Ám ảnh của ngư dân
Nhắc đến vụ chìm tàu vào sáng 18/1 vừa qua, người dân làng chài vùng biển Thuận An vẫn chưa khỏi bàng hoàng, xót xa khi tàu cá TTH-26669 TS đang trên đường đánh bắt cá trở về, khi đến cửa biển Thuận An thì bất ngờ mắc cạn, chết máy. 5 thuyền viên và con tàu đều bị nhấn chìm khiến cho 4 ngư dân trên tàu bị thiệt mạng, trong đó có một người mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy xác. Nguyên nhân của vụ chìm tàu này được xác định là do cửa biển cạn dẫn đến thuyền chết máy.
Là người trực tiếp chỉ đạo trục vớt con tàu bị chìm, Thượng tá Lê Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mấy năm trước ở cửa biển này cũng thường xảy ra vài vụ chìm tàu, tuy nhiên không có thiệt hại về người, vụ chìm tàu vừa qua để lại hậu quả nặng nề nhất. Cũng theo Thượng tá Phương, luồng nước cảng Thuận An hay thay đổi, kéo theo luồng lạch cạn bất ngờ, nhất là vào mùa mưa, sóng lớn, luồng nước đục nên các tàu ra vào cảng khó xác định được vị trí bồi lấp để tránh dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm -Trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, người đã từng nhiều năm gắn bó với vùng biển này cho biết, việc luồng vào cảng Thuận An bị bồi lấp xuất hiện từ nhiều năm nay nhưng với mức độ ổn định, không gây trở lại lớn. Nhưng hai năm trở lại đây, sự thay đổi, dịch chuyển luồng xảy ra thường xuyên khiến cho việc đánh bắt cá của ngư dân thiệt hại nặng nề vì không ra khơi được.
Thượng tá Tâm cho hay: “Sau khi vụ tàu cá TTH-26669 bị chìm, đúng một tuần sau (ngày 25/1), thấy trời yên, biển lặng chúng tôi làm thủ tục cho hơn 30 chiếc tàu đánh bắt xa bờ của xã Phú Thuận, huyện Phú Vang ra khơi. Nhưng khi ra gần đến cửa biển thì buộc phải quay vào vì phát hiện luồng bị cạn”.
Ông Trần Lực- một chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phú Thuận bộc bạch: “Nếu phát hiện luồng cạn mà vẫn tiếp tục cho tàu chạy thì chắc chắn tàu sẽ chết máy. Khi chết máy, thân tàu sẽ bị nghiêng nên chỉ cần gặp cơn sóng nhỏ tàu sẽ bị lật. Để chuẩn bị cho một lần đi biển, chúng tôi chuẩn bị cho mỗi thuyền như dầu, đá, thức ăn phải mất ít nhất 5 triệu đồng, mỗi tháng có hàng chục tàu sau khi chuẩn bị xong ra cửa biển đều quay về lại thiệt hại rất lớn”.
Ông Võ Văn Trực - chủ tàu xa bờ ở xã Phú Thuận cho biết, luồng chạy tàu của cảng Thuận An theo thông báo rộng 60m nhưng thực tế chỉ rộng khoảng 20-30m do bị bồi lấp nặng, chiều sâu của luồng nhiều chỗ chỉ khoảng 1m. “Luồng chạy tàu này không khác nào cái bẫy nên chỉ cần thiếu may mắn là tàu của chúng tôi bị mắc cạn và bị sóng đánh chìm” – ông Trực cho hay.
Tàu chở hàng cũng điêu đứng
Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm phân tích, thường sau mỗi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới thì luồng nước thay đổi ít nhất là hai lần. Trước bão, luồng đi thường theo hướng Bắc và sau đó chuyển hướng Đông-Bắc, chệch về cửa biển Thuận An. Nếu không đủ các thiết bị để dự báo thì sẽ rất khó khăn. Được biết, trước thực trạng trên, đầu tháng 1/2014, sau khi khảo sát luồng, Cục Đảm bảo Hàng hải đã thả phao báo hiệu cho các tàu chở hàng biết vị trí để cho tàu vào nhưng chỉ với tàu có độ cao 2,5m, còn lại đều không vào được.
Theo số liệu từ Cảng vụ Thuận An, từ đầu năm 2014 đến nay, cảng này chỉ đón 2 tàu sắt chở hàng vào cập cảng, đó là tàu Huế 18 và Đông Hải 02. Trong đó, tàu Đông Hải 02 chở 1.000 tấn than từ Quảng Ninh vào Huế để nhập hàng. Nhưng do luồng cạn nên tàu này buộc phải xả hơn 600 tấn hàng tại cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) sau đó mới vào được. Việc phải “xả” hàng như vậy theo phản ánh của một số chủ tàu là rất mất thời gian, tốn kém nhiều chi phí.
Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm nhận định, nếu cửa biển Thuận An cứ liên tục bồi lấp mà các cơ quan chức năng không có giải pháp hữu hiệu thì trong tương lai, khó có tàu hàng lớn cập cảng, bởi hiện nay đa số các tàu hàng đều có tải trọng trên 1000 tấn.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Ân Định - Giám đốc Cảng vụ Thuận An cho biết: Việc cửa biển Thuận An bị bồi lấp ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông của các phương tiện đường thủy cũng như đánh bắt cá của ngư dân. Hàng năm, chúng tôi vẫn có kế hoạch nạo vét nhưng hiện tượng bồi lấp ngày càng nhiều mà kinh phí ít nên việc khơi thông chưa được bảo đảm. Hiện, chúng tôi đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và tỉnh đã có báo cáo với Cục Hàng hải để xin kinh phí nạo vét nhưng hiện vẫn chưa có hồi âm từ Cục. Dự kiến kinh phí để nạo vét lần này là 10 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PLVN, từ năm 2007 đến nay, luồng chạy tàu của cảng Thuận An đã rất nhiều lần được Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư nạo vét, kinh phí mỗi lần lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, sau mỗi lần nạo vét, luồng cảng lại cạn như cũ nên lãng phí rất lớn. Nhiều ngư dân cho rằng, nguyên nhân của tình trạng nạo vét xong lại cạn là do phương án nạo vét quá bất cập.
“Nạo vét phải rộng, cát nạo vét từ luồng cảng không nên đổ ra cửa biển như thời gian qua mà phải đổ ở vị trí khác và xa hơn chứ đổ trước cửa biển như vậy cát sẽ bị sóng đánh lấp vào luồng chạy tàu như cũ...” - ngư dân Nguyễn Xuyến (thị trấn Thuận An) nêu ý kiến.
Theo tìm hiểu, mặt hàng xuất đi tại cảng Thuận An chủ yếu là titan và bột sắn, còn hàng nhập về là than. Việc luồng vào cảng Thuận An bị bồi lấp đang gióng lên hồi chuông báo động, nếu các cơ quan chức năng không có giải pháp hữu hiệu để nạo vét sẽ gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế địa phương và của ngư dân.
Trung bình mỗi năm có khoảng 26.000 lượt tàu thuyền với khoảng hơn 126.000 thuyền viên ra vào cửa biển Thuận An. Trong đó, có đến 2/3 số lượng tàu ngoại tỉnh của các địa phương như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Quảng Bình…