Tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa vẫn luôn là "sợi chỉ đỏ"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra, dù không có tác phẩm riêng bàn về văn hóa nhưng qua những bài phát biểu, nói chuyện tại các hội nghị; qua thư từ, ghi chép cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Tư tưởng của Người về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng, hiện vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam.

“Văn hóa soi đường cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định điều này ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Luận điểm này của Người thể hiện tầm nhìn vượt thời đại khi nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của văn hóa trong sự phát triển của mỗi quốc gia.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm văn hóa được hiểu theo cả ba nghĩa rộng, hẹp và rất hẹp.

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “Văn hóa soi đường cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội”.

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “Văn hóa soi đường cho sự

phát triển và tiến bộ của xã hội”.

Theo nghĩa rộng, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người.

Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Theo nghĩa hẹp, Người viết: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”.

Theo nghĩa rất hẹp, văn hóa đơn giản là trình độ học vấn của con người, thể hiện ở việc Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người phải đi học văn hóa, xóa mù chữ…

Định nghĩa về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc phục được những quan niệm phiến diện về văn hóa trong lịch sử và hiện tại.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa

Lúc sinh thời, dù không có tác phẩm riêng bàn về văn hóa nhưng qua những bài phát biểu, nói chuyện tại các hội nghị; qua thư từ, ghi chép cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24/11/1946), Người đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng, tính đi trước đón đầu của văn hóa - ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến những thắng lợi: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 05/01/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời tin tưởng, mong muốn công tác giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ họa sĩ đi đầu xung kích, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.

Lời dạy nhanh chóng được anh chị em họa sĩ cả nước đón nhận, hun đúc tinh thần thi đua yêu nước, hăng say, sáng tạo nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Trong rất nhiều bài nói và bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phải giữ gìn và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua hàng ngàn năm lịch sử.

Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu… Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, biết gạn đục khơi trong, nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, biết chọn lọc, sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc tính của dân tộc mình.

Trong luồng chảy của việc khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23/11/1945, Người đã ký kết Sắc lệnh 65 về bảo tồn tất cả các di sản văn hóa như đình chùa, đền miếu, cung điện, thành quách, bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở, kể cả những cái có tính tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử.

Năm 1951, trong lúc đang kháng chiến chống Pháp, Người cũng đã ra Chỉ thị phục hồi vốn cổ dân tộc. Nhờ vậy mà một số loại hình nghệ thuật truyền thống ở các địa phương trong nước được phục hồi để phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân, động viên toàn dân, toàn quân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.

Trong Di chúc, Người đau đáu căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”….

Có thể nói, trong suốt cuộc đời, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Theo Người, văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, nó làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Định hướng lớn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam

Ngày 16/07/1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Di sản văn hóa là vốn quý của dân tộc.

Di sản văn hóa là vốn quý của dân tộc.

15 năm sau, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2011) của Đảng đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII và ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Trong Nghị quyết này, nhận thức mới có tính đột phá của Đảng về nguồn lực văn hóa đối với phát triển được thể hiện ở việc khẳng định vai trò của văn hóa trong chính trị và trong kinh tế. Chính trị và kinh tế là hai lĩnh vực then chốt của xã hội phải được đặt trên nền tảng văn hóa và phải phát huy vai trò của nguồn lực văn hóa đối với việc phát triển hai lĩnh vực trên. Đảng nhấn mạnh: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Nguồn lực văn hóa được kết tinh tập trung nhất là ở con người. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.

Đây chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

“Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12/4/2012) cũng khẳng định quan điểm con người là trung tâm của phát triển bền vững; nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững; cần đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân…

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, cụ thể hóa các đột phá chiến lược này cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới, trong đó nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…

Như vậy, có thể thấy, nhận thức về nguồn lực văn hóa trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước của Đảng ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc quan tâm chú trọng phát triển nguồn lực văn hóa, con người, phát huy tối đa tiềm năng “sức mạnh mềm” của đất nước là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đọc thêm