Từ hôm nay đi bộ không cẩn thận cũng bị công an phạt

(PLO) - Từ hôm nay (1/2), những người đi bộ sai luật sẽ chính thức bị xử phạt. Điều này hứa hẹn sẽ góp phần tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hình thành nền tảng, thói quen tôn trọng Luật Giao thông đường bộ cho người dân.
Từ hôm nay đi bộ không cẩn thận cũng bị công an phạt
Tai nạn giao thông vì va vào người đi bộ
Theo đó, để tập trung xử lý hiệu quả các trường hợp vi phạm, lực lượng Cảnh sát Giao thông Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra, xử lý đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông tại các khu vực là nút giao thông trọng điểm, có đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn và cầu vượt cho người đi bộ, trên các tuyến cấm người đi bộ… 
Theo thống kê mới nhất của đơn vị này, hiện việc xử lý người đi bộ vi phạm giao thông đang bị “bỏ quên”. Bởi vậy, chỉ riêng trong năm 2015, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 1.696 vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó TNGT liên quan đến người đi bộ xảy ra 112 vụ, TNGT do người đi bộ gây ra 33 vụ. Điều này cho thấy, người đi bộ kém ý thức đang gây ra những bất ổn trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nếu không kịp thời xử lý, chấn chỉnh sẽ là ẩn họa gây TNGT. 
Cần phải nhấn mạnh rằng, phần lớn các vụ tai nạn liên quan đều xuất phát do người đi bộ tùy tiện băng qua đường khiến phương tiện giao thông không xử lý kịp, gây nên va chạm với người đi bộ. Hay cũng đã từng có không ít trường hợp người điều khiển phương tiện phải tránh người đi bộ mới gây nên va chạm với các phương tiện khác cùng lưu thông. 
Trên thực tế, vấn đề xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông không phải lần đầu tiên được đưa ra. Hơn nữa, cách đây ít năm cũng đã có nhiều trường hợp người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị đem ra xét xử, xử phạt. Cụ thể, vụ án liên quan lần đầu được đưa ra xét xử tại tỉnh Hưng Yên. 

Khoảng tháng 11/2009, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào, Hưng Yên đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Dương (SN 1990) mức án 9 tháng tù treo, 18 tháng thử thách vì hành vi cản trở giao thông đường bộ. Theo đó, căn nguyên xuất phát từ sự việc Dương đột ngột băng qua quốc lộ khiến xe mô tô của anh Tạ Đức Cường (SN 1990, trú tại Tân Yên, Bắc Giang) không thể xử lý kịp, gây ra va chạm. 

Vụ TNGT khiến anh Cường tử vong. Trước đó ít năm, tháng 8/2004, Tòa án nhân dân quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cũng đã tuyên phạt 9 tháng tù treo với một nữ bị cáo tội về cản trở giao thông đường bộ. Theo đó, người này cũng là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn bởi hành vi băng qua đường khiến người điều khiển phương tiện cùng thời điểm không kịp xử lý gây tai nạn, chấn thương sọ não. 

Người đi bộ cũng cần được bảo vệ

Trên thực tế, hiện Hà Nội đã đầu tư xây dựng khá nhiều cầu vượt bộ hành, kiện toàn hệ thống các vạch sơn băng qua đường dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, tình trạng người bộ hành vi phạm TTATGT vẫn còn tồn tại. 

Điển hình dễ thấy nhất là tại một số khu vực trước cổng bệnh viện, trường học ở các trục đường huyết mạch như Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi… mặc dù ở những khu vực này phần lớn đã được lắp cầu vượt bộ hành nhưng người đi bộ vẫn ngang nhiên băng qua đường. 

Thậm chí, nhiều đoạn gần bến xe, thuộc khu vực đường Giải Phóng suốt nhiều năm nay không ít người vẫn thản nhiên trèo lên hàng rào chắn để băng qua đường giữa làn xe cộ đông đúc. Khách quan nhìn nhận, sở dĩ vẫn còn tình trạng người bộ hành vi phạm TTATGT chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành luật giao thông của họ chưa cao. 
Hay nói cách khác, từ trước đến nay, một bộ phận người đi bộ thường tự cho mình cái quyền được đi sai luật, đi không đúng phần đường, qua đường không quan sát các phương tiện tham gia giao thông, coi quốc lộ như đường nhà mình nên cứ “vô tư” đi. Khi có sự va quệt hay tai nạn xảy ra, phần đúng luôn thuộc về người đi bộ và những phương tiện trót va chạm vào họ đều phải chịu thiệt thòi. 

Tuy nhiên, cho đến nay việc xử phạt liên quan đến các hành vi người đi bộ sai quy định hiện vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông vẫn chưa thực sự đồng bộ, nhiều tuyến đường vạch sơn mờ nhạt, không thấy rõ, ở một số nơi hầu như không có vạch sơn dành cho người đi bộ, hoặc bị ô tô ngang nhiên đỗ chèn lên vạch. 

Khoảng cách giữa các vạch sơn để cho người đi bộ qua đường cách xa nhau nên gây ra tình trạng bất tiện. Phổ biến và đáng lưu tâm nhất hiện nay là nhiều tuyến đường, vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán, làm bãi giữ xe khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, lực lượng CSGT sẽ xử phạt người đi bộ vi phạm với các mức: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. 

Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm như: Mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy. 

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, duy trì đường cao tốc.

Đọc thêm