Tư nhân vào cuộc – Tháo gỡ nút thắt "câu chuyện đầu tư": Bài 3 - Khi “đồng tiền đi liền khúc ruột”

(PLO) - Bao lâu nay, vị thế của doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân vẫn là bất cân xứng mà “cửa trên” luôn thuộc về doanh nghiệp nhà nước. Vậy nhưng, khi vào trận thực tế thì những doanh nghiệp tư nhân lại cho thấy họ luôn là điểm sáng. 
Cơ trưởng Charles John Fogarty - phi công đầu tiên đáp máy bay xuống Sân bay Vân Đồn đánh giá cao chất lượng quốc tế của Sân bay

Câu chuyện “tấm vách kính” và sân bay ngàn tỷ

Đầu tư cơ sở phục vụ hàng không là một lĩnh vực mới và khó, nhưng cả hai công trình Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được thực hiện theo hình thức BOT do Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược và Nhà ga quốc tế Cam Ranh do Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh -  CRTC làm chủ đầu tư đã được hoàn thành trong một thời gian ngắn và đặc biệt không có chuyện đội vốn, trượt tiến độ, đã phát ra “thông điệp” chúng ta hoàn toàn không thiếu vốn nếu “cơ chế, chính sách” được khơi thông!

Nói về câu chuyện này, một nhà báo đã viết, hình ảnh chiếc máy bay đầu tiên từ Sân bay Cát Bi đáp xuống Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn không chỉ gây nên những cảm xúc vui mừng cho người dân, nhà đầu tư ở đây mà nó đã khiến không ít người ngạc nhiên về tốc độ xây dựng của một công trình qui mô lớn của một doanh nghiệp tư nhân.

Cho đến mấy tuần sau đó, dù chiếc máy bay và cảng hàng không đó không phải của Vietjet nhưng trong một diễn đàn kinh tế tổ chức tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air vẫn lấy ví dụ trên để khái quát lên một câu chuyện đáng suy nghĩ, rằng: Để thay đổi một vách kính ở sân bay Tân Sơn Nhất nhằm tạo không gian thông thoáng cho hành khách thì Nhà nước làm mất 2 năm. Đồng thời sửa sang một phòng chờ theo cơ chế Nhà nước cũng mất 2 năm mới hoàn thành. Trong khi đó, trong 2 năm đó, doanh nghiệp tư nhân đã chủ động đầu tư cả một sân bay như Vân Đồn.

Còn với Nhà ga Quốc tế Cam Ranh, chứng kiến sự hoành tráng, hiện đại của công trình này, một quan chức địa phương hồi tưởng về sự quá tải đến mức lực lượng an ninh phải làm hàng rào “sống” để phân luồng lượng khách chen chúc nhau làm thủ tục. Vậy nhưng, với đồng vốn và cách quản lý cũng như tư duy của nhà đầu tư tư nhân mà đứng đầu là ông Jonhnathan Hạnh Nguyễn, chỉ mất 19 tháng đã biến cảnh chen chúc đó trở thành dĩ vãng. Với quy mô tương tự nếu để cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư có lẽ thời gian khiêm tốn cũng chừng 4-5 năm. 

Chia sẻ về dự án đầy tâm huyết này, ông Jonhnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch HĐQT CRTC cho biết, ngay khi bắt đầu dự án, nhà đầu tư đã xác định phải tìm kiếm những chuyên gia giỏi từ khắp nơi trên thế giới. Bắt đầu với nhóm thiết kế của CPG, PAE và ADCC, những kỹ sư và kiến trúc sư đã có kinh nghiệm thiết kế sân bay Changi ở Singapore, đội ngũ tư vấn, quản lý chi phí BK Asia Pacific, công ty thẩm định thiết kế Aurecon của Úc và chuyên gia điều phối Dự án Turner - một nhà thầu quản lý, xây dựng sân bay lớn nhất của Mỹ, đã từng quản lý nhiều dự án tiêu biểu, nổi bật trên thế giới.

Ông Jonhnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ, “Chọn Turner, chúng tôi chọn tiêu chí an toàn, chất lượng, đúng tiến độ và chấp nhận tiêu chí Liêm chính mà họ áp đặt lại với chúng tôi. Bởi vậy, quá trình thi công, đấu thầu và kiểm soát trang thiết bị, máy móc cho Dự án, mặc dù là chủ đầu tư nhưng chúng tôi hoàn toàn không có quyền can thiệp cho ai trúng, hạ giá cho ai”. 

Theo ông Jonhnathan Hạnh Nguyễn, khi bắt đầu xây dựng, chúng tôi đã gặp rất nhiều áp lực và thách thức, đó là ngân sách có giới hạn cho nhà ga tiêu chuẩn 3 sao, mà thực tế chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn 4 sao, thời gian thì siêu ngắn mà công trình phải xây dựng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong đó có cả siêu bão nhiệt đới mạnh nhất đổ bộ vào miền Nam Trung bộ trong tháng 12/2017.

“Nhưng tiền mình bỏ ra, chậm ngày nào là chết ngày đó; hạng mục nào “lởm” thì mình lãnh đủ sau này. Vì vậy, chúng tôi phải theo sát và đảm bảo chất lượng công trình ở mức cao nhất ở mức chi phí hợp lý nhất” - ông Jonhnathan Hạnh Nguyễn cho biết. 

Thấy gì ở các dự án lớn trong tương lai?

Có thể thấy, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Nhà ga quốc tế Cam Ranh là hai ví dụ cho thấy sự hiệu quả của các nhà đầu tư tư nhân hơn so với đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cơ chế, giảm đầu tư công, khuyến khích, thúc đẩy đầu tư của tư nhân cho đến nay, có thể nói vẫn còn rất chậm chạp.

Thực tế Nhà nước ta không phải không có chủ trương giảm dần đầu tư nhà nước, khuyến khích đầu tư tư nhân vào phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng từ chủ trương đến hiện thực vẫn là một chặng đường dài. Đã có những thông điệp là phải chuyển, giao bớt dự án, công trình đầu tư cho tư nhân làm nhưng thực tế, có không nhiều dự án lớn tới tay khối doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư phát triển hàng năm đã có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm còn chậm. Điều đó cho thấy, việc khuyến khích, thúc đẩy tư nhân đầu tư, giảm bớt đầu tư công vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi đó, ở các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhà nước, do vướng mắc bởi cơ chế, thủ tục, rào cản quá nhiều nên tốc độ giải ngân, hiệu quả vốn đầu tư rất khó được cải thiện, nâng cao. Đó là chưa kể trong quá trình thực hiện, vẫn có nhiều kẽ hở cho tiêu cực làm thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả nguồn vốn lớn từ ngân sách mà những đại án kinh tế đã cho thấy điều này.

Những năm qua đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh cả về quy mô, tiềm lực kinh tế, hoàn toàn có khả năng đảm trách, thay thế vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư phát triển. Bởi vậy, trong tương lai nhà nước nên mạnh dạn giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư những dự án lớn để phát huy được nguồn lực to lớn của khối doanh nghiệp này. 

Đọc thêm