Tư pháp TP. Hồ Chí Minh không tự bằng lòng với những gì đã làm được!

(PLVN) -Sở Tư pháp TP.HCM được đánh giá là một trong những đại diện điển hình của ngành Tư pháp cả nước. Trước thềm kỉ niệm 75 năm ngành Tư pháp Việt Nam, ông Huỳnh Văn Hạnh - Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM đã có những chia sẻ về thành tựu, những bước đi mà Tư pháp TP đang hướng tới. 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trao Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2019 cho Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trao Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2019 cho Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh.

-Ông nhận định như thế nào về những đóng góp của Sở Tư pháp TPHCM trong sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp và sự phát triển TP. HCM?

Ngay từ ngày đầu mới thành lập, những công việc tư pháp có tính chất mũi nhọn lúc đó như hệ thống hóa văn bản pháp luật; tuyên truyền, giáo dục pháp luật; giúp Bộ Tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật XHCN cho những luật gia, luật sư đào tạo trước năm 1975; mở lớp đào tạo trung cấp pháp lý cho cán bộ tư pháp cơ sở... đã được thế hệ những cán bộ tư pháp đầu tiên của TP thực hiện với sự năng động, sáng tạo và đầy trách nhiệm. Sở Tư pháp TPHCM đã không ngừng tự đổi mới mình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những đề xuất, giải pháp chuyên môn mới mẻ kết hợp với việc nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm còn phù hợp từ quá khứ theo tinh thần “gạn đục, khơi trong”. 

Với những thành tích vượt bậc, năm 2011, Sở Tư pháp TP vinh dự đón nhận huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng, Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Ủy ban nhân dân TP và Bộ Tư pháp.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh
 Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh

Trải qua 38 năm xây dựng và trưởng thành (1982-2020) vượt qua nhiều thách thức trên những bước đi thăng trầm của lịch sử ngành Tư pháp Việt Nam, Sở Tư pháp TPHCM đã và đang tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong của ngành Tư pháp cả nước và là cơ quan tham mưu, chỗ dựa tin cậy về mặt pháp luật của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP trong việc xây dựng thể chế, quản lý, chỉ đạo, điều hành theo pháp luật các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, cũng như trong công tác quản lý nhà nước các hoạt động hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp trên địa bàn. 

-Là người đứng đầu ngành Tư pháp ở địa phương, ông có nhận định gì về đặc thù của ngành Tư pháp TPHCM, đồng thời có dự báo gì cho sự phát triển của tư pháp TP trong thời gian tới?

TPHCM là đô thị đặc biệt, là đơn vị có số lượng hồ sơ hành chính tư pháp tiếp nhận và giải quyết lớn nhất nước. Mặc dù đã áp dụng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng và qua bưu điện nhưng trung bình một ngày Sở Tư pháp tiếp khoảng 300-400 lượt người dân, có ngày cao điểm tiếp gần 600 lượt người. Được sự quan tâm, tin tưởng của chính quyền TP, ngành Tư pháp TP đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu cho TP trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Các mặt công tác tư pháp có sự phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, về bề rộng và cả chiều sâu.

Hiện nay, công tác tư vấn pháp lý cho Ủy ban nhân dân TP là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo TP rất quan tâm nên số lượng hồ sơ tư vấn giao Sở Tư pháp rất lớn, liên quan nhiều lĩnh vực phức tạp, kéo dài qua nhiều thời kỳ. Bên cạnh việc tư vấn cho Ủy ban nhân dân TP trong thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP quản lý cũng có rất nhiều vướng mắc pháp lý đề nghị Sở Tư pháp hỗ trợ, nên tạo ra áp lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ tư pháp. Ngoài ra, các hồ sơ hành chính thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp rất lớn, để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực gắn với Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”. Đồng thời, Sở sẽ đẩy mạnh tư vấn pháp lý giúp chính quyền TP tháo gỡ những “điểm nghẽn” để TP ngày càng phát triển hơn nữa.  

-Nhân ngày thành lập ngành Tư pháp, ông có điều gì chia sẻ ?

Có thể nói một cách tự hào, hai chữ “đầu tiên” trong nhiều lĩnh vực, nhiều mô hình hoạt động tư pháp của cả nước đã gắn liền với tên tuổi của Sở Tư pháp TPHCM, như sự ra đời Tờ báo Pháp luật đầu tiên của địa phương, mô hình cung cấp văn bản pháp luật và tư vấn pháp luật miễn phí đầu tiên cho người dân, Phòng công chứng đầu tiên của cả nước... Với trách nhiệm “cùng cả nước, vì cả nước”, Sở Tư pháp TP đã vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách, là điển hình của cả nước trong việc triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ khó, mới được giao cho Ngành. 

Sở Tư pháp TP cũng là nơi được Bộ, Ngành tin tưởng gửi gắm để triển khai thực hiện thí điểm nhiều việc quan trọng mà gần đây nhất là thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo được sự lan tỏa sang nhiều tỉnh, TP khác. Không những thế, Sở Tư pháp TP còn là đơn vị xung kích, đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý, điều hành; nhiều chương trình phần mềm quản lý trên các lĩnh vực hộ tịch, công chứng, lý lịch tư pháp đã được đầu tư nghiên cứu, xây dựng, vận hành có hiệu quả.

Tôi tin rằng Sở Tư pháp không bao giờ dừng lại và tự bằng lòng với những gì đã làm được mà luôn tự đặt ra yêu cầu cao hơn, tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp công minh, chính trực, có năng lực và thực sự gương mẫu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để luôn luôn xứng đáng là đầu tàu của ngành Tư pháp cả nước và sự tin cậy của nhân dân và lãnh đạo TP.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, cán bộ lão thành, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành Tư pháp – những người đã và đang đóng góp vào sự phát triển của Ngành Tư pháp TP nói riêng và Ngành Tư pháp Việt Nam nói chung. Kính chúc các đồng chí nhiều sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành công mới.  

-Xin chân thành cảm ơn ông! 

Đọc thêm