Từ nghệ thuật gốm Chăm đến những vườn nho Ninh Thuận là sức mạnh nội sinh để phát triển

(PLVN) - Tối ngày 15/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể” và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Lãnh đạo TW và địa phương tham dự buổi lễ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Lãnh đạo TW và địa phương tham dự buổi lễ.

Cùng dự Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể” và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023, có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Chính phủ; cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, các đoàn khách trong nước và quốc tế...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và cộng đồng người Chăm nhiều năm qua đã bền bỉ, kiên trì, tâm huyết cùng nhau gìn giữ, bồi đắp, trao truyền và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới; đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Phó thủ tướng nhắn nhủ: Di sản văn hóa Nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Chúng ta cùng có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy, tạo sức sống mới cho di sản.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Về Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023 chính là cơ hội để tôn vinh những người nông dân, doanh nhân, nhà khoa học; đồng thời cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác, quảng bá đưa thương hiệu nho - vang Ninh Thuận ra thị trường trong nước, thế giới; theo thời gian sẽ trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất và người Ninh Thuận.. Lễ hội cũng mang đến cho du khách những trải nghiệm về vẻ đẹp thiên nhiên, hiểu biết sâu sắc thêm về các giá trị văn hóa, ý chí vươn lên trong khó khăn thử thách của đồng bào các dân tộc Ninh Thuận; để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Để khai thác những tiềm năng, tận dụng cơ hội, chuyển hóa được những thách thức đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, Phó thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh cần tạo những đột phá về quy hoạch, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo, năng lượng tái tạo. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng kết nối để nâng cao năng lực cạnh tranh của Ninh Thuận; thu hút doanh nghiệp, khai mở tiềm năng du lịch, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển. Mở đường cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh đến với thị trường trong nước và quốc tế.

"Ninh Thuận cần khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, liên kết công nghiệp, dịch vụ, đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật; hình thành các hệ sinh thái công nghiệp năng lượng xanh; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chủ động thích ứng với tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu. Chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đón đầu các làn sóng đầu tư mới, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế dựa vào tri thức và những định hướng ưu tiên phát triển của địa phương. Đặc biệt, Ninh Thuận phải định vị được những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có, làm nền tảng để khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, khát vọng cống hiến trong từng người dân, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của địa phương." - Phó thủ tướng chỉ đạo.

Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận nhận bằng ghi danh của UNESCO.

Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận nhận bằng ghi danh của UNESCO.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, từ nghệ thuật gốm Chăm đến những vườn nho Ninh Thuận cho thấy các giá trị văn hóa được bồi đắp lâu dài, bền bỉ trong đời sống hàng ngày của người dân sẽ trở thành “nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận cần có những kế hoạch cụ thể, thiết thực trong gìn giữ, bảo tồn, chấn hưng, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tạo lập môi trường văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là trong không gian văn hóa gia đình và cả trên không gian mạng. Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần chung tay gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn đồng hành trong mọi bước đường phát triển của dân tộc, đóng góp và làm giàu cho văn hóa thế giới.

Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nay, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận còn duy trì nghề thủ công làm gốm truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và làng gốm Bình Đức, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Sản phẩm gốm Chăm được sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng cũng như làm quà tặng, trang trí các công trình nghệ thuật. Nghề làm gốm của người Chăm không chỉ đơn thuần là kỹ thuật sản xuất, tạo ra sản phẩm cụ thể mà ở đó hội tụ, chứa đựng rất nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm được trao truyền từ đời này qua đời khác tạo thành một nghệ thuật, đó là “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”. Với những giá trị được ghi nhận từ Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, ngày 29-11-2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu khai mạc lễ hội.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu khai mạc lễ hội.

Bên cạnh đó, cây nho là một trong những loại cây đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận được tổ chức đầu tiên vào năm 2014; từ đó trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận, được tổ chức hai năm một lần nhằm mục đích xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc, tôn vinh người trồng nho và giá trị cây nho cũng như các sản phẩm từ nho.

Chương trình diễn ra từ ngày 13 đến hết ngày 18-6 với 12 hoạt động về văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, hấp dẫn, quy mô lớn.

Chương trình nghệ thuật tại lễ hội.

Chương trình nghệ thuật tại lễ hội.

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận nhận bằng vinh danh của UNESCO. Sau cùng với đó là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.

Đọc thêm