Ngân hàng “mở cửa” cho vay
Trong khi tâm điểm thị trường bất động sản đang dồn về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho nhà thương mại giá rẻ, nhà thu nhập thấp vốn được giải ngân ít vì thủ tục chặt chẽ và nguồn cung có hạn thì mới đây, Vietcombank - một trong 5 ngân hàng được chỉ định thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng - đã đem đến cho những người có nhu cầu mua nhà một thông tin hấp dẫn với gói sản phẩm cho vay bất động sản gồm 3 sản phẩm: cho vay xây sửa nhà, ngôi nhà mơ ước và gia đình thịnh vượng. Thời hạn cho vay tối đa của các sản phẩm trong gói thấp nhất là 10 năm và cao nhất lên tới 15 năm, giá trị khoản vay lên tới 70% giá trị tài sản bảo đảm.
Nói là hấp dẫn bởi các ngân hàng thương mại nhà nước thường khá kém linh động trong việc thiết kế các sản phẩm mới thu hút được đông đảo khách hàng bình dân. Khi tung ra gói sản phẩm này, Vietcombank cũng nêu điều kiện cụ thể, theo đó, các khách hàng tuổi không quá 45 (đối với sản phẩm ngôi nhà mơ ước) và 60 (đối với cho vay xây sửa nhà, gia đình thịnh vượng) đồng thời thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng (đối với sản phẩm vay xây, sửa nhà), 10 triệu đồng (đối với sản phẩm ngôi nhà mơ ước), 20 triệu đồng (đối với sản phẩm gia đình thịnh vượng)/tháng trở lên có thể vay theo gói sản phẩm này.
Đặc biệt, Vietcombank cho phép khách hàng dùng chính tài sản mua/xây/sửa để thế chấp, tức là thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Đây là một điểm mới của sản phẩm so với các sản phẩm cho vay bất động sản không phải là nhà dự án, nhà ở xã hội thương mại hiện có trên thị trường. Linh động hơn, ngân hàng này còn đồng ý giải ngân ngay cho khách hàng khi ngôi nhà dự định làm tài sản thế chấp đang thực hiện sang tên đổi chủ theo các điều kiện tại “thỏa thuận ba bên” được ký giữa ngân hàng, khách hàng và người bán.
Các gói tín dụng rất “săn đón” mà ngân hàng đưa ra lúc này càng củng cố nhận định rằng ngân hàng đang “bí” đầu ra. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước dỡ bỏ quy định hạn chế cho vay lĩnh vực phi sản xuất vào năm 2012, đây là thời điểm các ngân hàng có thể đẩy mạnh tín dụng nhà ở do lãi suất đã thấp hơn và giá nhà cũng giảm hơn, phù hợp với điều kiện của nhiều người. “Tín dụng cho vay doanh nghiệp vẫn đang bị nghẽn, trong khi đó, nhu cầu nhà ở thực sự của người dân vẫn rất lớn. Dự kiến năm nay, lãi suất có thể giảm thêm 1-2%, càng có cơ hội cho khách vay tiền mua nhà” - vị này nói.
Sẽ giảm lãi suất từ hôm nay
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dự kiến từ hôm nay - 17/3, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ các mức lãi suất chỉ đạo. Theo đó, đưa trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ xuống còn 6%/năm so với mức 7%/năm hiện nay, lãi suất tái cấp vốn cũng được hạ xuống mức 6,5%/năm so với mức 7%/năm. Lãi suất huy động ngoại tệ USD cũng giảm xuống mức 1%/năm.
Sau khi Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất cộng với việc các ngân hàng thương mại đã liên tiếp hạ lãi suất huy động và cho vay, động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lần này hoàn toàn không bất ngờ. Trên thực tế, lãi suất huy động tiền đồng đã được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh ngay từ thời điểm sau tết, chủ yếu rơi vào các kỳ hạn ngắn 1-2 tháng.
Cho đến các ngày gần đây, thậm chí lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng cũng được điều chỉnh giảm. Trong vòng 1 tháng, lãi suất huy động của Sacombank được thay đổi ba lần, lần gần đây nhất là từ ngày 11/3 với mức lãi suất thay đổi giảm còn 6,25% và 6,3% (kỳ hạn 1-3 tháng). Tại Eximbank, sau điều chỉnh hôm 12/3, lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này hiện chỉ còn 8% (được áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên), 7,7% (kỳ hạn 18 tháng), 5,9% (kỳ hạn 1 tháng). Theo tìm hiểu của chúng tôi, khách hàng gửi tiết kiệm không còn phàn nàn nhiều về việc giảm lãi suất mà đang có xu hướng chuyển từ gửi ngắn hạn sang gửi dài hạn để được hưởng lãi suất cao hơn.
Động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cũng là điều dễ hiểu vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% cũng gây áp lực buộc các ngân hàng phải nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh cho vay ra. Việc hạ lãi suất lần này có thể giúp các ngân hàng giảm thêm từ 1-2% lãi suất cho vay với các doanh nghiệp, giúp phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khi kinh tế đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi.