Tư pháp miền Tây Nam Bộ năm 2020: Hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao

(PLVN) - Năm 2020, ngành Tư pháp TP Cần Thơ, Sóc Trăng và Đồng Tháp đều tích cực thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, công tác chỉ đạo điều hành luôn bám sát các nhiệm vụ trọng tâm ngành năm 2020 của Bộ Tư pháp và các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sở Tư pháp Đồng Tháp phối hợp tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với kiến thức pháp luật năm 2020”.
Sở Tư pháp Đồng Tháp phối hợp tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với kiến thức pháp luật năm 2020”.

Linh hoạt hình thức tuyên truyền pháp luật

Tại Cần Thơ, năm 2020, ngành Tư pháp đã phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong tham mưu, xây dựng và thi hành pháp luật. Công tác xây dựng văn bản, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định; đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước về hộ tịch điện tử, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; xây dựng, vận hành hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc trên địa bàn TP Cần Thơ.

Lĩnh vực trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng ngày càng hiệu quả. Trong năm, Trung tâm đã trợ giúp pháp lý gần 600 vụ việc. Truyền thông về trợ giúp pháp lý thông qua mô hình sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) trợ giúp pháp lý ở các quận, huyện.

Theo đó, tập trung chú trọng công tác tham gia tố tụng, số vụ việc có chiều hướng gia tăng. Đây là dấu hiệu tích cực sau quá trình đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và tập trung vào các vụ việc tham gia tố tụng cho người được trợ giúp.

Để hỗ trợ pháp lý tích cực cho các doanh nghiệp, Sở đã tham mưu UBND TP ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2020; Quyết định phê duyệt Chương trình Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2024.

Ngoài ra, công tác pháp chế ở các sở, ban ngành thành phố đã được quan tâm, tổ chức, bố trí nhân sự tạo điều kiện để công chức, người làm công tác pháp chế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đến nay, đội ngũ làm công tác pháp chế của thành phố đã được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, linh hoạt, thay đổi hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với tình hình địa phương và dịch Covid-19. Các đơn vị đã tổ chức hơn 15.000 cuộc tuyên truyền với hơn 528.000 người tham dự.

Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ trao Bằng khen cho những cá nhân đạt giải cao trong các cuộc thi tìm hiểu pháp luật.
Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ trao Bằng khen cho những cá nhân đạt giải cao trong các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. 

Đặc biệt, nhiều mô hình mới, sáng tạo cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố. Mô hình “Kết nối tuyên truyền phòng, chống tội phạm qua mạng xã hội Zalo”; Mô hình “Tuyên truyền pháp luật và phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trên thiết bị điện thoại di động thông minh trên địa bàn quận Ô Môn”; Mô hình “Vận động người lao động về đêm tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật”…

Lực lượng Công an phối hợp với ban, ngành, đoàn thể xây dựng từng nhóm Zalo, mỗi thành viên là một tuyên truyền viên. Qua đó, giúp người dân nâng cao cảnh giác với các hoạt động của tội phạm, tự giác chấp hành pháp luật, góp phần kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; Mô hình “Đội tuyên truyền lưu động pháp luật về an ninh trật tự bằng xe gắn máy”; Mô hình “Nhà trọ an toàn về an ninh trật tự”.

Điểm nhấn hòa giải cơ sở

Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, trong năm 2020 ngành Tư pháp tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao hiệu quả công tác.

Năm 2020 có thể nói là mốc son ấn tượng đối với công tác hòa giải tỉnh Đồng Tháp. Mô hình “CLB hòa giải cơ sở” được nhân rộng từ 2 CLB lên 17 CLB trên toàn tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ hoà giải thành năm 2020 đạt trên 85%.

Đặc biệt, mô hình này được UBND tỉnh công nhận là 1 trong 22 mô hình tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020. Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh năm 2020 do Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức cũng tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng với sự đổi mới, sáng tạo cả về hình thức lẫn nội dung.

Ý thức được vai trò của công tác phối hợp nên từ đầu năm ngành Tư pháp tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, ký nhiều kế hoạch liên tịch để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật. Đồng thời, kết nối liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài ra, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng được nhân rộng: “Mô hình giải quyết hồ sơ hộ tịch ngày thứ bảy”; “Công dân không viết”; Cà phê pháp luật…

Về xây dựng, kiểm tra VBQPPL, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Sở đã được UBND tỉnh giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như thực hiện, thẩm định các dự án đầu tư lớn tại tỉnh trước khi UBND tỉnh phê duyệt; kiểm tra, rà soát tham mưu UBND tỉnh giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Để tạo đột phá và sáng tạo trong công tác, Sở đã vận dụng rất nhiều tiện ích của công nghệ thông tin. Tiếp nhận và xử lý văn bản bằng điện tử; thực hiện mô hình họp không giấy. Đến nay đã hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy sang dữ liệu điện tử (từ năm 2016 trở về trước).

Bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp cho biết, những thành tích trên là kết quả của việc triển khai rộng rãi công tác thi đua, khen thưởng. “Thi đua, khen thưởng đã tạo động lực cho toàn thể công chức, viên chức của ngành Tư pháp Đồng Tháp nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bà Phượng khẳng định.

Đồng thời,  theo bà Phượng, Sở rất chú trọng thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. “Cán bộ tư pháp phải phục vụ nhân dân trên tinh thần trách nhiệm, lịch thiệp và tôn trọng nhân dân. Không để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và tổ chức. Đây được xem là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá công chức, viên chức hằng năm”, bà Phượng nhấn mạnh.

Năm 2020, Sở Tư pháp Đồng Tháp đã được Bộ Tư pháp đánh giá xếp hạng A, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc so với năm 2019, là 01 trong 19 Sở Tư pháp được Bộ Tư pháp tặng danh hiệu “Cờ thi đua ngành Tư pháp”; được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Bản cam kết hành động năm 2020. Đặc biệt là Sở Tư pháp đang hoàn chỉnh hồ sơ trình đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất trong năm 2021.

“Gác cửa” nhiều lĩnh vực quan trọng

Năm 2020, ngành Tư pháp Sóc Trăng đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành luôn bám sát các nhiệm vụ trọng tâm ngành Tư pháp năm 2020 của Bộ Tư pháp và các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh năm 2020.

Công tác xây dựng và kiểm tra VBQPPL được thực hiện tốt, trong năm đã thẩm định 01 đề nghị xây dựng Nghị quyết, thẩm định 43 dự thảo VBQPPL; góp ý 62 dự thảo VBQPPL và 40 dự thảo văn bản khác; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được triển khai trên toàn tỉnh, đáp ứng được nhu cầu của công dân và từng bước góp phần cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp Sóc Trăng nhận Cờ thi đua của Bộ Tư pháp.
Sở Tư pháp Sóc Trăng nhận Cờ thi đua của Bộ Tư pháp. 

Công tác trợ giúp pháp lý có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nên hoạt động ngày càng chất lượng và có hiệu quả.

Ngoài nhiệm vụ của ngành, Sở Tư pháp Sóc Trăng còn đảm nhận việc “gác cổng” các lĩnh vực quan trọng của tỉnh như: Thu hút đầu tư, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm hành chính…

Ông Phạm Tuân - Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng đã ghi nhận và đánh giá cao sự phối kết hợp chặt chẽ của các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai nhiệm vụ tư pháp.

Trong năm 2021, ngành Tư pháp Sóc Trăng tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp chế từ cấp tỉnh đến cấp xã và phấn đấu đoàn kết, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 2020, Sở Tư pháp Sóc Trăng đã được Bộ Tư pháp tiếp tục xếp hạng A, xếp vị trí 3/13 các Sở Tư pháp Khu vực miền Tây Nam Bộ và xếp vị trí 8/63 các Sở Tư pháp trên cả nước.Sở Tư pháp Đồng Tháp phối hợp tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Thanh niên với kiến thức pháp luật năm 2020”.

Đọc thêm