Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thăm và làm việc tại huyện Yên Lạc ngày 18/3/2011 |
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc Trần Diện cho biết, từ thực tiễn công tác tư pháp hiện nay ở địa phương, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ và đảm bảo cơ sở vật chất xây dựng ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh, ngành Tư pháp Vĩnh Phúc xác định nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đối với đội ngũ Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, Bí thư Chi bộ, Trưởng các đoàn thể, Tổ trưởng Tổ hòa giải, Tổ trưởng Tổ liên gia ở cơ sở nhằm trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền cần thiết, văn bản pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cơ sở để phổ biến, tuyên truyền pháp luật hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.
Cụ thể hóa mục tiêu về hoạt động tư pháp tại địa phương, năm 2011, một trong những nhiệm vụ để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện Yên Lạc là “tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU của Huyện ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân giai đoạn 2008-2012”.
Bí thư Huyện ủy Yên Lạc Nguyễn Xuân Thường “tiết lộ”, công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương đã được lồng ghép vào nội dung sinh hoạt Chi bộ vì “Đảng viên là tấm gương cho quần chúng. Đảng viên phải hiểu biết pháp luật thì mới có thể vận động, tuyên truyền và hướng dẫn quần chúng tuân thủ và thực thi pháp luật”. Nhận thức này đã tạo ra một mô hình phổ biến, giáo dục, pháp luật mới ở huyện Yên Lạc được lãnh đạo chính quyền tỉnh đánh giá cao về tính hiệu quả và ý nghĩa.
Từ năm 2008, trong các nội dung pháp luật đã được đưa vào những buổi sinh hoạt của các Chi bộ ở huyện Yên Lạc với hình thức phổ biến, quán triệt kịp thời, nhanh chóng và đầy đủ. Thông qua đó, tăng cường nhận thức của Đảng viên về pháp luật, làm “cầu nối” thiết thực cho pháp luật đi vào cuộc sống.
Hiệu quả của công tác phổ biến giáp dục pháp luật vốn “vô hình” và đòi hỏi thời gian dài mới có thể nhận thấy. Tuy nhiên, ở huyện Yên Lạc, “nhờ nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác này mà tình hình kinh tế - xã hội phát triển, ổn định, các chính sách của Đảng và Nhà nước và chính quyền địa phương được thực hiện với sự đồng thuận của nhân dân, đời sống người dân được cải thiện” – Chủ tịch UBND huyện tự hào “khoe”.
Tất cả được minh chứng thông qua các con số về tình hình kinh tế - xã hội như chỉ còn 4,9% hộ nghèo, 95% đường giao thông đã được nhựa hóa, thu nhập đạt 21 triệu đồng/người/năm, qui hoạch đất đai ổn định giúp năng suất sản xuất nông nghiệp cao nhất tỉnh…
Phân cấp nhưng cần tăng cường năng lực cho cơ sở
Đó là một đề nghị “thiết tha” của chính quyền cũng như những người làm công tác THADS huyện Yên Lạc. Mặc dù, THADS đã được coi là công tác của cấp ủy địa phương, “ít thấy ở các nơi khác, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy”, nhưng Chi cục THADS huyện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Bởi như Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện cho biết, đặc thù của ngành THADS là phải tiếp xúc với nhiều đối tượng, thường xuyên phải đi cơ sở, hầu hết Chấp hành viên phải làm việc độc lập.
Song thực tế, trong tổng số 8 nhân sự ở Chi cục thì có đến 5 cán bộ là nữ, khó đáp ứng yêu cầu và điều kiện của công tác này. Bên cạnh số lượng cán bộ thiếu thốn thì lại ít kinh nghiệm, lại “ít có điều kiện được đi tập huấn, bồi dưỡng, học tập với các cơ quan THADS khác, chứ không nói đến đi học tập ở nước ngoài”.
Vì thế, kỹ năng làm việc còn nhiều lúng túng, chậm tiếp cận được những kỹ thuật tiên tiến, kỹ năng mới, chưa nhuần nhuyễn trong công tác hòa giải, thuyết phục người dân, phoos kết hợp với các ban, ngành… để tăng cường hiệu quả cho hoạt động THADS.
Ngoài ra, những vụ án dân sự, nhất là liên quan đến đất đai thì thường kéo dài, phải xử đi xử lại nhiều lần, khó thi hành. Điều kiện vật chất thiếu thốn như không có ô tô, chủ yếu sử dụng xe máy khi thường phải di chuyển xa. Nếu cưỡng chế thì phải đi thuê hoặc mượn ô tô của các đơn vị khác khiến cơ quan THADS luôn “bị động”.
Từ những khó khăn chung, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Lạc vừa qua, Chi cục THADS huyện Yên Lạc đề xuất “tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để THA và các điều kiện hỗ trợ khác khi thực hiện chủ trương được phân cấp mạnh cho cơ sở. Có như vậy, công tác THADS mới có thể phát huy hiệu quả thực sự”.