Khi nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển ngày một tăng nhưng ngân sách quốc gia chi cho mục tiêu này ngày càng eo hẹp thì câu chuyện gần 22 tỷ USD vốn ODA đã ký hiệp định mà chưa được giải ngân là câu chuyện buồn. Chính phủ sốt ruột vì có tiền mà không thể tiêu, trong khi nhiều dự án “khát” vốn như nắng hạn chờ mưa.
“Thi đua” chậm giải ngân
Theo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt 150.454 tỷ đồng, đạt 38,77% kế hoạch, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 41,09% kế hoạch (gồm vốn trong nước đạt 45,35%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 17,53%, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 26,31%), vốn nước ngoài đạt 24,7% kế hoạch.
Mặc dù tiến độ giải ngân kế hoạch vốn từ tháng 4/2018 được cải thiện song Bộ KHĐT cho rằng tổng thể tiến độ thực hiện và giải ngân vẫn thấp, nhất là vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài. Trong khi 5 bộ, ngành Trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 60% kế hoạch thì có đến 31/56 bộ, ngành và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn mức trung bình của cả nước (trong đó có 11 bộ, ngành giải ngân dưới 10%). Thậm chí, một số bộ, ngành chưa hoặc gần như chưa giải ngân.
Trong thực trạng đó, vốn ODA không phải là ngoại lệ. Theo báo cáo của Bộ KHĐT, kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 đến tháng 6/2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD (trong đó vốn vay là 74,92 tỷ USD).
Tính đến hết tháng 6/2017, có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi, còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017 - 2020 là 17,485 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD. Thực tế là mục tiêu “tiêu tiền” không đạt được.
Thực trạng này khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong nhiều phiên họp thường kỳ Chính phủ đã nhấn mạnh chậm giải ngân vốn đầu tư là một nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí, đội vốn, chậm đưa công trình vào hoạt động, ảnh hưởng đến tăng trưởng.
“Điểm nghẽn” về quản lý
Cuối năm 2017, từng có chuyện “nực cười”, hơn 3 tỷ USD được Ngân hàng Thế giới (Worl Bank) cho Việt Nam vay ưu đãi để triển khai một số dự án lớn - con số không hề nhỏ trong bối cảnh vốn ngân sách nhà nước quá hạn hẹp - nhưng không giải ngân được. Vốn bị bỏ phí đã đành, nguy cơ dang dở các dự án quan trọng là có thật và điều này sẽ khiến đồng vốn quý báu này không những không được sử dụng hiệu quả mà còn là một sự lãng phí lớn.
Thậm chí, con số không chỉ là 3 tỷ USD. Thông tin đã được công bố cho biết, có tới gần 22 tỷ USD vốn ODA đã được ký kết hiệp định nhưng chưa được giải ngân. Trong số này, phần lớn là các khoản ODA ưu đãi của nhóm 6 ngân hàng phát triển. Vốn có sẵn mà không thể giải ngân, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đó là một điều đáng tiếc.
Trong câu chuyện “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế” - niềm tự hào luôn được nhắc đến, đó là cam kết ODA luôn năm sau cao hơn năm trước và điều này khẳng định niềm tin của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng thật đáng tiếc rằng vốn cam kết đã ít được hiện thực hóa bằng các hiệp định, càng ít hơn nữa trong giải ngân. Xin nhớ rằng, ODA không phải là “bữa ăn trưa” miễn phí.
Đánh giá về nguyên nhân chậm giải ngân vốn trong nước, báo cáo của Bộ KHĐT cho rằng một số nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong tổ chức thực hiện dự án nên chưa có khối lượng thi công xây lắp. Một số dự án khởi công mới của bộ, ngành và địa phương (chủ yếu là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) vẫn đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định về đầu tư xây dựng; hoặc đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế, thi công; trong công tác giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong quá trình thẩm định tổng mức đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công... Một số dự án chuyển tiếp hoặc dự kiến hoàn thành trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư hoặc đang trong giai đoạn kiểm toán quyết toán các gói thầu...
Nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng tận dụng tối đa nguồn lực ODA của Việt Nam còn khá hạn chế bởi các chính sách phức tạp không cần thiết. Điều này đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản lý, điều hành của Chính phủ, khả năng thực thi của các bộ, ngành. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ lo ngại khi đi thị sát một số công trình thì thấy có bố trí vốn nhưng giải ngân quá chậm “do cách làm”.