Từ “cuộc chiến” giữa taxi Vinasun và Grab: Đừng tạo thành tiền lệ để 4.0 thành 0.4

(PLO) -  Việc VKSND TPHCM đề nghị Grab bồi thường gần 42 tỷ đồng cho Vinasun đang gây tranh cãi trong cộng đồng. Dư luận cho rằng việc yêu cầu bồi thường đó triệt hạ sự phát triển của nền kinh doanh công nghệ và “bảo kê” taxi truyền thông. Phải chăng tư duy làm luật đang lạc hậu với thời đại công nghệ, cho dù Chính phủ đang quyết tâm xây dựng đất nước theo công nghệ 4.0.
Grab xuất hiện ở Việt Nam khiến cho taxi truyền thống lao đao

Theo Luật sư Trần Duy Cảnh, Chủ tịch công ty Luật Việt một người bạn của tôi bày tỏ quan điểm: “Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của VKS TP. HCM khi cho rằng, Grab là một công ty vận tải taxi nhưng không đồng ý việc Grab phải bồi thường thiệt hại cho Vinasun.

Grab đích thị là công ty vận tải, không phải là công ty công nghệ. Viện KSND TP HCM cho rằng, phải là công ty vận tải mới có quyền điều động tài xế chạy qua chạy lại chở khách, có quyền giảm giá, khuyến mãi thậm chí về 0 đồng. Nếu không phải ông chủ, quyền gì được làm thế. Tôi không phản đối.

Grab hay Uber ra đời và hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ trong nền kinh tế chia sẻ. Nghĩa là, không sở hữu xe, ai có xe thì đưa ra kinh doanh, Grab quản lý bằng app, anh được từng này tiền nè. Ưng không? Dạ ưng. Vậy chạy đi. Thích nghỉ khi nào cũng được, không làm không có thu nhập. Ai làm nhiều được thưởng.

Sự ra đời của Uber hay Grab đã định nghĩa lại ngành công nghiệp taxi. Điểm mấu chốt là mấy 'ông' làm luật bây giờ lại thuộc “đời 0.4” nên soạn dự thảo Nghị định thay đổi NĐ 86 vẫn chả có gì 4.0 như Chính phủ yêu cầu cả.

Nghĩa là đứng một chỗ, tụi mày đi đâu thì đi, tau vẫn đứng đây níu lại, vững vàng.

Tòa sẽ quyết định như thế nào trong bản án vào ngày 29/10 tới? Có thể trong nhận định sẽ đồng ý với quan điểm của VKS, Grab là cty vận tải nhưng bác yêu cầu của nguyên đơn vì không có căn cứ pháp luật”.

Còn Luật sư Lương Vân Trung - Trọng tài viên của VIAC - đã đưa ra nhiều câu hỏi cho vụ án.

Ông Trung cho rằng: Căn cứ để chứng minh một yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gồm 3 yếu tố:

Có hành vi trái luật; Có thiệt hại đã xảy ra và Có mối quan hệ nhân quả (trực tiếp) giữa hành vi trái luật và thiệt hại đó.

Xét ba yếu tố này ta cần xem xét và thấy: Grab có hành vi kinh doanh trái luật hay không? Grab hoạt động ngoài chương trình thí điểm của Bộ GTVT không? Grab có đăng ký kinh doanh phù hợp với chương trình thí điểm, luật doanh nghiệp và các luật liên quan không?

Nếu hai câu trả lời trên là có, vậy Grab đã vi phạm những gì khi hoạt động đúng những nội dung đó, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền chưa?

Nếu câu trả lời cho câu hỏi là chưa? Cơ quan nào khác hay Tòa án hoặc VKS có quyền kết luận? Cơ sở pháp lý nào?

Thiệt hại về giảm lợi nhuận của Vinansun có phải là thiệt hại chỉ liên quan đến hoạt động kinh doanh taxi không? Ta hãy giả định là đúng để chuyển sang vấn đề thứ ba.

Đó là, để xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật của Grab như ở giả định trên là có, cần xem những vấn đề sau:

Doanh thu từ hoạt động taxi của Grab chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng doanh thu của Grab?

Doanh thu từ các dịch vụ xe chở khách theo hợp đồng chiếm bao nhiêu phần trăm trong doanh thu của Grab?

Trong tổng số các chuyến xe của Grab, có bao nhiêu chuyến thu phí hay khuyến mại đúng luật và sai luật?

Trong thời gian Vinasun bị sụt doanh số dẫn đến thiệt hại, còn có các công ty khác gây ảnh hưởng hay không và tỷ trọng thế nào, như Uber chẳng hạn? Và câu hỏi lại tương tự như ở trên.

Ngoài ra, sự cạnh tranh của các hãng taxi truyền thống và xu hướng sử dụng dịch vụ hay thói quen đi lại (như sử dụng phương tiện cá nhân, công cộng như xe buýt) dẫn đến việc sụt giảm doanh số của Vinasun cũng cần được xem xét.

Về lập luận là Grab hoạt động như taxi vì có quyền quy định phí, thưởng, phạt...cần xác định việc nhà cung cấp dịch vụ có quyền quyết định những vấn đề đó với nhà môi giới dịch vụ. Nhà môi giới dịch vụ có quyền thỏa thuận về quyền đó khi cung cấp dịch vụ môi giới cho bên cung cấp dịch vụ nếu bên cung cấp dịch vụ chấp nhận cuộc chơi.

Tuy so sánh khá khập khiễng nhưng nhiều trang thương mại điện tử, sàn giao dịch chứng khoán và ngay các chợ đầu mối vẫn có quyền đưa ra các quy tắc đối với người tham gia vào mạng lưới hay chợ của họ. Do vậy, đánh đồng một bên cung cấp dịch vụ môi giới khi có quyền áp đặt quy tắc thành bên cung cấp dịch vụ là hết sức khiên cưỡng”.

Từ phiên tòa này đặt ra cho người tiêu dùng một câu hỏi đơn giản rằng Vinasun kiện để làm gì, tại sao họ không theo kịp Grab, họ không có chính sách kinh doanh như Grab để cạnh tranh mà họ đi vào tư duy truyền thống cũ kỹ (Taxi là phải có mào) và khi họ không đấu lại được lại nhờ cậy vào cơ quan tố tụng để phán quyết?

Họ không đặt câu hỏi cho mình: Tại sao mình thua thiệt Grab? Để khi đặt câu hỏi đó tư duy sẽ phát triển theo hướng tích cực.

Một kẻ thấp hơn phải kéo cho họ lên cao, giúp họ cạnh tranh với kẻ đang mạnh, đằng này nhận định của VKS TP HCM đang kéo kẻ cao lùi xuống với kẻ thấp để tất cả cùng tiến.

Đó là tư duy quan liêu, bao cấp chúng ta đã xóa bỏ từ lâu.

Cơ quan luật pháp phải hỗ trợ doanh nghiệp việc kinh doanh lan tỏa những điều tốt đẹp, những dịch vụ hấp dẫn, cạnh tranh để phục vụ cộng đồng và không thể lấy cái yếu kém về trình độ kinh doanh, sự hạn chế của luật khi thiếu thực tiễn để đẩy lùi sự phát triển của công nghệ.

Truyền thống không phải điều gì cũng tốt đẹp, có những thứ cần xóa bỏ để xây dựng một đời sống văn minh, tiện nghi hơn, hợp lý hơn. Ủng hộ cái cũ đã lạc hậu, chôn vùi cái mới tiện ích là làm lỡ cơ hội phát triển của đất nước.

Đọc thêm