất, Báo Phụ nữ tân văn, một tờ báo có uy tín ở thời đó, đã cảm tác: “cụ Phan Văn Trường thật là một bực danh nhơn kỷ - sỉ của xã hội ta hiện thời. Danh nhơn ở đời, cũng như một thứ bông thơm cỏ quý, khi ở trên cành, người ta có thể ngồi nhắm nhía những cái vẻ đẹp màu tươi, mà cũng có thể rút lấy tinh ba hương vị của nó, chế hóa ra dầu thơm nọ, chất thuốc kia, hoặc dùng làm vật điểm trang, hoặc dùng làm phương trị binh cho mình cũng được”.

Trong các dấu ấn mà LS Phan Văn Trường để lại cho thế hệ sau, chính là con đường học vấn của ông để có kiến thức pháp luật uyên bác. Nhiều tài liệu nêu rằng, sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn ở Hà Nội (khóa 1892 - 1894), ông làm việc tại văn phòng Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, ông đã nỗ lực phấn đấu học hỏi rất nhiều để trở thành luật sư, tiến sĩ luật.

Theo tài liệu ghi lại, trước khi sang Pháp, ông Phan Văn Trường đã học luật ở Việt Nam. Chẳng hạn, có tài liệu nêu rằng “Sau khi tốt nghiệp và thành luật sư, ông làm phiên dịch ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Sau ông sang Pháp theo học ngành luật tại Đại học Sorbonne, Paris rồi trình luận án Tiến sĩ về luật hình để trở thành tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam”. Thực ra, rất khó để xác định ông Phan Văn Trường đã học luật ở Việt Nam trước khi sang Pháp vào năm 1908.

Nói đến Phan Văn Trường trong con đường học vấn thì không thể không nói đến nỗ lực học cao hơn, trong đó có nỗ lực học tiến sĩ luật tại Pháp. Thực tế, không dừng lại ở việc có bằng cử nhân luật, Phan Văn Trường tiếp tục học trình độ tiến sĩ luật khoa. Tài liệu về ông cho biết, ông đã bắt đầu nỗ lực học tiến sĩ ở Pháp từ năm 1913.

Nghiên cứu về cuộc đời của TS. LS Phan Văn Trường, chúng ta đã thấy ông là người rất nỗ lực trong việc học tập, trau dồi kiến thức dù hoàn cảnh học tập không dễ dàng gì như Báo Phụ nữ tân văn có nêu: “Sang Pháp từ năm 1908, ở đến năm 1923, trải 15 năm trường; hết nạn nọ đến nạn kia luân luôn. Tuy vậy, mà cụ còn nghiên cứu pháp luật, đậu được cữ nhơn rồi thi tấn sĩ”.

Các thông tin trên chưa thể cho chúng ta cái nhìn toàn diện về nỗ lực học tập suốt đời của TS. LS Phan Văn Trường nhưng nội dung đó cũng cho thấy ông không chỉ học tập để có tấm bằng cử nhân, tiến sĩ mà tiếp tục học tập, học tập suốt đời để trau dồi kiến thức.

Bài học về nỗ lực học tập của TS. LS Phan Văn Trường không chỉ có ý nghĩa trong giới luật sư theo sự nghiệp của ông mà có ý nghĩa cho tất cả những ai sử dụng pháp luật như một bộ phận nghề nghiệp của mình để cùng nhau sống tốt trong Nhà nước pháp luật đã được Hiến pháp quy định.

Pháp luật là những gì con người tạo lập ra để phục vụ cuộc sống và cuộc sống không ngừng thay đổi nên pháp luật cũng cần thay đổi. Pháp luật được làm ra là để phục vụ con người, cần coi đó là phương thức để cho cuộc sống tốt đẹp hơn hay ít nhất không tồi tệ hơn. Sinh thời, không hiếm lần TS. LS Phan Văn Trường thể hiện tư tưởng tiến bộ với mong muốn sửa đổi pháp luật để cuộc sống dân chúng được tốt hơn.

Một hoạt động của TS. LS Phan Văn Trường rất đáng được nhắc đến khi đề cập tới tình yêu nước của ông thông qua pháp luật, đặc biệt là mong muốn thay đổi pháp luật để dân chúng có cuộc sống tiến bộ hơn. Cụ thể, chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ngày 18/6/1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở Versailles (18-21/6/1919). Khi đó, Phan Văn Trường tham gia soạn thảo bản Yêu sách của nhân dân An Nam (bản Yêu sách tám điểm) gửi tới Hội nghị. Bản Yêu sách tám điểm này được luật sư Phan Văn Trường soạn bằng tiếng Pháp trong đó có nội dung thể hiện mong muốn thay đổi pháp luật để cuộc sống được cải thiện. Như yêu sách thứ hai theo đó cần “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu. Xóa bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam”. Hay yêu sách thứ 7 theo đó “Thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”.

Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật có vai trò thiết yếu và pháp luật này không bất biến mà luôn được thay đổi để phù hợp với thay đổi, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.

Việc hoàn thiện pháp luật là một nhu cầu trong nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới và việc hoàn thiện này được thể hiện trong thực tế bằng việc thay đổi các quy định đang tồn tại bằng những quy định mới với tinh thần cấp tiến hơn. Tinh thần cấp tiến trong thay đổi pháp luật này không xa lạ trong con người TS. LS Phan Văn Trường. Bởi thế, những hành động yêu nước thông qua pháp luật của ông, đặc biệt thông qua tinh thần cải cách pháp luật với tinh thần cấp tiến như nêu trên vẫn còn giá trị tham khảo cho chúng ta ngày nay trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tuyên truyền và vận dụng pháp luật

Sinh thời, TS. LS Phan Văn Trường rất quan tâm tới giáo dục, tới truyền bá những tư tưởng tiến bộ, trong đó có truyền bá kiến thức pháp luật. Ông quan niệm rằng “hễ nước nào chúng dân có chăm xem xét những việc lợi hại quốc gia, có biết pháp luật mà gìn giữ quyền tự do cùng mọi quyền của quốc dân thì quốc gia mới cường thạnh, nhơn dân mới chóng tiến bộ, chóng văn minh”. Nhiều tài liệu cho thấy ông tìm cách truyền bá trực tiếp tư tưởng pháp luật cho dân chúng.

Chẳng hạn, thời ở Pháp, TS. LS Phan Văn Trường có vai trò quan trọng đối với Hội thân ái (La Fraternité). Khi viết về mối quan hệ giữa La Fraternité và TS. LS Phan Văn Trường, một tài liệu nêu rằng “Lúc đầu, mỗi tháng hội La Fraternité nhóm hội nhiều lần và tổ chức ra những cuộc hội đàm rất có ý nghĩa. Anh em cùng nhau bàn bạc ra nhiều cái ý kiến rất hay cho cuộc lưu học của người ở đất nước Pháp và tính rộng ra tới việc truyền bá học thuật nước Pháp ở bên tổ quốc mình nữa”.

Không chỉ quan tâm tới giáo dục và truyền bá tư tưởng pháp luật thông qua diễn thuyết trực tiếp, TS. LS Phan Văn Trường còn truyền bá những tư tưởng tiến bộ, kiến thức pháp luật thông qua sách, báo.

Trong thời gian sống ở Việt Nam (sau khi rời Pháp), TS. LS Phan Văn Trường hoạt động rất tích cực với tờ báo tiếng Pháp nổi tiếng đương thời là La Cloche Fêlée (Chuông rè) và L'Annam (Nước Nam). Thông qua các tờ báo này, TS. LS Phan Văn Trường thể hiện là “ngòi bút sắc sảo, vốn kiến thức Đông - Tây uyên thâm, sự am tường luật pháp”…

Đến nay, những gì TS. LS Phan Văn Trường đã làm để tuyên truyền pháp luật vẫn còn giá trị kinh nghiệm cho thế hệ sau của chúng ta. Ở đây, bên cạnh việc truyền bá tinh thần cũng như nội dung pháp luật một cách trực tiếp cho dân chúng, việc tuyên truyền pháp luật qua sách, báo cũng cần tiếp tục được phát huy, đặc biệt là đối với những người gắn bó với pháp luật.

Khi nói về lòng yêu nước của TS. LS Phan Văn Trường thông qua pháp luật, chúng ta không thể không nói đến việc ông sử dụng pháp luật để phục vụ dân chúng. Sự am tường pháp luật của ông không chỉ được sử dụng vào cải cách pháp luật mà còn để giúp đỡ dân chúng. Sinh thời, TS. LS Phan Văn Trường có không ít những hành xử được kính mến thông qua việc sử dụng pháp luật giúp đỡ người dân.

Chẳng hạn, trong năm 1912, “đồng bào ta ở Paris mới phát sanh ra cái ý kiến muốn lập ra một hội ái hữu của các học sinh ta lưu học bên Pháp” và “rồi đó có hội La Fraternité tổ chức ra. Ấy là cơ quan ái hữu trước nhứt của đồng bào ta du học bên Pháp. Chính cụ Trường thảo điều lệ hội đặt tên hộ và định ra cho hội mục đích”. Ở đây, TS. LS Phan Văn Trường đã biết vận dụng kiến thức pháp luật để viết ra được điều lệ để hội có thể hoạt động phù hợp với pháp luật của Pháp thời đó.

Việc sử dụng kiến thức am tường pháp luật của TS. LS Phan Văn Trường để giúp đỡ người dân không chỉ được thể hiện ở thời gian ông sống ở Pháp. Việc này vẫn được TS. LS Phan Văn Trường tiếp tục khi về Việt Nam sinh sống. Sau khi rời Pháp về Việt Nam, ông thuê nhà số 119 đường Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), mở văn phòng luật sư tham vấn nhằm giúp đồng bào dùng luật lệ để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình.

Thực tế, dân chúng phải tuân thủ pháp luật, phải ứng xử phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai trong dân chúng cũng am tường pháp luật, hiểu biết pháp luật và dân chúng cần sự hỗ trợ của người có kiến thức pháp luật, am tường pháp luật.

Có thể thấy, tình yêu nước thông qua sử dụng pháp luật phục vụ dân chúng của TS. LS Phan Văn Trường vẫn là kinh nghiệm quý báu cho chúng ta ngày nay - thời đại mà chúng ta đang sống trong nhà nước định hướng là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.