Tư pháp Việt - Lào hợp tác toàn diện (Phần 2)

(PLO) - Chuyến thăm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường  đã góp phần quan trọng đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước.
Tư pháp Việt - Lào hợp tác toàn diện (Phần 2)
Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ hai tại Viêng chăn, ngày 29/7/2014. 
Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ hai (mở rộng) được tổ chức tại thủ đô Viêng-chăn ngày 29 tháng 7 năm 2014 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Tư pháp Cha-lơn Nhia Pao-hơ. Tham dự Hội nghị có trên 100 cán bộ là Thủ trưởng của một số đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào; lãnh đạo các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án 10 tỉnh của Lào và 10 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới; lãnh đạo 4 Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Định, lãnh đạo 8 Sở Tư pháp Thủ đô Viêng-chăn và các tỉnh: Viêng-chăn, Chăm-pa-sắc, Luông-nam-tha, Xay-nha-bu-li, Bò-kẹo, U-đôn-xay, Xay-xổm-bun là các tỉnh kết nghĩa với nhau. Tham dự Hội nghị còn có đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lào; đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và các cơ quan thông tấn báo chí của hai nước.
Trong phát biểu khai mạc của mình, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và Bộ trưởng Tư pháp Lào đều đánh giá cao, khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược và quyết tâm mãi mãi giữ gìn, phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, nhấn mạnh đây là quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản vô giá của hai Đảng, hai dân tộc truyền tiếp cho các thế hệ mai sau, coi mối quan hệ này là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác giữa hai ngành Tư pháp Việt Nam và Lào.
Sau một ngày làm việc khẩn trương trong không khí thắm tình hữu nghị anh em và với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam - Lào (mở rộng) đã thảo luận, đánh giá tương đối toàn diện và sâu sắc về quan hệ hợp tác tư pháp giữa hai nước trong thời gian qua, về (1) vấn đề quốc tịch và hộ tịch của người dân ở vùng biên giới hai nước; (2) tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý để người dân hiểu được pháp luật của hai nước, giúp cho họ có cách hành xử đúng pháp luật; (3) đẩy mạnh hợp tác về tương trợ tư pháp thông qua việc rà soát, đánh giá Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào ký ngày 6/7/1998; rà soát công tác phối hợp trong các hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp đa phương và khu vực; (4) nâng cao hiệu quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2011 – 2015. Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến phát biểu thảo luận, cung cấp các thông tin về tình hình hợp tác tư pháp, về kinh nghiệm giải quyết các vấn đề pháp lý thực tiễn đặt ra dọc biên giới hai nước. Về các vấn đề khác liên quan, Hội nghị nhất trí đánh giá cao kết quả hợp tác giữa các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án hai nước; các Sở Tư pháp Lào đánh giá cao sự hỗ trợ về vật chất của các Sở Tư pháp Việt Nam.
Hội nghị nhất trí đánh giá, kể từ sau Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam-Lào lần thứ nhất, công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, giải quyết các vấn đề quốc tịch tại các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào ngày càng được tăng cường; với sự chỉ đạo của hai Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền địa phương, các cơ quan tư pháp các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào đã tiến hành rà soát, thống kê và giải quyết được một phần các trường hợp kết hôn không giá thú, người không có quốc tịch cư trú tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào, tạo điều kiện và cơ sở để cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước tiến hành cấp các giấy tờ tùy thân cho bà con vùng biên giới sinh sống ổn định, lâu dài. Hai bên cũng đã có cố gắng thực hiện các quy định có liên quan của Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa hai Nhà nước; đồng thời cũng chỉ ra những vướng mắc trong việc thực thi Hiệp định, trong đó có lý do do hai đơn vị đầu mối về tương trợ tư pháp của hai Bộ Tư pháp chưa có sự phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời; một số quy định của Hiệp định đã không còn phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn hiện nay của hai nước; việc báo cáo cho cơ quan đầu mối Trung ương về tình hình thực hiện tương trợ tư pháp của các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự các tỉnh đường biên chưa được chú trọng.
Về hoạt động trong thời gian tới, Hội nghị thống nhất một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, về vấn đề quốc tịch và hộ tịch của người dân khu vực biên giới Việt Nam - Lào, đề nghị Bộ Tư pháp hai nước tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để chỉ đạo các cơ quan tư pháp địa phương thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới ký ngày 8/7/2013;
Thứ hai, về hợp tác tương trợ tư pháp, đề nghị Bộ Tư pháp hai nước nghiên cứu thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp về rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định và nghiên cứu khả năng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định, nếu cần thiết; cơ quan THADS tại 10 cặp tỉnh giáp biên sẽ đẩy nhanh việc tương trợ tư pháp về THADS theo đúng quy định của Hiệp định; tăng cường vai trò của các đơn vị đầu mối tại hai Bộ Tư pháp Việt Nam - Lào;
Thứ ba, về tăng cường hiểu biết của người dân đối với pháp luật của hai nước, các Sở Tư pháp tại 10 cặp tỉnh giáp biên, theo quy định của pháp luật mỗi nước, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở để người dân hiểu được pháp luật của hai nước, giúp họ có cách hành xử đúng pháp luật;
Thứ tư, các Sở Tư pháp, cơ quan THADS đã ký kết Thỏa thuận hợp tác tăng cường tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động đã thỏa thuận; các Sở Tư pháp, cơ quan THADS các tỉnh chưa ký kết Thỏa thuận hợp tác cam kết sẽ báo cáo ngay với cấp ủy, chính quyền tỉnh mình, thúc đẩy để sớm ký kết. Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào khuyến khích các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam và Lào kết nghĩa, hỗ trợ, hợp tác với nhau cùng phát triển; 
Thứ năm, đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào quan tâm đưa nội dung hợp tác giữa các cơ quan tư pháp và thi hành án địa phương hai nước khi xây dựng Thỏa thuận hợp tác mới giữa hai Bộ cho giai đoạn 2016-2020; 
Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam - Lào (mở rộng) lần thứ 3 tại Việt Nam vào thời gian thích hợp với hai Bên trong năm 2016.
Hội thảo giới thiệu về Hiến pháp năm 2013 với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp ở Việt Nam
Sáng 30/7, tại Hội trường Quốc gia Thủ đô Viêng Chăn, Lào, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tham dự và giới thiệu về “Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 với việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp ở Việt Nam” tại Hội thảo do Bộ Tư pháp Lào tổ chức với gần 400 đại biểu là các cán bộ cao cấp của CHDCND Lào, đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Giám đốc các Sở Tư pháp địa phương của CHDCND Lào. Mục đích của Bạn trong việc tổ chức và đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam giới thiệu về Hiến pháp 2013 tại Hội nghị này là nhằm có được thêm kinh nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Hiến pháp của Lào. Chia sẻ tầm quan trọng của Hội thảo này với báo giới trước giờ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Cha - Lơn Nhia- Pao - hơ nhấn mạnh “Đây là cơ hội quý để Lào học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng Hiến pháp, đặc biệt là những điểm mới trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam. Hội nghị này càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Lào đang thực hiện Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị, trong đó có đẩy mạnh xây dựng pháp luật”. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã giới thiệu và trao đổi với Bạn các nội dung về bối cảnh và căn cứ sửa đổi, ban hành Hiến pháp năm 2013; khái quát quá trình nghiên cứu, dự thảo sửa đổi và thông qua Hiến pháp; những nội dung mới cơ bản của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. 
Bộ trưởng nhấn mạnh “Hiến pháp năm 2013 là kết tinh trí tuệ và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và Nhà nước VN trong gần 30 năm kiên trì đường lối Đổi mới, gần 15 năm xây dựng và thực hiện các Chương trình tổng thể cải cách hành chính, Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.   Hiến pháp năm 2013 tạo cơ sở chính trị- pháp lý mang tính quyết định cho việc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp ở Việt Nam, phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. 
Nội dung về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và vai trò, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp cũng là nội dung quan trọng, được nhiều đại biểu Lào quan tâm và đặt nhiều câu hỏi. Đại diện Đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam đã chia sẻ đầy đủ với Bạn về bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; các Nghị quyết  của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; Kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và; Kế hoạch và các hoạt động của Bộ Tư pháp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó nhấn mạnh việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 cần có chủ trương về lộ trình ưu tiên, trước mắt và lâu dài với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Về phía Bộ Tư pháp Việt Nam, Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành từ nay đến hết nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII,  tập trung vào nhiều nhóm công việc lớn.  
Đặc biệt, những khó khăn, thách thức trong việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam chia sẻ một cách cởi mở, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thống nhất nhận thức, hiểu về nội dung, quy định mới của Hiến pháp;  cơ chế hiệu quả cho việc giải thích hiến pháp; về đòi hỏi đổi mới tư duy lập pháp, tư duy quản lý sâu sắc từ lãnh đạo đến cán bộ công chức của mọi ngành, cải cách vì lợi ích chung. Việc thực hiện một chương trình đồ sộ về lập pháp, lập quy trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ khóa XIII đòi hỏi đổi mới cách làm luật, quyết tâm và đầu tưu cao độ và phối hợp chặt chẽ của cả Quốc hội, Chính phủ, từng bộ, ngành , Tòa án và các cơ quan hữu quan, sự quan tâm giám sát và tham gia của Nhân dân….
(còn tiếp)

Đọc thêm