Tử tù tố cáo sự thật “ve sầu thoát xác”?

(PLO) - Bị tuyên án tử về tội giết người, bị cáo Đàm Phạm Hoài Nam (SN 1987, ngụ phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chới với, “tố” kế hoạch của đồng bọn, dụ bị cáo nhận tội thay. Hai đồng bọn giàu có hơn sẽ “ở ngoài”, lo đảm bảo cuộc sống cho mẹ và anh trai bệnh tật của Nam, đồng thời sẽ “chạy” cho Nam mức án từ 7 đến 10 năm tù. Sự thật điều đó như thế nào đang chờ “lời giải” của cơ quan tiến hành tố tụng.    
 Mẹ tử tù cho rằng con mình không phạm tội
Mẹ tử tù cho rằng con mình không phạm tội
Kinh hồn vì bị tuyên án tử, bị cáo “tố” mình bị dụ nhận tội thay
Gần nửa đêm 5/10/2011, tại quán bar Hoàng Tử ở tiểu khu 1, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Trần Nhật Huy khật khưỡng cầm ly bia qua, gõ vào đầu anh Nguyễn Hoài Nam đang ngồi bàn khác, hất hàm: “Sao lúc nãy đi tiểu bắn sang cả người tao?”. Khi bảo vệ đến can ngăn, Huy còn “cố đấm” bằng cách ném ly qua, khiến anh Nguyễn Hoài Nam bị thương. Anh Lý Đức Toàn (cùng nhóm với anh Nguyễn Hoài Nam) bực tức thốt lên: “Uýnh chết mẹ nó đi”. Cả hai nhóm lao vào ẩu đả. 
Bị bảo vệ quán bar “lùa” ra khỏi cửa, Toàn bị Huy và hai “tay chơi” cùng nhóm là Đàm Phạm Hoài Nam, Lê Xuân Tiến xông vào dùng thắt lưng đánh và dùng dao đâm túi bụi. Nạn nhân bất động trên vũng máu.
Quán bar nơi xảy ra vụ ẩu đả
 Quán bar nơi xảy ra vụ ẩu đả
Đàm Phạm Hoài Nam, Tiến, Huy bỏ đi, đến nhà nghỉ Thảo Trang ở phường Nam Lý ngủ trọ, nhưng sợ công an truy tìm nên cả ba chuyển địa điểm đến nhà nghỉ Hạ Đông ở phường Hải Đình. Sáng hôm sau, hay tin nạn nhân đã chết, Đàm Phạm Hoài Nam và Tiến đến cơ quan công an. Nam nhận mình là người đã dùng dao đâm chết anh Toàn, nhưng không đủ dũng khí, nên Tiến phải đưa bạn đi tự thú. 
Sau gần một năm “chuyển nhà” vào trại tạm giam ở, đầu tháng 9/2012, Nam bị TAND tỉnh Quảng Bình xét xử về tội “giết người”. Trong quá trình tòa thẩm vấn, Nam vẫn trước sau nhận tội. Nhưng đến lúc nghe tòa tuyên án tử hình, bị cáo há hốc miệng vì quá bất ngờ, khuỵu xuống, đứng không vững. Đối mặt với cái chết, Đàm Phạm Hoài Nam kháng cáo, tuốt tuồn tuột “tố” kế hoạch mà cả ba tên bàn bạc, thống nhất tại nhà nghỉ. 
Bị cáo cho rằng gia cảnh nhà mình bết bát nhất. Cha mẹ Nam ly hôn đã lâu. Không có nhà, mẹ, Nam và người anh trai bệnh tật phải thuê một căn nhà xập xệ gần dưới chân cầu tại tiểu khu 9 phường Bắc Nghĩa. Vậy nên dù Tiến mới là người dùng dao lận theo trong người, đâm chết anh Toàn (Nam chỉ dùng dây nịt đánh nạn nhân), nhưng Nam được “dụ” ra tự thú, nhận tội thay. 
Đổi lại, Tiến và Huy làm ra tiền hơn, sẽ ở ngoài chu cấp đầy đủ cho mẹ và anh trai Nam, “chạy” cho Nam được mức án nhẹ. Cùng với tình tiết ra tự thú, chắc chắn Nam sẽ chỉ bị xử từ 7 đến 10 năm tù. “Bùi tai”, Nam gật đầu. Ai ngờ kết cục lại là án tử. Nghĩ đến lúc bị lên bàn tiêm thuốc độc, bị buộc phải chết, Nam sợ.  
Vụ án rắc rối bị cáo 3 lần bị tuyên án tử
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng xử hủy bản án sơ thẩm lần thứ nhất. Tuy nhiên, xét xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Quảng Bình lại lần nữa kết án tử đối với Nam. Bị cáo lại kháng cáo, nhưng tia hi vọng “lật lại” bản án bị dập tắt khi Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm và y án tử.
Trong lúc bị cáo và những người thân đang dưới vực thẳm của tuyệt vọng, nhiều người dân cũng bán tín bán nghi bởi lời kêu cứu thống thiết của Nam, thì ngày 28/4/2014, Chánh án TAND tối cao đã ra quyết định kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm để điều tra lại, vì nhiều chi tiết mâu thuẫn
Tử tù Đàm Phạm Hoài Nam
 Tử tù Đàm Phạm Hoài Nam
 
Bà Phạm Thị Minh Hóa, mẹ bị cáo Nam ngồi bó gối trong căn nhà thuê lụp xụp, xiêu vẹo. Người đàn bà 59 tuổi như chiếc lá héo, khi kể về đứa con trai bằng nỗi lo lắng, ân hận, day dứt… Vợ chồng bỏ nhau hơn mười năm nay, bà Đóa bận bịu lao vào mưu sinh để nuôi hai đứa con, con trai cả lại bệnh tật, nên không có thời gian dạy bảo Nam tử tế. Vậy nên Nam có cơ hội lêu lổng, giao du với bạn bè xấu. Tuy nhiên, người mẹ luôn miệng nhắc đi nhắc lại, bà tin rằng con trai không có gan làm việc tày trời đến vậy. 
Mỗi lần vào trại tạm giam thăm, nhìn con sợ hãi, tuyệt vọng, ruột người mẹ như bị ai cầm dao mà cứa. Càng đau lòng hơn khi không ít kẻ mỉa mai xầm xì, không giết người thì tội gì mà tự chui đầu vào thòng lọng? Mẹ bị cáo vừa khóc vừa phân trần: “Thằng Nam nói với tui, hắn không cầm dao đâm người ta, chỉ cầm dây nịt đánh. Vì quá tin vào “đảm bảo” của bạn bè mà phải rơi vào cửa tử. Biết mình phải chết để thế mạng cho kẻ khác, gan hắn có to bằng trời cũng không dám. Nhận tội rồi, bị xử chết rồi mới nói ra sự thật, liệu có ai tin cho con tui không. Cầu khấn trời phật thương tình cho mọi việc được soi xét rõ ràng, để con tui còn có cơ hội sống”. 
Mẹ khóc. Người anh bệnh tật của Nam ngồi rầu rĩ trong góc nhà cũng đưa ống tay áo thấm nước mắt. Bóng hoàng hôn đã lan đến thềm, khiến căn nhà xiêu vẹo trong tranh tối tranh sáng, càng thảm sầu, u ám. Bất cứ ai cũng cảm thông cho tấm lòng người mẹ. Tuy nhiên, sự thật về lời kêu cứu của Nam và ai là người cầm dao tước đoạt mạng sống anh Toàn, phải còn chờ “lời giải” của cơ quan tiến hành tố tụng.    
Nạn nhân chết không được đưa vào nhà
Không khí nhà nạn nhân lại càng thảm đạm hơn. Bố vợ của nạn nhân kể, con rể ông quê ở tỉnh Bạc Liêu, là con trai độc nhất của gia đình. Cha mẹ Toàn đã già cả. Toàn sống hiền lành. Duyên phận trời se, Toàn và con gái ông gặp nhau ở Sài Gòn, yêu nhau rồi thành vợ thành chồng. Vì vợ là công chức đang công tác ở Đồng Hới nên Toàn tạm thời phải ra Quảng Bình ở rể. Vợ chồng Toàn đã có một con gái xinh xắn. Ý định sẽ đưa bố mẹ từ Bạc Liêu ra Quảng Bình định cư nên con rể ông rất chịu khó học hành và đã tốt nghiệp Đại học giao thông tại chức. Sau khi nhận bằng đại học, tối đó con rể ông xin phép bố mẹ vợ đến quán bar Hoàng Tử, liên hoan với bạn bè đồng học vừa tốt nghiệp. Thật không ngờ, tối đó lại xảy ra chuyện.
Sau cái chết tức tưởi của con rể, gia đình ông báo hung tin cho vợ chồng sui gia, một mặt thuê xe chở xác Toàn cấp tốc vào Bạc Liêu. Tuổi cao sức yếu, lại phải chịu một “đòn chí mạng” của số phận, mất đi đứa con độc nhất, cha mẹ Toàn ngã quỵ, chết lên chết xuống. Đau lòng hơn, những người cha, người mẹ đau khổ này không thể đưa con “bước vào” ngôi nhà thân yêu một lần cuối. Nhà cửa chật chội, lối vào chật hẹp đã đành, lại thêm tục lệ địa phương, người chết nơi khác thì không được đưa về làng. Vì thế, cha mẹ ruột của Toàn phải che rạp ở một bãi trống để làm tang lễ, rồi đưa xác con đi hỏa táng. Tro cốt người đã khuất được đưa đến đặt ở một nhà chùa để ngày ngày kính nhờ cửa Phật hương khói. 

Đọc thêm