Tư pháp địa phương: Đảm bảo hiệu quả công tác giữa dịch Covid

(PLVN) - Trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới, trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, tư pháp địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, nỗ lực cùng chính quyền thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19. 
Bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội giải quyết yêu cầu công việc cho người dân.
Bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội giải quyết yêu cầu công việc cho người dân.

Không để công việc liên quan đến người dân bị gián đoạn

Là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh Covid-19, Sở Tư pháp Lai Châu đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, giải pháp khắc phục những khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra. 

Đặc biệt, các hoạt động liên quan đến công tác đăng ký, quản lý hộ tịch như: Đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, khai tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, công tác quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi... được triển khai đồng bộ, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính đem lại hiệu quả thiết thực, giảm bớt nhiều thời gian, tiết kiệm được chi phí cho người dân, doanh nghiệp (giảm 50% thời gian giải quyết các thủ tục của Sở).

Các hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, trong điều kiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Tư pháp đã có sáng kiến tổ chức “Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp” để trao đổi, lắng nghe ý kiến từ đó có hướng tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong năm 2020 ngành Tư pháp Lai Châu đã chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải quyết dứt điểm 12 vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài, từ đó củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền. Các hình thức tuyên truyền được đa dạng, phong phú hơn, nhất là việc xây dựng được Trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tỉnh là sự cố gắng lớn, mới có số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai được việc này. 

Tại Hải Dương, để người dân có thể vui đón Tết Tân Sửu, các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp đã được tập trung chỉ đạo, thực hiện. Trong đó, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính được chú trọng trong việc đánh giá hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là hướng dẫn các ngành, địa phương xử lý vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh Covid-19; các vụ việc phức tạp phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước được Sở Tư pháp phối hợp với các ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết có chất lượng theo chức năng theo dõi thi hành pháp luật. Công tác quản lý, đăng ký hộ tịch và chứng thực đáp ứng kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân; hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được xã hội hóa sâu rộng. 

Riêng đối với hoạt động PBGDPL, tỉnh Hậu Giang năm qua với sự tham mưu tích cực của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL - Sở Tư pháp và các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL đã góp phần mang lại nhiều kết quả quan trọng. Công tác PBGDPL đã có nhiều đổi mới cả nội dung lẫn hình thức, chuyển tải kịp thời chính sách pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh. 

Đáng chú ý, Sở Tư pháp Hậu Giang đã tham mưu tổ chức thành công Hội thi Pháp luật cho mọi người, với sự tham gia của 32 đội thi đến từ các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các cấp; Hội thi được ghi hình và phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; đồng thời địa phương đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử PBGDPL. Đẩy mạnh PBGDPL về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: Phòng chống dịch Covid-19, phòng chống tác hại của rượu, bia…

Ở Vĩnh Phúc, trong năm 2020, Sở, ngành Tư pháp đã tích cực nghiên cứu, tư vấn, tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với hàng trăm vụ việc có tính phức tạp, liên quan nhiều đến lĩnh vực đất đai, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất, đầu tư, xây dựng... 

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã kịp thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, kịp thời ban hành theo thẩm quyền hơn 20 lượt văn bản quán triệt và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong toàn ngành...

Đăng ký khai sinh, kết hôn lưu động, mô hình được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đăng ký khai sinh, kết hôn lưu động, mô hình được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Không ngừng nỗ lực, chủ động sáng tạo 

Đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm 2020, ngành Tư pháp tỉnh Hậu Giang đã đóng góp tích cực trong việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật của địa phương; đưa pháp luật đến với mọi người, mọi nhà, hướng mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Và có thể khẳng định rằng, những kết quả này đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mặc dù là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng trong năm 2020, ngành Tư pháp  Lai Châu đã có đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chỉ tiêu chủ yếu (26/29) của tỉnh Lai Châu đạt và vượt kế hoạch đề ra, cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,08%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 43,7 triệu đồng vượt kế hoạch 3,7 triệu đồng; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mới, phát triển các sản phẩm OCOP được chú trọng, có 46 sản phẩm mới được công nhận; lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ đạt khá; lĩnh vực văn hóa – xã hội, đời sống nhân dân được quan tâm; quốc phòng – an ninh được giữ vững. 

Một trong những địa phương có thành tích nổi bật trong năm vừa qua là tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2020, ngành Tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục thực hiện và tham mưu với tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thẩm định đảm bảo tiến độ, chất lượng. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được triển khai thường xuyên, hiệu quả; kịp thời tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân...

Do đó, Sở Tư pháp Tuyên Quang tiếp tục được UBND tỉnh xếp hạng thứ nhất về Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 và là năm thứ 6 liên tục dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành cấp tỉnh Tuyên Quang từ năm 2014 đến nay, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp chấm điểm, xếp hạng năm 2020 đạt 198,5/200 điểm, đạt loại A (xuất sắc), đứng thứ 1/63 Sở Tư pháp toàn quốc; chỉ số DCI đứng thứ nhất khối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và là năm thứ 6 được xếp tốp đầu, năm thứ 3 đứng thứ nhất.

Ở Phú Thọ, Sở Tư pháp đã triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực công tác tư pháp. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực tư pháp đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Chất lượng tham mưu của ngành Tư pháp trong giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước tiếp tục được nâng lên, tạo sự tin cậy của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND cấp huyện. Chức năng quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và nhiệm vụ Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tiếp tục được Sở thực hiện tốt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; công tác kiểm tra, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật hoàn thành đúng kế hoạch.

Kết quả một số lĩnh vực công tác tăng so với cùng kỳ năm trước như: Tư vấn pháp lý tăng 58,6%, số lượng việc đăng ký hộ tịch ở cấp xã tăng 17,6%, chứng thực giao dịch ở cấp xã tăng 38,1%; số hợp đồng đấu giá thành và giá trị tài sản sau khi bán chênh lệch so với giá khởi điểm do Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện đều tăng trên 40% so với cùng kỳ. Ngoài ra, ngành Tư pháp còn thực hiện tốt khối lượng công việc phát sinh, như: Số hóa dữ liệu hộ tịch, triển khai dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ lĩnh vực công chứng mức độ 3; 100% đơn thư, kiến nghị trong lĩnh vực tư pháp được tiếp nhận, xử lý theo đúng trình tự, thủ tục… 2020 là năm đầu tiên Sở Tư pháp hoàn thiện bộ công cụ đánh giá, xếp loại đối với các tập thể, cá nhân trong ngành.

Với những kết quả đã đạt được trong năm công tác 2020, Tư pháp địa phương  tiếp tục nỗ lực, chủ động sáng tạo hơn trong năm mới 2021 – năm được dự báo còn nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm