Nhiều trẻ thích tự làm đau bản thân
TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mới đây, bác sĩ vừa tiếp nhận một bệnh nhi 9 tuổi có hành vi tự hủy hoại bản thân. Đây là một bé gái học giỏi nhưng “nghiện” chơi điện thoại, máy tính. Cách đây một năm, khi bị bố mẹ cấm chơi điện thoại, máy tính, cháu rơi vào trạng thái căng thẳng, bức xúc, thường xuyên có hành vi tự hành hạ bản thân như nhổ hết một mảng tóc ở đầu, cấu da chân...
Để khắc phục tình hình, gia đình cũng đã cho con đi chơi nhiều, tập yoga, học tiếng Anh… tuy nhiên hành vi đó vẫn xảy ra. Lo lắng cho sức khỏe của con, cháu đã được bố mẹ đưa đến Viện SKTT khám. Tại đây, ngay cả khi được các bác sĩ thăm khám, cháu vẫn liên tục đưa tay lên nhổ tóc, cấu da bàn chân. Cháu bé chia sẻ, khi cấu vào da, cháu không thấy đau mà còn thấy thoải mái. Khi không được cấu, nhổ tóc, cháu có biểu hiện bồn chồn, bẻ các đốt ngón chân, tay...
Ngoài ra, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều người có triệu chứng như trên và chủ yếu là điều trị ngoại trú. Điển hình như một bệnh nhân nữ 21 tuổi là sinh viên năm thứ 2 đại học; là con thứ 2 trong gia đình, tính cách hiền, dễ xúc động, học thiên về môn xã hội. Bệnh nhân có học lực khá, luôn có mong muốn được đi nước ngoài du học nhưng do điều kiện gia đình nên tất cả chỉ là mong muốn chứ khó có thể thực hiện. Bệnh nhân trăn trở về vấn đề này rất nhiều, tâm trạng luôn ức chế và không thấy thoải mái với hoàn cảnh hiện tại. Bệnh nhân bị mệt mỏi, buồn ngủ, hay hồi hộp, tức ngực, cảm giác ngột ngạt khó thở nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Từ tâm trạng đó, bệnh nhân đã có hành vi cắt tay bằng dao lam. Khi vào viện, trên cổ tay bệnh nhân có 16 vết cắt, nông, đủ rỉ máu. Bệnh nhân cho biết mỗi lần cắt tay đều không thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn. Sau đó, bệnh nhân đã được người thân quan tâm nhiều hơn và không tiếp tục thực hiện hành động cắt tay nữa.
Tuy nhiên, thay vào đó, bệnh nhân xuất hiện những cơn rối loạn vận động phân ly. Sau khi vào viện, bệnh nhân đã được làm liệu pháp tâm lý, uống thuốc chống trầm cảm và giảm lo âu. Sau 3 tuần, bệnh nhân đã đỡ gần như hoàn toàn và tiếp tục điều trị tâm lý ngoại trú. Qua các triệu chứng trên, các bác sĩ kết luận những bệnh nhân đó bị mắc hội chứng “Tự ngược đãi bản thân”.
Gia đình đóng vai trò quan trọng
TS.BS Dương Minh Tâm cho biết, tự ngược đãi bản thân là một hình thức tự làm đau về cả thể chất và tinh thần với mục đích loại trừ bản thân hay loại trừ những bất lợi. Bệnh nhân mắc triệu chứng này thường dùng bất kể vật gì để tự hủy hoại bản thân. Tuy nhiên, dụng cụ phổ biến nhất mà các bệnh nhân hay sử dụng là dao lam với những vết cắt nông, rỉ máu để thỏa mãn bản thân mà không gây nguy hại cho tính mạng. Hội chứng này, khác với trầm cảm ở chỗ nếu trầm cảm diễn ra trong thời gian dài và có xu hướng tăng nặng thì hội chứng tự ngược đãi bản thân thường không ổn định, có lúc tăng lúc lại giảm.
Hội chứng tự ngược đãi bản thân không liên quan đến độ tuổi và giới tính. Gần đây có nhiều cụ già 70 - 80 tuổi tự ngược đãi bản thân vì những đòi hỏi của họ không được đáp ứng. Hiện nay, trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất vì nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức, vẫn nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Do đó, đây là nguyên nhân chủ yếu dấn đến chứng/bệnh tự ngược đãi bản thân ở tuổi teen. Đáng ra người bệnh khi gặp vấn đề căng thẳng thì phải chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp của người khác nhưng thay vì làm như vậy người bệnh lại tìm cách loại bỏ bản thân vì không muốn người xung quanh biết. Hoặc ngược lại, họ làm vậy để gây sự chú ý của người khác.
Với các bệnh nhân này, sau mỗi lần ngược đãi bản thân, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế. Có những bệnh nhân nhập viện với vài chục vết cứa trên tay và chân, chủ yếu bằng dao lam. Có bệnh nhân lao đầu vào tường, tự đánh, tát, nhổ tóc, cấu rách da, nhịn ăn… Ngoài hành vi tự hủy hoại, bệnh nhân còn có trạng thái cảm xúc ức chế như buồn, chán nản, mệt mỏi, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ, cảm xúc ức chế, lo âu… Nếu bệnh nhân được đáp ứng, được thỏa mãn (tự làm hại bản thân) thì triệu chứng sẽ giảm đi rất nhanh.
Các chuyên gia khuyến cáo, nguyên nhân chính của triệu chứng này là do stress và rối loạn nhân cách do sang chấn tâm lý. Do đó, muốn can thiệp phải tác động cả vào nhân cách và có liệu pháp tâm lý giảm stress, trong đó sự quan tâm của gia đình là yếu tố quan trọng. Lứa tuổi vị thành niên vốn tâm lý chưa ổn định, những cuộc trao đổi trò chuyện cởi mở, thẳng thắn giữa cha mẹ và con cái là cách tốt nhất để hiểu và khuyên bảo con, giúp con bồi dưỡng nhân cách, giảm stress trong cuộc sống Cha mẹ phải luôn thân thiện và tôn trọng con, biết chúng suy nghĩ gì để động viên, khuyến khích hoặc ngăn chặn kịp thời là lời khuyên lớn nhất dành cho các bậc cha mẹ. Cha mẹ không những trở thành người bạn để chia sẻ mọi tâm tư với con cái mà chính họ phải thừa nhận những mặt mạnh, yếu của mình cũng như điều được và chưa được của con cái để tạo ra sự công bằng trong cách ứng xử.