Đổi mới các hình thức tuyên truyền pháp luật
Năm 2017, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Tư pháp Sóc Trăng đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Trong công tác xây dựng VBQPPL, năm 2017 đã thẩm định 55 dự thảo VBQPPL, góp ý 78 dự thảo VBQPPL. Tổ chức Hội nghị tập huấn công tác xây dựng VBQPPL cho pháp chế các sở, ngành tỉnh; Báo cáo tình hình thẩm định dự thảo Nghị quyết về cơ chế khuyến khích và hỗ đầu tư phát triển chợ trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp đã báo cáo UBND tỉnh kết quả rà soát VBQPPL trên địa bàn tỉnh; kiểm tra công tác VBQPPL tại Phòng Tư pháp và kiểm tra theo thẩm quyền 43 văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện. Qua kiểm tra, chưa phát hiện văn bản trái pháp luật. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh năm 2017 và ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2017…
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng có nhiều chuyển biến. Sở Tư pháp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình về phổ biến giáo dục pháp luật đồng thời chủ động, sáng tạo trong đổi mới các hình thức tuyên truyền pháp luật. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền như tổ chức hội nghị, tọa đàm, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, Sở Tư pháp còn quan tâm kiện toàn, bồi dưỡng cho các tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật, đặc biệt phát huy tốt 500 tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc Khmer.
Việc triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật” trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, có chiều sâu và mang lại hiệu quả tích cực, hình thành thói quen tìm hiểu, học tập và nghiên cứu pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Sở cũng đã tổ chức tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn cho cán bộ, công chức và nhân dân, phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại các điểm trường THPT tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer.
Trong nhiều hoạt động, Sở Tư pháp đóng vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với các ngành để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, trong đó dành nhiều sự ưu tiên cho các địa bàn trọng điểm, qua đó tạo sự gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống.
Tạo nhiều thuận lợi cho dân
Một trong những công việc mà Sở Tư pháp Sóc Trăng mang lại là những đột phá trong công tác hành chính tư pháp, mang lại những tiện ích cho người dân. Sở đã triển khai thực hiện Tiểu đề án “Giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người di cư tự do từ Campuchia về nước” và tiến hành rà soát, đánh giá việc giải quyết các vấn đề quốc tịch, hộ tịch của trẻ en là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; kiểm tra công tác hộ tịch nhằm chấn chỉnh kịp thời những sai phạm xảy ra trong quá trình đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương; từ đó, có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời để công tác này đi vào nền nếp, nhất là việc chuyển giao thẩm quyền đăng ký cho UBND cấp huyện. Đã rà soát, đối chiếu với các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp và lập án tích; thực hiện nâng cao giải pháp mô hình “Kiềng ba chân’’ tại Sở Tư pháp giảm thiểu tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật hàng năm đối với các lĩnh vực trọng tâm, nổi cộm, gặp nhiều bức xúc trong dư luận. Trên cơ sở kế hoạch do UBND tỉnh ban hành, Sở Tư pháp đã phối hợp với các ngành ký các kế hoạch liên ngành và trình UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, điều tra, khảo sát trong các lĩnh vực: thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính, đất đai, tư pháp, thương mại, giáo dục, dạy nghề, lao động, đầu tư, giao thông... Đồng thời triển khai đồng loạt cả 03 phương thức thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật thông qua hình thức thành lập đoàn kiểm tra; tổ chức đoàn khảo sát, điều tra và qua đó tiếp nhận các thông tin mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kiến nghị.
Trong công tác bổ trợ tư pháp, Sở cũng chú trọng việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch dân sự, phục vụ có hiệu quả tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hoạt động chứng thực trong thời gian qua đã đi vào nền nếp, góp phần vào công tác cải cách hành chính tại địa phương; công tác đăng ký giao dịch bảo đảm từng bước được công khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc tìm hiểu thông tin và góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên giao dịch; hoạt động luật sư thực sự đã đi vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân...
Với những kết quả đạt được, năm 2017 Sở Tư pháp Sóc Trăng là 01 trong 27 Sở Tư pháp được Bộ Tư pháp xếp hạng A xuất sắc (đứng thứ 3 toàn quốc) và là 01 trong 13 Sở Tư pháp được Bộ Tư pháp tặng danh hiệu “Cờ thi đua ngành Tư pháp”. Năm 2018, Sở Tư pháp Sóc Trăng cũng vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng.