Xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh đa cấp trái phép

(PLO) - Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (gọi tắt là BLHS năm 2015) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 thì một nội dung đáng chú ý thuộc Phần các tội phạm chính là việc bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tại phiên họp biểu quyết, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành cao phải xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh đa cấp trái phép.
Những vụ kinh doanh đa cấp trái phép như Liên kết Việt sẽ bị xử lý hình sự. (ảnh minh họa)
Những vụ kinh doanh đa cấp trái phép như Liên kết Việt sẽ bị xử lý hình sự. (ảnh minh họa)

Đa cấp sẽ phản tác dụng nếu vi phạm pháp luật

Kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, gây bức xúc trong dư luận. Thực tế nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã làm thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Hành vi phổ biến của các đối tượng là lợi dụng kinh doanh đa cấp trá hình để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như kinh doanh tiền ảo, thực phẩm chức năng, khóa học làm giàu, chăm sóc sức khỏe, bất động sản, đầu tư tài chính...

Điển hình là vụ công ty đa cấp Cộng đồng Việt đã lừa đảo, chiếm đoạt 108 tỷ đồng của 2.929 người dân; Công ty Liên kết Việt lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng của 45.000 người dân. Trong những vụ việc này, các đối tượng còn giả danh sỹ quan quân đội cao cấp, đi xe ô tô biển xanh, về các địa phương tổ chức hội thảo rầm rộ, trống dong cờ mở. Các cán bộ cơ sở ở địa phương cũng quảng cáo rất rầm rộ làm cho dân tin tưởng. Với lợi nhuận được quảng cáo là rất cao, nhiều người dân đã bị dụ dỗ.

Mặc dù đa số các trường hợp kinh doanh đa cấp trá hình đã được xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng do việc phải chứng minh có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo thì mới xử lý được theo tội này nên khi truy cứu trách nhiệm hình sự được thì đã quá muộn dẫn đến không thể khắc phục được hậu quả. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm 1 điều luật mới quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a).

Điều luật mới quy định xử lý hình sự trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung của giấy chứng nhận này nếu thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên hoặc làm thiệt hại cho người khác từ 500 triệu đồng trở lên; đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội vi phạm quy định kinh doanh đa cấp nhưng chưa xóa án tích mà tiếp tục vi phạm. Khung hình phạt tối đa của tội này là phạt tiền đến 5 tỷ, phạt tù đến  5 năm, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm…

Bỏ Điều 292 BLHS năm 2015

Đối với tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, từng có ý kiến đề nghị không bổ sung tội này vì BLHS năm 2015 bỏ tội kinh doanh trái phép tại Điều 159 BLHS năm 1999. Trong khi đó, cũng liên quan đến bỏ tội kinh doanh trái phép tại Điều 159 BLHS năm 1999, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lại bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 292 BLHS năm 2015.

Phân tích về việc bỏ tội danh tại Điều 292 BLHS năm 2015 cho biết, tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông là 1 trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại mục 2 thuộc Chương XXI của BLHS năm 2015 có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tuy nhiên, nội dung quy định về cấu thành tội phạm này không phản ánh rõ mối nguy hại cho an toàn công cộng, trật tự công cộng mà thực chất đây là cấu thành tội kinh doanh trái phép trên môi trường mạng và xét về bản chất thì đây là một tội phạm về kinh tế song lại được đặt ở Chương “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng”. 

Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng Điều 292 chỉ đề cập đến một số ngành nghề. Thêm vào đó, cũng các lĩnh vực kinh doanh được nêu tại Điều 292 nhưng nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự, còn nếu không thực hiện qua mạng thì không bị xử lý hình sự. Như vậy là có sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán. Xét trong bối cảnh tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ thì cũng cần bãi bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Trên tinh thần đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 đã bãi bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. 

Đọc thêm