Tư nhân vào cuộc – Tháo gỡ nút thắt "câu chuyện đầu tư": Bài 2 - Nhiều thách thức trong việc tìm vốn đầu tư, phát triển

(PLO) - Những đồng vốn ODA quý giá đã giúp Việt Nam rất nhiều trong việc đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo dựng uy tín trên trường quốc tế. Tuy nhiên, xoay quanh đồng vốn này còn có nhiều vấn đề khiến đầu tư, phát triển nước ta gặp nhiều bấp bênh.
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

ODA không phải là “bữa tiệc buffet” miễn phí

Thực tế cho thấy, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của vốn ODA đối với sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua. Bởi lẽ, ngoài việc thể hiện sự tin tưởng của bạn bè quốc tế với Việt Nam thì đồng vốn ODA đã góp phần thay đổi bộ mặt của nước ta trong nhiều lĩnh vực; đặc biệt là cơ sở hạ tầng và giao thông. 

Tuy nhiên, các khoản vay ODA thường kèm theo các điều kiện bắt buộc, ví như nhà thầu của nước cung cấp ODA được thực hiện dự án (tổng thầu, tổng tư vấn), nước nhận ODA buộc phải nhập công nghệ, thiết bị phục vụ dự án hay các thỏa thuận về lương chuyên gia… Do vậy, nếu tính đầy đủ: lãi suất món vay (dù ưu đãi), mua công nghệ, thiết bị (nhiều khi họ lợi dụng thanh thải công nghệ lạc hậu) và các loại chi phí khác, rồi thất thoát thì có khi lãi suất còn cao hơn vay thương mại rất nhiều.

Chính vì thế, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về việc Việt Nam có nên sử dụng vốn ODA nữa hay không? Người ủng hộ, kẻ lắc đầu. Thậm chí, có chuyên gia kinh tế cho rằng, không còn ODA có khi lại là điều tốt cho Việt Nam. Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang tăng cao, lên tới 62,2% GDP (con số cuối năm 2015) thì câu chuyện vay ODA đang là vấn đề phải cân nhắc thận trọng. Thêm vào đó, nợ vay ngắn hạn trong nước (đã lớn hơn vay nước ngoài) đã và đang tạo ra áp lực “không hề nhẹ” về nợ công và trả nợ, đè nặng lên ngân sách của Việt Nam.

Vậy nhưng, hiện bội chi ngân sách của Việt Nam khá cao, khi mà chi thường xuyên đã lên tới 65-70% tổng chi ngân sách, do bộ máy hành chính còn cồng kềnh, phần còn lại là để thực hiện nghĩa vụ trả nợ; muốn đầu tư thì phải đi vay. Trong bối cảnh ấy, không còn ODA nữa thì Việt Nam lấy tiền đâu để đầu tư? Đây là bài toán “mâu thuẫn”. 

Không thể duy ý chí theo kiểu “huy động từ các nguồn khác” một cách chung chung. Khi vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ hạn hẹp và mô hình hợp tác công - tư (PPP) chưa phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, Việt Nam vẫn phải trông chờ vào vốn ODA, dù là thời gian tới các khoản vay dự báo sẽ có lãi suất cao hơn so với mức ưu đãi hiện tại. 

“Dù việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình sẽ làm giảm các cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ vay ưu đãi từ các ngân hàng phát triển đa phương, song nguồn tài chính này vẫn ưu đãi hơn về lãi suất, phí vay và thời hạn trả nợ so với nguồn tài chính tư nhân thông thường. Do vậy, đây vẫn là nguồn lực quan trọng để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói.

Thực tế cho thấy, sau khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, sự suy giảm vốn ODA khá rõ nét. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết từ chỗ đạt mức cao nhất là trên 6,9 tỷ USD vào năm 2011 đã giảm dần xuống còn hơn 2,75 tỷ USD vào năm 2015. Thời của đầu tư dễ dàng cho cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ODA có lẽ đã bắt đầu chấm dứt. Thời của cấp phát ODA cho các bộ, ngành, địa phương theo kiểu “xin – cho” cũng sẽ phải kết thúc. Đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam, khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển không ngừng tăng lên.

Tìm vốn cho đầu tư

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 -2020 Việt Nam cần huy động tới 39,5 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn này. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố cho Việt Nam “tốt nghiệp” ODA vào cuối năm 2017. ADB có thể cũng sẽ ngừng cung cấp các khoản vay ưu đãi (ADF), thay vào đó là vốn vay kém ưu đãi hơn (OCR) sau World Bank trong 1-2 năm. Anh quốc đã thông báo sẽ dừng cấp vốn ODA cho Việt Nam từ năm 2016. Một số đối tác khác như Phần Lan, Na Uy đã và đang thực hiện chính sách cắt giảm dần vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.

Trong tình hình khó khăn như vậy, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trở thành một chủ trương lớn và mới. Bằng chứng là Nghị định của Chính phủ về vấn đề này thay đổi liên tục, mới nhất là Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018. PPP bao gồm các hình thức BOT, BTO, BT, BOO, BTL, BLT, O&M. 

Công bằng mà nói, trong các hình thức trên, hiện chủ yếu PPP ở Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT và BT. Câu chuyện chỉ chọn các tuyến độc đạo và chỉ định thầu đầu tư BOT cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đã và đang phát sinh nhiều hệ lụy và hậu quả xã hội, ngoài bài toán kinh tế mà cơ quan quản lý nhà nước đã không hình dung ra. 

Về BT, ngay như Hà Nội, hiện nay phải kêu lên không còn quỹ đất để “trả” cho doanh nghiệp đầu tư. Thực tế, Nhà nước không có gì ngoài đất để “chuyển giao”. Mới đây nhất, Bộ Tài chính có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành. Như vậy, có thể thấy, mô hình PPP chưa phát huy hiệu quả. 

Trong bức tranh đó, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn (tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng) và Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng) hoàn toàn do tư nhân đầu tư như là những điểm sáng mở rộng hướng đi mới trong đầu tư, phát triển của Việt Nam.

Đọc thêm