Lan Châu Tân Khu, mọc lên giữa vùng đồi núi khô cằn ở phía tây bắc Trung Quốc, là hiện thân của hai giấc mơ lớn mà Bắc Kinh ấp ủ. Chính quyền nước này mong muốn nó sẽ là bệ phóng để đưa khu vực nghèo kém phía tây Trung Quốc lột xác thành một lãnh địa kinh tế chủ lực thông qua việc đổ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, những người hoạch định chiến lược Trung Quốc cũng nhắm tới mục tiêu biến nơi đây thành một trung tâm kinh tế của châu Á thông qua việc phục dựng Con đường Tơ lụa từ thời cổ đại, theo Washington Post.
Sáng kiến "hướng Tây"
Hàng trăm ngọn đồi trên cao nguyên Hoàng Thổ khô nóng, phủ đầy cát, đã bị những chuyến xe ủi san phẳng để tạo nên ở đây một thành phố rộng tới 815km2. Thế nhưng giờ đây những chiếc cần trục vẫn nằm im lìm trong các khu công nghiệp dở dang. Những khu nhà chung cơ mới xây trông rất bắt mắt nhưng trống không. Hầu hết đường phố đều vắng bóng người.
Các chuyên gia nước ngoài cho biết dự án Lan Châu Tân Khu là minh chứng cho những sai lầm trong mô hình kinh tế Trung Quốc.
"Hướng đi của Cam Túc song song với hướng đi của Trung Quốc. Đó chính là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và đầu tư ồ ạt vào các dự án không mang lại hiệu quả kinh tế", Rodney Jones, người sáng lập công ty tư vấn kinh tế vĩ mô Wigram Capital Advisors, trụ sở ở Bắc Kinh, nhận xét. "Giờ đây, Trung Quốc đang đối mặt với hai cú sốc: phải dừng tăng trưởng tín dụng và giải quyết các khoản nợ xấu đi đôi với tìm cách phát triển nền kinh tế khi cơn bùng nổ tín dụng qua đi".
Trung Quốc phát động sáng kiến "hướng Tây" từ đầu thiên niên niên kỷ nhằm rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa vùng duyên hải phát triển mạnh ở phía đông với vùng phía tây nằm sâu trong lục địa. Họ đổ tiền xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng hiện đại và tập trung khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Nó còn được thúc đẩy hơn nữa khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên kế hoạch khôi phục Con đường Tơ lụa, tuyến giao thương cổ đại trên vùng sa mạc nằm giữa phương Đông và phương Tây.
Trung Quốc đã đầu tư khoảng 10 tỷ USD để giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm hệ thống đường bộ, đường sắt cùng một sân bay mở rộng cho dự án Lan Châu Tân Khu.
Chính quyền nước này dự kiến thành lập một khu mậu dịch tự do và một trung tâm hậu cần nhằm tận dụng lợi thế nằm trên Con đường Tơ lụa mới của thành phố. Theo kế hoạch, những khu công nghiệp dành cho các ngành sản xuất ôtô, trang thiết bị, hóa dầu và y học cổ truyền sẽ mọc lên và tạo ra đủ việc làm nuôi sống thành phố một triệu dân này vào năm 2030.
Chật vật tìm kiếm nhà đầu tư
Trong một chuyến thăm gần đây do chính quyền tỉnh Cam Túc tổ chức, các phóng viên được dẫn đi tham quan một nhà máy sản xuất máy móc hạng nặng của tập đoàn nhà nước Lanzhou LS Group và một nhà máy sản xuất nhựa polymer của công ty tư nhân Scisky. Lãnh đạo Scisky nói họ hy vọng có thể tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu thô tại địa phương và xuất khẩu hàng sang Trung Á và châu Âu.
Xu Dawu, phó bí thư Lan Châu Tân Khu, cho hay khoảng 150.000 người đang sống ở đây cùng với 40.000 công nhân xây dựng nhưng con số này dường như mâu thuẫn với cảnh tượng vắng vẻ ở nơi này.
Thực tế là dù đưa ra cam kết giá đất rẻ, miễn giảm thuế và cung cấp các khoản hỗ trợ lớn, Lan Châu Tân Khu vẫn chật vật trong việc thu hút nhà đầu tư và người dân đến sinh sống. Nhìn vào tỷ lệ căn hộ trống ở Lan Châu Tân Khu, chuyên gia Yan Yuejin thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển E-House China tại Thượng Hải kết luận dự án đã thất bại.
Ngay cả ông Xu Dawu cũng thừa nhận dự án "có vấn đề". "Lan Châu là một thành phố rất quan trọng trên Con đường Tơ lụa nhưng nó nằm kẹp giữa hai ngọn núi có con sông chảy vắt qua", ông nói. "Chúng tôi cần thoát khỏi Lan Châu và tìm một không gian lớn hơn" nếu muốn lôi kéo thêm nhiều ngành sản xuất từ phía nam. "Trong trường hợp vẫn không hiệu quả, ít nhất chúng tôi có thể phát triển ngành nông nghiệp hiện đại".
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc đánh giá Cam Túc đang phạm phải những sai lầm kinh tế cơ bản là đầu tư vào ngành công nghiệp nặng trong bối cảnh năng suất toàn cầu dư thừa và xây dựng cơ sở hạ tầng trong khi điều cần thiết hiện nay là giảm nợ.
"Đây chẳng qua là sao chép mô hình phát triển cũ mà không xem xét đến tình hình thực tế của địa phương", giáo sư kinh tế Ding Wenfeng từ Học viện Quản trị Trung Quốc, nhận xét. Ông kêu gọi chính phủ dừng khẩn cấp dự án.
"Đô thị hóa và hiện đại hóa là hai quá trình xảy ra một cách tự nhiên. Bạn không thể thúc ép nó hoặc phát triển 1.000 địa điểm theo cùng một mô hình", ông phân tích.
Giáo sư Khoa học Môi trường Bao Cunkuan thuộc Đại học Phục Đán, Thượng Hải, đồng tình với ý kiến trên, đồng thời thêm rằng để tồn tại và phát triển, các tỉnh nghèo ở tây bắc Trung Quốc như Cam Túc thường "xuất khẩu" lao động đến các vùng giàu có hơn chứ không thu hút lao động đổ về đây.
"Người dân sẽ không ủng hộ. Nếu nơi này không đủ tốt, sẽ không ai đến cho dù bạn có xây bao nhiêu tòa nhà đi nữa. Vốn và các nguồn lực sẽ được phân bổ đến nơi mà người ta tới làm việc", ông Bao quả quyết.
Vấn đề nghiêm trọng
Cam Túc có thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 4.000 USD và ít giao thương với bên ngoài. Tăng trưởng của tỉnh này chủ yếu dựa vào ngành khai thác khoáng sản kim loại cùng các khoáng sản khác cũng như bất động sản. Tuy nhiên, tỉnh Cam Túc đang hứng chịu những tác động tiêu cực từ tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và cú lao dốc giá cả hàng hóa toàn cầu.
Nỗ lực đổ tiền đầu tư của Cam Túc để tìm kiếm thịnh vượng chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề mà họ gặp phải, chuyên gia nhận định. Năm ngoái, tổng nợ của tỉnh này tăng khoảng 50 tỷ USD trong khi GDP chỉ đạt 100 tỷ USD, theo tính toán của công ty tư vấn Wigram Capital Advisors.
Mặc dù ồ ạt bơm tín dụng, GDP danh nghĩa của Cam Túc vẫn giảm 1% trong năm ngoái. Mặt khác, tỷ lệ nợ/GDP đã tăng lên mức 200% so với mức 90% của năm 2009.
Cam Túc thực chất không phải là một trường hợp cá biệt, theo Washington Post. Ý tưởng xây dựng các đô thị mới có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Thượng Hải xây dựng thành công quận mới Phố Đông, hay còn gọi là Phố Đông Tân Khu vào thập niên 1990.
Dự án này đã biến các bãi đất nông nghiệp thành những tòa nhà chọc trời nằm bên bờ đông của sông Hoàng Phố. Song thành công của Thượng Hải lại là ngoại lệ.
"Ai cũng muốn xây dựng các thành phố mới. Họ nghĩ có thể sao chép mô hình Phố Đông ra khắp Trung Quốc. Nhiều tỉnh không xây dựng chiến lược dựa trên các lợi thế của họ. Tạo dựng một thành phố mới ở Cam Túc hoàn toàn không hợp lý", chuyên gia Rodney Jones từ Wigram Capital Advisors nhận xét.
Ngoài ra, Lan Châu Tân Khu còn gặp phải một loạt vấn đề khác. Trong một bài viết đăng trên tạp chí khoa học Nature năm 2014, ba nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo về tác động môi trường của dự án này. Họ cho rằng ý tưởng "dọn núi" để xây đô thị đã không được cân nhắc đúng mức và ví hành động trên không khác nào thực hiện "một ca đại phẫu trên lớp vỏ Trái Đất".
Trao đổi với nhật báo China Business News vào tháng 11 năm ngoái, học giả Gao Ying từ Học viện Khoa học Môi trường Thượng Hải nhận xét các nhà máy hóa dầu dự kiến xây dựng ở Lan Châu Tân Khu có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời tiêu thụ một lượng nước khổng lồ. Điều này là bất hợp lý đối với một khu vực khô cằn như Cam Túc.
Giáo sư Bao cho rằng những sách lược cũ thậm chí còn có thể khiến các vấn đề trầm trọng thêm. Ông ví cách tiếp cận này chẳng khác nào "uống thuốc độc khi bạn đang khát nước".