Từ 9/4: hỗ trợ 4,5 triệu đồng cho người tham gia khóa đào tạo nghề du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là nội dung tại Thông tư 12/2022/TT-BTC về hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỗ trợ cho người lao động tham gia đào tạo

Theo đó, Thông tư 12/2022/TT-BTC quy định việc hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch như sau:

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo;

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 06 tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

Nhà nước cũng hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho người lao động nghề du lịch.

Thông tư 12/2022/TT-BTC cũng quy định Nhà nước sẽ hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về du lịch trong việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch ở trong nước và ngoài nước; xây dựng, triển khai đề án, dự án, chương trình về phát triển sản phẩm du lịch, mô hình phát triển sản phẩm du lịch mới ở trong nước; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và phát triển du lịch; hỗ trợ xây dựng, in ấn tài liệu phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch.

Ngoài hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu thị trường, Thông tư mới cũng quy định Nhà nước hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch trong việc triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng. Cụ thể, sẽ hỗ trợ triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, góp phần bảo đảm môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; hỗ trợ triển khai các chương trình truyền thông nhằm nâng cao ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch tại các điểm du lịch, khu du lịch.

Phải sử dụng kinh phí tiết kiệm và hiệu quả

Đáng chú ý, theo Thông tư, kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) cấp cho quỹ chỉ được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch; không được sử dụng để chi hoạt động quản lý bộ máy của quỹ và chi cho các mục đích khác. Quỹ và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được quỹ hỗ trợ kinh phí, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý và sử dụng kinh phí đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ Tài chính lưu ý, nguồn NSNN cấp cho quỹ chi được sử dụng để hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thực hiện nhiệm vụ do các tổ chức, doanh nghiệp về du lịch chủ trì, đề xuất (hỗ trợ tối đa 01 hoạt động và 01 lần trong năm);

Mức kinh phí hỗ trợ cụ thể đối với từng tổ chức, doanh nghiệp căn cứ theo dự toán kinh phí xây dựng nhiệm vụ do Chủ tịch Quỹ quyết định sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bảo đảm phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch và dự toán ngân sách được giao hàng năm.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp các nguồn đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp không bảo đảm cơ cấu và tổng mức quy định tại quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền hoặc theo hợp đồng đã ký, Chủ tịch Quỹ có trách nhiệm dừng hoặc giảm tỷ lệ giải ngân kinh phí hỗ trợ từ NSNN tương ứng với phần giảm tỷ lệ đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp; hoặc có biện pháp thu hồi phần kinh phí đã hỗ trợ trong trường hợp tỷ lệ giải ngân kinh phí hỗ trợ cao hơn tỷ lệ đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp theo quyết định phê duyệt hoặc hợp đồng đã ký ban đầu.

Thông tư 12/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/4/2022.

Đọc thêm