Nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo “Bảo vệ và phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập” vừa được tổ chức tại Bến Tre.
“Ký sinh trùng” sống nhờ vào hàng thật…
Hàng giả tại Việt Nam xuất hiện tràn lan - từ vật tư, máy móc, thiết bị, tiền, văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Các đối tượng in lậu tem nhãn, bao bì giả xuất xứ, giả các nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc làm theo đơn đặt hàng, làm đến đâu tiêu thụ đến đó, làm theo mùa vụ nên rất khó kiểm soát
Ông Trần Giang Khuê - Phó Chánh Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, công tác thực thi các quy định trong lĩnh vực này ngày càng được đẩy mạnh. Các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành đã kiểm tra, phát hiện thu giữ một lượng lớn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Nhưng hàng hoá trong các kênh bán hàng online cũng không thể kiểm soát chất lượng và đây cũng là một điều nhức nhối khi dư luận liên tục lên tiếng về chất lượng hàng hoá qua các kênh thương mại điện tử. Ví như một chiếc điện thoại Vertu có giá trị khoảng 800 triệu đồng nhưng trên một kênh bán hàng online, nó chỉ được giao bán với giá 800 nghìn đồng. Doanh nghiệp thì sợ hàng giả nhưng công cuộc phòng chống hàng giả càng trở nên khó khăn hơn khi người tiêu dùng vẫn còn xài hàng giả dù biết đó là hàng giả thật”, ông Khuê nói.
Đại diện Công ty Anh Khuê - đơn vị phân phối đồng hồ Casio Nhật Bản cho rằng, hiện nay, lực lượng thực thi việc quản lý thị trường rất nhiều nhưng tình hình hàng gian, hàng giả vẫn công khai và ngày càng gia tăng. Luật pháp đã có nhiều quy định, các chỉ đạo về phòng chống hàng giả xuất hiện nhiều, vậy để hàng giả xuất hiện tràn lan, công khai, lỗi là ở khâu nào? Đã có quy định về trách nhiệm của lực lượng Quản lý thị trường hay chưa?
Mỗi năm, Thụy Sĩ sản xuất 26 triệu đồng hồ, nhưng toàn thế giới có tới... 42 triệu chiếc quảng cáo "made in" Thụy Sĩ |
Ham của rẻ!
Thực tế, rất cần phải đưa ra quy trình cụ thể của quá trình phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại. Cần phải có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe mỗi khi phát hiện các cơ sở sản xuất bán và sản xuất hàng giả.
Trao đổi với PV, ông Trần Đình Quân - đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, những năm qua, các lực lượng như Công an, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển… bắt giữ được hàng nghìn vụ làm hàng giả, hàng nhái, xử lý hàng trăm đối tượng làm hàng giả, hàng nhái nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn phát triển là do người tiêu dùng vẫn mua, vẫn thích dùng những hàng có thương hiệu với giá rẻ. Do đó, việc truyền thông cần phải tích cực, mạnh mẽ hơn, cộng đồng cũng phải chung tay mới từng bước có thể giảm bớt hiện tượng hàng giả, hàng nhái…
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt (VATAP) cho biết, đất nước Thuỵ Sĩ mỗi năm sản xuất 26 triệu chiếc đồng hồ nhưng trên toàn thế giới, có tới 42 triệu đồng hồ được quảng cáo “made in Thuỵ Sĩ” và được bày bán rất công khai.
Việc làm hàng giả diễn ra trên toàn thế giới nhưng Việt Nam lại là đất nước tiêu thụ và sản xuất hàng giả khá lớn. “Do đó, việc chung tay bảo vệ thương hiệu Việt là việc của tất cả mọi người, từ người tiêu dùng đến các doanh nghiệp sản xuất hàng chính hãng”, Chủ tịch VATAP khẳng định.