Ts. Nguyễn Văn Cương: “Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, hệ thống pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh và nhất quán”

(PLVN) - Theo TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật nhằm tới mục đích cao nhất là vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự phát triển trường tồn của dân tộc.

Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: " Tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay" của ông về vấn đề này.

TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HOÀN THIỆN CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM HIỆN NAY

1. Quá trình nhận thức về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Như những gì chúng tôi được biết, trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW, một trong những nội dung rất được quan tâm thảo luận, trao đổi chính là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải được hoàn thiện theo những tiêu chí (hay yêu cầu) nào?

Một điểm chung đạt được sự thống nhất cao trong quá trình thảo luận khi đề cập tới việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính là yêu cầu bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong không chỉ tổ chức và vận hành bộ máy hoặc quyền lực nhà nước mà yêu cầu thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải được bảo đảm đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, tức là đối với toàn xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác định rằng, pháp luật hay hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật không có mục đích tự thân. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật là nhằm tới mục đích cao nhất là vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự phát triển trường tồn của dân tộc.

Chính vì thế, để pháp luật có được vị trí “thượng tôn”, nhờ đó mà tính tôn nghiêm của Hiến pháp và pháp luật được bảo đảm, thì pháp luật phải thực sự là sự kết tinh ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của Nhân dân, phù hợp với quy luật vận động khách quan của xã hội, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh về kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể của đất nước. Sức mạnh của pháp luật vì thế, bên cạnh việc dựa vào sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, cần phải dựa trên tính thuyết phục trong từng nội dung quy phạm.

Nói cách khác, hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, theo ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng, phải là hệ thống pháp luật có chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi hay những tiêu chí cụ thể.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam của thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị, theo đó, hệ thống pháp luật Việt Nam cần xây dựng phải đáp ứng 05 tiêu chí về mặt kỹ thuật tổ chức hệ thống pháp luật, đó là “thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch”.

Quá trình triển khai Nghị quyết 48-NQ/TW để xây dựng được hệ thống pháp luật Việt Nam suốt hơn 15 năm qua cho thấy tính đúng đắn của những yêu cầu, đòi hỏi kể trên đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng thời, cũng chính từ quá trình triển khai xây dựng Nghị quyết, chúng ta thấy rõ hơn bối cảnh, yêu cầu mới, nhất là trong giai đoạn hiện nay đối với chất lượng của hệ thống pháp luật, trong đó phải lưu ý tới các khía cạnh như: trình độ phát triển mới của đất nước ta; mức độ sâu rộng của tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (phải làm sao bảo đảm sự yên tâm, làm ăn lâu dài của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp trên mảnh đất Việt Nam, nhằm góp phần giải phóng mọi năng lực sản xuất, khơi dậy được mọi khát vọng phát triển, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam cũng là điều rất đáng được quan tâm, xử lý).

Kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện ở các quốc gia trên thế giới cho thấy, để pháp luật điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội, hệ thống pháp luật ấy phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định như: có tính quy phạm, công khai, dễ hiểu, không hồi tố, không mâu thuẫn, khả thi, không thay đổi quá thường xuyên và được áp dụng nhất quán[1]. Các đạo luật nên có tuổi thọ dài, có tính ổn định và không nên sửa đổi khi không thực sự cần thiết[2]. Trong hệ thống pháp luật phải có cơ chế để “loại bỏ những điểm mâu thuẫn, chồng chéo, dư thừa” trong hệ thống pháp luật[3].

2. Các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là có hệ thống pháp luật “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán”.

Do đó, có thể coi các yêu cầu “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán” như những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Trên cơ sở kế thừa các kết quả trong quá trình nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn để xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW mà các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thực hiện được, có thể giải mã những tiêu chí được đề cập ở trên như sau:

Thứ nhất, tính công bằng của hệ thống pháp luật: tính công bằng của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quy định của pháp luật phải phản ánh được quan niệm chung về lẽ công bằng trong xã hội, nhất là sự công bằng trong mối quan hệ giữa cống hiến, đóng góp và hưởng thụ của từng chủ thể trong xã hội, công bằng trong mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội, nhất là các chủ thể có quyền lực, bảo đảm, mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tính công bằng của hệ thống pháp luật còn đòi hỏi bảo đảm sự bình đẳng của mọi chủ thể trước pháp luật. Hệ thống pháp luật phải tạo khung khổ pháp lý cho các chủ thể phát huy hết khả năng, trí tuệ của mình đóng góp cho sự phát triển đất nước và được thụ hưởng hoặc ghi nhận tương xứng với sự đóng góp ấy.

Tính công bằng của hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi các quy định pháp luật về hành vi vi phạm mới hoặc tăng nặng trách nhiệm pháp lý không có hiệu lực hồi tố.

Thứ hai, tính dân chủ của hệ thống pháp luật: tính dân chủ của hệ thống pháp luật đòi hỏi nội dung quy định pháp luật phải thực sự phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân (các quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện), ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Tính dân chủ của hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi pháp luật phải được xây dựng (hình thành) theo phương thức dân chủ, bảo đảm sự tham gia thực chất của nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật.

Hệ thống pháp luật dân chủ cũng đòi hỏi hệ thống pháp luật phải ghi nhận đầy đủ cơ chế pháp lý để nhân dân thực sự là chủ, thực hiện được quyền làm chủ, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tính dân chủ của hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi phải loại bỏ triệt để những quy định tạo rào cản bất hợp lý cho người dân thực hiện các quyền dân chủ của mình.

Hệ thống pháp luật dân chủ cũng đòi hỏi hệ thống pháp luật phải ghi nhận đầy đủ cơ chế pháp lý để nhân dân thực sự là chủ ( Hình minh họa: Đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk thực hiện quyền cử tri.)

Thứ ba, tính nhân đạo của hệ thống pháp luật: Tính nhân đạo của hệ thống pháp luật đòi hỏi hệ thống pháp luật phải vì hạnh phúc của con người, ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội.

Tính nhân đạo của hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi có sự phân hóa trong xử lý các chủ thể có hành vi vi phạm, thiết kế các quy định về các biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm theo hướng không chỉ nhằm trừng trị người vi phạm mà còn phải quan tâm giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tính hướng thiện trong xử lý người vi phạm.

Thứ tư, tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật: Tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật đòi hỏi các văn bản quy phạm pháp luật phải sớm được ban hành để cung cấp những chỉ dẫn pháp lý cần thiết cho ứng xử của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ (nhất là những việc mà cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức được phép làm), cho ứng xử của các cá nhân, tổ chức trong xã hội (nhất là những điều cấm) để thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình.

Điều này đòi hỏi hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các vấn đề kinh tế - xã hội mới phát sinh hoặc loại bỏ các quy phạm pháp luật đã lạc hậu, không còn phù hợp, cản trở tiến trình phát triển của xã hội.

Tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời xử lý những khoảng trống pháp lý làm hạn chế hoặc phương hại cho việc thực hiện các quyền, lợi ích chính đáng, hợp hiến, hợp pháp của người dân và các chủ thể trong xã hội.

Tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật đòi hỏi bảo đảm sự song hành giữa tốc độ xây dựng pháp luật và những thay đổi trong nhu cầu điều chỉnh pháp luật phát sinh từ những thay đổi trong điều kiện kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, chính trị, văn hóa của đất nước.

Bảo đảm tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải tăng cường năng lực, chất lượng hoạt động lập pháp nói riêng và hoạt động xây dựng pháp luật nói chung, mở rộng phạm vi các nguồn pháp luật như án lệ của Tòa án, các tập quán pháp luật, các điều ước hoặc tập quán quốc tế…

Tính đầy đủ và kịp thời của hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi nâng cao năng lực phản ứng chính sách, cùng với đó, hệ thống pháp luật phải thích ứng kịp thời với những thay đổi của tình hình đất nước.

Thứ năm, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật: Tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật phải đòi hỏi các chỉ dẫn pháp lý trong hệ thống pháp luật phải rõ ràng, dứt khoát, không gây ra nhầm lẫn với các chủ thể trong xã hội.

Hệ thống pháp luật không được chứa đựng những quy định mâu thuẫn, những chỉ dẫn trái ngược nhau đối với hành vi xử sự của các chủ thể có nghĩa vụ tuân thủ.

Tính khả thi của hệ thống pháp luật đòi hỏi mọi quy định pháp luật không được chứa đựng những yêu cầu, đòi hỏi không thể thực hiện được với chủ thể có nghĩa vụ tuân thủ.

Tính công khai của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quy phạm pháp luật khi được ban hành phải được công bố rộng rãi, kịp thời để mọi cá nhân, tổ chức đều có thể biết và thực hiện.

Tính minh bạch của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quy phạm pháp luật phải có nội dung và được thể hiện bằng ngôn ngữ phổ thông, rõ ràng, dễ hiểu với đối tượng chịu sự tác động.

Tính ổn định của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quy phạm pháp luật không bị thay đổi một cách tùy tiện và không bảo đảm sự dễ tiên liệu (tính khả đoán) với các chủ thể, nhất là các đối tượng chịu sự tác động.

Tính dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quy định pháp luật phải được tập hợp, sắp xếp và lưu giữ hợp lý, thuận tiện cho việc tra cứu của cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu và tuân thủ pháp luật. Tính dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật còn đòi hỏi việc thiết kế trình tự, thủ tục thực hiện quyền của tổ chức, cá nhân trong xã hội phải thuận lợi.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật phải có các quy định tạo tiền đề phát triển các hoạt động giải thích pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, dịch vụ tư vấn pháp luật và luật sư, trợ giúp pháp lý.

Thứ sáu, tính công bằng, nghiêm minh và nhất quán trong thực hiện pháp luật: Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh và nhất quán.

Thực hiện pháp luật nghiêm minh và nhất quán chính là một trong những thước đo tính công bằng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý xã hội của Nhà nước. Việc thực hiện pháp luật nghiêm minh đòi hỏi phải coi trọng công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật đồng thời bảo đảm mọi hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật đều phải được phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời, với chế tài tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tính nhất quán trong việc thực hiện pháp luật đòi hỏi các vụ việc có tình tiết tương tự nhau phải được xử lý theo cách thức và hệ quả pháp lý tương tự nhau[4].

Ts. Nguyễn Văn Cương

Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý

***

[1] Lon L. Fuller, The Morality of Law (New Haven, CT: Yale University Press, 1964) at 39.

[2] Shirley Robin Letwin, On the History of the Idea of Law (Cambridge: Cambridge University Press, 2005) at 1.

[3] Shirley Robin Letwin, On the History of the Idea of Law (Cambridge: Cambridge University Press, 2005) at 2.

[4] Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2022, tr. 32-35.

Đọc thêm