Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng, quản lý, khai thác TSPL còn những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải có thay đổi để phù hợp hơn với thời đại công nghệ 4.0.
Ngay từ năm 1998, TSPL đã được xây dựng gắn với việc phát hành hệ thống Công báo cho cán bộ, nhân dân theo Quyết định số 69/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành Công báo nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cho xã, phường, thị trấn và Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý TSPL ở xã, phường, thị trấn.
Đến nay, cả nước có 11.660 TSPL cấp xã/11.162 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc, trong đó có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng TSPL ở 100% đơn vị cấp xã (trừ 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Kon Tum do có sự chia tách, thành lập đơn vị cấp xã). Một số địa phương còn xây dựng được 2 TSPL/1 đơn vị tại một số cấp xã.
Hệ thống TSPL được xây dựng, khai thác ở gần 100% xã, phường, thị trấn cũng góp phần trực tiếp vào việc thực hiện và hoàn thành chỉ số “Tỷ lệ xã có TSPL” được xác định trong Bộ chỉ số về Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam; làm giảm chênh lệch giữa thành thị với nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo sự bình đẳng trong việc giúp người dân tiếp cận và thụ hưởng các thông tin pháp luật. Ngoài ra, việc xây dựng, quản lý, khai thác có hiệu quả TSPL cấp xã cũng là một trong những chỉ tiêu để đánh giá mức độ đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn.
Thực tiễn triển khai xây dựng, quản lý, khai thác TSPL đã phát huy được tính năng động, sáng tạo của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở trong việc vận dụng, xây dựng, phát triển các mô hình Tủ sách/ngăn sách pháp luật phù hợp, đặc thù.
Nhờ vậy, TSPL đã đến gần với người dân hơn; góp phần cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc huy động được các nguồn đầu tư, nhân lực của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội tham gia xây dựng, phát triển TSPL.
TSPL còn là nơi lưu trữ, bảo quản các sách, tài liệu với ý nghĩa là tài sản công. Việc ra đời mô hình TSPL đã góp phần đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật đi vào đời sống… Có thể nói, những kết quả trên đây đã khẳng định việc xây dựng TSPL thời gian qua là đúng đắn, phù hợp.
Tuy nhiên, qua theo dõi tổng hợp của Bộ Tư pháp, chất lượng, nội dung sách, báo, tài liệu pháp luật trong nhiều TSPL chưa thực sự phù hợp với địa bàn và nhu cầu của người đọc. Đáng chú ý hơn là số lượng người đến đọc, mượn sách hiện giảm và ít hơn nhiều so với trước đây, trong đó 23/63 tỉnh có số lượt người đến đọc, mượn sách trung bình hàng năm dưới 100 lượt người, cho thấy hiệu quả của TSPL không cao.
Việc quản lý, khai thác TSPL ở nhiều địa phương còn thiếu gắn kết với các hoạt động văn hóa đọc và các thiết chế thông tin, văn hóa cơ sở khác trên địa bàn. Một số bộ, ngành thẳng thắn đánh giá việc sử dụng, khai thác TSPL còn rất hạn chế.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác văn bản, tài liệu pháp luật chưa được triển khai mạnh mẽ. TSPL điện tử đã và đang được một số bộ, ngành, địa phương xây dựng nhưng nhìn chung còn chưa triển khai rộng rãi, nội dung chưa phong phú, giao diện còn đơn điệu. Trong khi đó, với bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 hiện nay lại càng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển hướng, đổi mới mô hình TSPL gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ khai thác sách, tài liệu pháp luật.
Trên cơ sở này, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng TSPL điện tử được trích xuất, gắn kết với các cơ sở dữ liệu pháp luật hiện có (Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, Công báo điện tử, Thư viện quốc gia, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Chính phủ). Trước mắt, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, làm mẫu TSPL điện tử trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, trong đó có các mục sách, tài liệu được phân loại.
Về lâu dài, cần xây dựng TSPL điện tử quốc gia theo hướng gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; giao các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc cập nhật sách, tài liệu pháp luật do cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ trì soạn thảo, phát hành.