Đảm bảo bao quát hết các trường hợp phạm tội
Luật số 12/2017/QH14 đã điều chỉnh mức định lượng tại các khoản của một số điều luật của BLHS số 100/2015/QH13 liên quan đến mức định lượng về tỷ lệ thương tích, tổn hại cho sức khỏe và các mức định lượng khác thuộc cấu thành một số tội phạm về kinh tế, môi trường, ma túy, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và một số tội khác. Đặc biệt, Luật đã điều chỉnh mức định lượng về khối lượng, thể tích các chất ma túy tại các khoản của các điều luật để tránh trùng lặp và phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử từ trước đến nay, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Đối với tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 283) và tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 284), Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi các tình tiết định lượng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác theo hướng không quy định định lượng cụ thể mức độ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà trở lại các quy định của BLHS năm 1999 là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” để đảm bảo bao quát hết các trường hợp phạm tội có khả năng xảy ra trong thực tiễn và linh hoạt trong cách xử lý tội phạm.
Tương tự như vậy, các tội danh liên quan đến vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và vật liệu nổ (các Điều 304 và 305 của BLHS), thì Luật số 12/2017/QH14 cũng đã sửa đổi các tình tiết định lượng về số lượng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật liệu nổ quy định tại các điều này theo hướng không liệt kê cụ thể từng loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và vật liệu nổ mà trở lại cách quy định của BLHS năm 1999 là sử dụng tình tiết định tính “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn” hoặc “số lượng đặc biệt lớn”.
Bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông
Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292) là một trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại mục 2 thuộc chương XXI của BLHS số 100/2015/QH13 có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tuy nhiên, nội dung quy định về cấu thành tội phạm này không phản ánh rõ mối nguy hại cho an toàn công cộng, trật tự công cộng mà thực chất đây là cấu thành tội “kinh doanh trái phép” trên môi trường mạng và xét về bản chất thì đây là một tội phạm về kinh tế nhưng lại được đặt ở chương “các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng”.
Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng Điều 292 chỉ đề cập đến một số ngành nghề. Thêm vào đó, cũng các lĩnh vực kinh doanh được nêu tại Điều 292 nhưng nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự.
Như vậy là có sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán. Xét trong bối cảnh tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ thì cũng cần bãi bỏ Điều 292 của BLHS, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Trên tinh thần đó, Luật số 12/2017/QH14 đã bãi bỏ Điều 292 của BLHS số 100/2015/QH13 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Trong thời gian qua, hành vi kinh doanh đa cấp trái phép diễn biến hết sức phức tạp, có nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhất là những người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội. Mặc dù đa số các trường hợp trên đã được xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, do việc phải chứng minh có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo thì mới xử lý được theo tội này nên khi truy cứu trách nhiệm hình sự được thì đã quá muộn dẫn đến không thể khắc phục được hậu quả. Vì vậy, Luật số 12/2017/QH14 đã bổ sung thêm 01 điều luật mới quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a).
Để triển khai thi hành BLHS số năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành BLHS năm 2015 với 07 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Được biết, việc phổ biến, tuyên truyền BLHS; tập huấn chuyên sâu, rà soát, chỉnh sửa giáo trình, tài liệu giảng dạy pháp luật... sẽ được thực hiện trong quý IV/2017 và tiếp tục trong quý I/2018.