Với lịch sử 135 năm hình thành và phát triển, 2,8 vạn cán bộ công nhân viên, trên 3.000 km đường sắt đi qua 34 địa phương, tuy nhiên trong thời gian qua, ngành đường sắt bị đánh giá là chưa phát huy hết sức mạnh.
Kém hấp dẫn, kém cạnh tranh “toàn tập”
Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty báo cáo, làm rõ 6 vấn đề, với yêu cầu cần thực sự đổi mới, thay đổi căn bản ngành vận tải này.
Thứ nhất, về tình hình sản xuất kinh doanh và công tác quản trị. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 đạt hơn 6.500 tỷ đồng, tuy nhiên so với 2015 giảm 12%.
“Trong thời điểm hiện nay, có thể nói với hành khách, đường sắt kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác, từ chất lượng, an toàn, thị phần giảm dần qua các năm. Chúng ta có hạ tầng đầu tư từ Bắc tới Nam nhưng rất lâu đời, các vấn đề khổ đường sắt, chất lượng hạ tầng, toa xe… còn ít được quan tâm. Việc đầu tư kho bốc xếp, cảng bốc xếp, kết nối đường sắt với ga hàng không, đường biển, các khu công nghiệp… cũng ít được quan tâm”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty tính toán để nâng sức cạnh tranh. “Hay nói cách khác là có vẻ tư tưởng bao cấp vẫn còn đè nén trong thời kinh tế thị trường. Thủ tướng nhắc các anh suy nghĩ thêm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng.
Thứ hai, Thủ tướng nhắc nhở vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động. Đặc biệt người dân rất lo ngại tình hình tai nạn giao thông đường sắt, tuy có giảm so với năm 2016 nhưng các vụ việc xảy ra gần đầy liên quan đến an toàn tàu chạy, gây hư hỏng toa xe, kết cấu hạ tầng gây thiệt hại về người… Bộ trưởng nhắc tới các vụ việc cụ thể như tai nạn tại ga Yên Viên, Hà Nội và sự cố điều hành 2 đoàn tàu vào cùng một đường ở ga Suối Vận (Bình Thuận) tuy không gây thiệt hại lớn nhưng cho thấy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người lao động.
Vấn đề thứ ba là việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, triển khai xã hội hóa các dịch vụ hạ tầng. “Trước buổi làm việc, Chủ tịch Tổng công ty, anh Vũ Anh Minh có nói mấy vấn đề rất đáng mừng, đó là đang kêu gọi các nhà đầu tư vào các kho bãi, phương tiện bốc xếp, kết nối các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển… Nếu làm được thì rất tốt. Các container vận chuyển qua đường sắt rẻ hơn nhiều so với đường bộ, nếu có đường kết nối từ đường sắt tới các khu công nghiệp, cảng biển thì nhiều nhà đầu tư sẵn sàng. Ngoài phần đầu tư của nhà nước, thì ngành cần hết sức chú ý cái này, nếu không thì không thể cạnh tranh”, ông Dũng nêu rõ và nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công nghệ điều hành, hiện còn sử dụng thủ công quá nhiều.
Thứ tư, cần phải quan tâm đẩy mạnh khai thác hạ tầng hiện có. Trong điều kiện khó khăn về vốn đầu tư, cần có giải pháp duy trì an toàn, tập trung khai thác tối đa năng lực trên từng tuyến cụ thể.
Thứ năm, Thủ tướng nhắc nhở Tổng công ty về công tác tổ chức, quản lý và thực hiện các dự án nâng cấp cải tạo các đường ngang, nhất là việc phối hợp với địa phương xây dựng các đường gom.
Thứ sáu là vấn đề cổ phần hóa. Tổ công tác cho biết Tổng công ty đã làm khá sớm nhưng việc thoái vốn đến nay chưa đạt yêu cầu, mặc dù có thể do sự hấp dẫn, do thị trường nhưng phải đẩy mạnh thực hiện.
Vì sao khách “chê” đường sắt?
Tại buổi làm việc, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho rằng “khó nhất vẫn là thay đổi tư duy”. Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc cũng xác định Tổng công ty đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong suốt mấy chục năm trở lại đây. “Tư duy vẫn còn bao cấp, ứng dụng cơ giới hóa vào đường sắt chưa được cao”, ông Tùng thừa nhận.
Theo ông Minh, tuy có những ưu điểm là vận tải khối lượng lớn, an toàn, chỉ số đúng giờ cao (gấp 10 lần ôtô và 100 lần xe máy), nhưng đường sắt Việt Nam có nhược điểm là tốc độ chậm; tàu chở khách có vận tốc trung bình khoảng 60 km mỗi giờ, còn tàu chở hàng hoá là 30 km mỗi giờ…
"Trong khi đường sắt các nước đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân thì đường sắt Việt Nam còn rất lạc hậu, với cửa sổ bằng lưới, các toa xe cũ kỹ. Hiện ngành có 994 toa tàu, đa số đã sử dụng 30 năm", ông Minh nói và cho rằng với hiện trạng như vậy thì "rất khó thu hút khách, người ta bỏ đường sắt không phải vì giá vé mà do chất lượng dịch vụ".
Trước thực trạng trên, Hội đồng Thành viên Tổng công ty đã quyết định phải phát triển đường sắt với ưu tiên cho nâng cao chất lượng dịch vụ, bắt đầu từ khâu vệ sinh trên toa tàu. Ngành cũng thực hiện bán vé điện tử với nhiều hình thức linh hoạt như bán vé sớm, vé khuyến mại, kể cả vé 10.000 đồng...; đưa suất ăn của hàng không lên tàu."Chúng tôi xác định thế mạnh của mình là khai thác hiệu quả cự ly trung bình chứ không phải chặng dài, vì phân khúc đó mới cạnh tranh được với hàng không", ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, Tổng công ty sẽ tập trung đóng toa hành khách mới; mục tiêu đến năm 2021 thay toàn bộ toa cũ và phát triển cơ khí đường sắt để "chủ động trong đổi mới".
Ngành đường sắt cũng mở cửa xã hội hoá, với mục tiêu trong trước mắt là đầu tư 100 đầu máy mới, gồm 50 đầu máy mua nước ngoài và 50 tự sản xuất trong nước. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể mua tàu chạy trên hệ thống đường ray của ngành, hoặc thuê lại cả bộ máy vận hành.
Đặc biệt, ông Minh cho biết đã làm việc với Tổng công ty Tân Cảng và nhiều doanh nghiệp lớn khác để kết nối vận tải đường sắt với đường biển, đường bộ trong vận chuyển hàng hóa, các container…
Tuy nhiên, ông Minh cũng nêu nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan tới quá trình cổ phần hóa và thoái vốn. Chẳng hạn như phần vốn nhà nước tại các đơn vị làm công tác bảo trì đường sắt, ông Minh khẳng định nếu chỉ tính phần bảo trì thì “chắc chắn bán được ngay vì phần này có lợi nhuận”. Tuy nhiên, các đơn vị này còn phải lo cả phần gác chắn tại các đường ngang nên “khó có người mua vì đây là hoạt động công ích”.
Ông Dũng nhấn mạnh việc đường sắt kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác “không thể đỗ lỗi hoàn toàn cho hạ tầng” |
Không thể đỗ lỗi hoàn toàn cho hạ tầng
Bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của Tổng công ty như hạ tầng chất lượng thấp, xuống cấp, công nghệ lạc hậu…, song Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh rằng việc đường sắt kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác “không thể đỗ lỗi hoàn toàn cho hạ tầng”.
Bộ trưởng nêu rõ, Tổng công ty cần có giải pháp, kế hoạch cụ thể để triển khai 6 vấn đề mà Thủ tướng nhắc nhở. “Thủ tướng đã nói, nếu tập đoàn tổng công ty nào chưa có lửa thì nhóm lửa lên. Đề nghị Chủ tịch, Tổng giám đốc và ban lãnh đạo Tổng công ty mạnh dạn đổi mới”, ông Dũng phát biểu.
Trong thời gian tới, Tổng công ty cần tổ chức lại hoạt động, sử dụng công nghệ hiện đại, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, quá đó kiểm soát tốt chi phí, hạ giá thành. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực quản trị, thay đổi tư duy, tầm nhìn chiến lược theo hướng cạnh tranh quyết liệt, bởi “nếu không làm tốt quản trị thì đầu tư nữa cũng không hiệu quả”. Bộ trưởng lấy ví dụ, nhà ga đường sắt ở nhiều nước cũng đồng thời là trung tâm thương mại, là siêu thị, phục vụ rất tốt khách hàng.
Cùng với đó, đề xuất cơ chế mạnh dạn để đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa theo tinh thần những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ thí bán hết vốn, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội. “Nguồn lực ngân sách rất hạn chế, không thu hút nguồn lực xã hội thì không thể thay đổi”, ông Dũng nhấn mạnh.
Với yêu cầu đó, Tổ công tác hoan nghênh quyết tâm và những động thái đổi mới của Tổng công ty trong thời gian qua, từ việc tăng cường vệ sinh trên các toa tàu, bán vé 10.000 đồng, đưa suất ăn hàng không lên tàu hỏa…
Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao việc ngành Đường sắt kết nối với các loại hình vận tải khác, kêu gọi các nhà đầu tư vào các kho bãi, phương tiện bốc xếp, kết nối các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển…
“Các container vận chuyển qua đường sắt rẻ hơn nhiều so với đường bộ, nếu có đường kết nối từ đường sắt tới các khu công nghiệp, cảng biển thì nhiều nhà đầu tư sẵn sàng. Tôi từng ở địa phương nên biết rõ, trước đây, các khu công nghiệp muốn kết nối với đường sắt cũng rất khó, rất độc quyền. Nên hôm nay rất mừng được biết thông tin Đường sắt đã làm việc với Tân Cảng và các doanh nghiệp lớn để kết nối vận tải”, ông Dũng nói.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, các thành viên Tổ công tác như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn… nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết với ngành đường sắt là đổi mới tư duy, thay đổi quản trị.
“Mua tàu mới thì đắt, nhưng các hãng máy bay giá rẻ cũng phải mua máy bay mới, cũng rất đắt, sao họ vẫn cạnh tranh được?”, Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà nêu ví dụ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết việc phát triển ngành đường sắt là rất quan trọng khi Việt Nam xuất khẩu tới hơn 400 tỷ USD mỗi năm, trong đó xuất khẩu container chiếm 65% và trong lượng container đó thì Tân Cảng chiếm 55%. Do đó việc liên kết giữa đường sắt với các loại hình vận tải khác là tín hiệu rất tốt.